Synchronicity Earth (Anh) hỗ trợ 4 huyện ở Quảng Ngãi bảo tồn loài Chà vá chân xám
Dự án do Tổ chức Synchronicity Earth (Anh) tài trợ thông qua Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) và được triển khai tại 04 huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
4 huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) được Tổ chức Synchronicity Earth (Anh) hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn loài Chà vá chân xám |
Mục tiêu của Dự án là thông qua điều tra, khảo sát sự phân bố của loài Chà vá chân xám tại địa phương và tập huấn nâng cao kiến trúc và kỹ năng về công tác bảo tồn để xây dựng kế hoạch bảo vệ bền vững loài Chà vá chân xám trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, góp phần phục hồi và phát triển những quần thể điểm của loài ở Việt Nam, bao gồm các mục tiêu:
Mục tiêu 1: Thông tin về hiện trạng phân bố và số lượng loài Chà vá chân xám trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ được cập nhật đầy đủ làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn bền vững loài trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu 2: Nâng cao kiến thức và kỹ năng về sử dụng phần mềm SMART trong tuần tra bảo vệ rừng; kỹ năng cứu hộ động vật hoang dã cho công chức, viên chức kiểm lâm; viên chức, người lao động của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng thông qua các hoạt động chính của dự án để có được thông tin, dữ liệu về phân bố và số lượng của loài Chà vá chân xám và đánh giá nguy cơ đe dọa đến loài trên địa bàn các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ.
Bên cạnh đó, công chức, viên chức kiểm lâm; viên chức, người lao động của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh bước dầu áp dụng thành công phần mềm SMART trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học.
Đồng thời, công chức, viên chức kiểm lâm; viên chức, người lao động của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc và cứu hộ động vật hoang dã.
Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng chỉ sống ngoài tự nhiên, nằm trong danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Loài này chỉ còn tồn tại ở Việt Nam, phân bố ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên với hơn 2.000 cá thể, các địa phương trên đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn loài quý hiếm này. |