Sứ giả văn hóa vì quyền sống con người
10 năm khẳng định vị trí chuyên ngành hàng đầu về quyền con người Ngày 30/7, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ... |
Cần đề ra giải pháp đấu tranh và bảo vệ quyền con người trên không gian mạng Không gian mạng không thể là một lĩnh vực không có pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nạn tin giả, thông tin ... |
Đại thi hào đi vào các tác phẩm văn học - lịch sử
Lâu nay người đọc kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du chỉ quan tâm đến nhân vật Thúy Kiều như một hình tượng văn chương tiêu biểu cho nỗi thống khổ của con người dưới ách áp bức của cường quyền, bạo lực và sự tác oai tác quái của đồng tiền, ít ai chú ý tìm hiểu tác giả của nó. Âu là cũng chuyện bình thường. Trên Tạp chí “Hồn Việt” (số 75, tháng 11/2013), nhà văn Nguyễn Thế Quang (sống ở thành phố Vinh, Nghệ An) đã viết bài “Tôi đi tìm Nguyễn Du” để chia sẻ với độc giả quá trình “đi tìm” Đại thi hào dân tộc bằng hình thức văn chương, tiểu thuyết. Nhà văn đã dồn công sức, thời gian và cả tài chính khiêm tốn của một giáo chức về hưu đi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế; rồi ngược ra Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình,... Nghĩa là tìm về cội nguồn những vùng đất mà Nguyễn Du đã từng sống. Bảy năm trời ấp ủ, thai nghén, suy ngẫm, thể nghiệm viết, sửa chữa, bổ sung, nâng cao, hoàn thiện để cuối cùng đứa con tinh thần của mình, tiểu thuyết - lịch sử “Nguyễn Du” trình làng văn, năm 2010. Không chỉ tác giả vui mừng vì tác phẩm nghệ thuật ra đời hoàn chỉnh, người đọc cũng đồng thời được gây men niềm hứng thú khi “diện kiến” một hình tượng văn học tròn đầy, sâu sắc, giàu liên tưởng. Nhà văn đã cống hiến cho người đọc một bộ sưu tập tiểu thuyết - lịch sử: “Nguyễn Du” (2010), “Khúc hát những dòng sông” (2012), “Thông reo Ngàn Hống” (2015), “Đường về Thăng Long” (2019). Trong bốn nhân vật lịch sử do nhà văn tạo dựng nên bằng ngôn từ nghệ thuật: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bà Hoàng Thị Loan (Thân mẫu của Bác Hồ) và Võ Nguyên Giáp, thì mỗi nhân vật một vẻ, đúng là mười phân vẹn mười. Tôi thuộc số độc giả riêng yêu thích nhân vật Nguyễn Du. Lý do cũng hết sức đơn giản. Vì thi nhân là tác giả của kiệt tác “Truyện Kiều” (theo ý kiến của Giáo sư Đặng Thai Mai như là “linh kinh” của người Việt, có thể báo trước cho người ta những bước may rủi trên đường đời). Vì thi nhân có một tấm lòng bao la nhân ái trong thiên hạ. Vì thi nhân là biểu tượng của đức độ và tiết tháo của kẻ sỹ xưa nay. Vì thi nhân là nhà tiên tri thấy được cuộc bể dâu muôn đời mà chúng sinh phải ngụp lặn, vượt lên để sống. Vì thi nhân là bậc thầy ngôn từ văn chương đã nhiều công lao nâng tiếng Việt lên tầm cao mới. Tôi, một người đọc bình thường, đã cảm nhận về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du như một sứ giả văn hóa vì quyền sống con người.
Nguyễn Du và Truyện Kiều. |
Tác giả tiểu thuyết “Nguyễn Du” đi tìm điều gì? Tôi đặc biệt chú ý câu thơ “Mai cốt cách tuyết tinh thần” của Nguyễn Du được tác giả dùng làm Đề từ cho tác phẩm đầu tay và thành công đầu tiên trên con đường thiên lý văn chương của mình. Tôi hiểu, tác giả muốn, bằng hình tượng văn học, xây dựng một nhân cách không ham hố “lập công” với triều đại mới mà chỉ đau đáu “lập thư” cho đời và hậu thế (cần chú ý tình tiết thi nhân nghĩ về người mẹ đã khuất: “Còn con của mẹ - đứa con mẹ chiều chuộng nhất tóc đã bạc trắng, khoác trên mình chiếc áo quan triều, sức còn khỏe, lưng còn thẳng mà lắm lúc phải đi còng mẹ ạ”, “Bao năm qua, bao đau đớn, bao lựa chọn, con muốn lập thư, con muốn viết được những trang sách hay cho con người sống nhân từ hơn, yêu thương hơn. Con sẽ từ quan để về với non Hồng, về với những trang sách, về với chính con... Có thể con sẽ thất bại nhưng trước hết được làm Người”). Một nhân cách như Nguyễn Du tất yếu sẽ tìm được tự do bên trong, từ chính mình. Đó không chỉ là phẩm cách của một con người chân chính, mà là của một nghệ sỹ đích thực (có khả năng sáng tạo những “tác phẩm làm thành người” - chữ dùng của văn hào Pháp Romain Rolland). Nhưng rốt cuộc, Nguyễn Du cũng không thể vượt qua được thời đại mình sống. Đã nhủ lòng từ chối làm quan cho triều đại Tây Sơn, nhưng vẫn quay ra làm quan cho triều Nguyễn. Suy cho cùng, Nguyễn Du, cũng như những nghệ sỹ lớn mọi thời đại, đều mang trong mình một khối mâu thuẫn lớn tựa Thái Sơn (!?).
Nhưng sẽ là thiếu hụt với người đọc khi tiếp cận nhân vật văn học Nguyễn Du, nếu tác giả chỉ bó hẹp nó trong các tương quan của trường chính trị. Nhân vật Nguyễn Du được “vẽ” trong một không gian - thời gian mở, gồm tổng hòa các quan hệ xã hội - tự nhiên - gia đình - văn chương (lúc này không phải là một nghề, mà là nghiệp). Và quan trọng hơn cả là đặt, miêu tả nó trong cuộc đấu tranh nội tâm, tự nhận thức, theo tinh thần “phản tư”, “sám hối”. Tác giả đã tránh được những “cạm bẫy ngọt ngào” vốn hay giăng mắc sẵn với những cây bút non tay khi viết về những thiên tình sử của kẻ sỹ (ví dụ quan hệ của Nguyễn Du với phụ nữ nói chung, với Hồ Xuân Hương nói riêng).
Cuối cùng “Tôi đi tìm Nguyễn Du” là khi tác giả hiện thực hóa trong tác phẩm và kỳ vọng đưa hình tượng lên tầm đối thoại văn hóa - chính trị - xã hội - thẩm mỹ - thế sự: về bản chất của tự do, về quyền sống của con người, về nhân cách người nghệ sỹ, về quan hệ giữa trí thức và quyền lực, về trách nhiệm của người nghệ sỹ trước thời cuộc, về các giá trị văn hóa được sáng tạo nên bởi những vĩ nhân (danh nhân). Trong bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang đã xuất bản thì “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống” và “Đường về Thăng Long” đậm đà tinh thần đối thoại theo nguyên tắc chân - thiện - mỹ.
Có thể nói, trong số bốn tiểu thuyết - lịch sử của nhà văn Nguyễn Thế Quang thì riêng với “Nguyễn Du”, tác giả đã tập trung giải quyết thành công một nhiệm vụ nghệ thuật khó khăn nhất khi chạm bút vào quá khứ, vào các nhân vật của dĩ vãng được xác định qua sử liệu lưu trữ - mối tương quan giữa sự thật lịch sử và quyền hư cấu của nhà văn. Thông thường “tiểu thuyết” là hư cấu (tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật). Nhưng “tiểu thuyết - lịch sử” lại đòi hỏi nhà văn phải trung thành tuyệt đối với các biến cố, sự kiện, con người đến từng chi tiết. Bề ngoài tưởng như mâu thuẫn. Nhưng văn chương có cách thức hóa giải mâu thuẫn này bằng con đường riêng. Nhà văn nhấn mạnh: “Viết tiểu thuyết - lịch sử là khám phá về một thời đã qua, đã xa. Lịch sử chỉ có một, nhưng mỗi thời, mỗi người có một lượng thông tin khác nhau, có khi trái ngược nhau (…). Viết tiểu thuyết - lịch sử, không chỉ quay lại tìm vẻ đẹp của người xưa mà chính là để đối thoại với hiện tại, chia sẻ cùng bạn đọc, hướng tới cái tiến bộ”.
Ở tiểu thuyết lịch sử đầu tay “Nguyễn Du”, có thể nói, tác giả đã khá mạnh tay khi giải quyết vấn đề tương quan giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật. Những sự kiện liên quan đến mối quan hệ tình cảm giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, cuộc đối thoại giữa vua Gia Long và Nguyễn Du, kể cả chuyện Nguyễn Du chủ động phá “long mạch” để sau này trong dòng họ không có ai ra làm quan vì phải “bó thân vào với triều đình”, như tiêu đề phần thứ hai tiểu thuyết), là những “chuyện bịa như thật”, hay “chuyện thật như bịa”, đôi khi khó phân biệt rạch ròi.
Nhân tâm của thời đại
Kiệt tác “Truyện Kiều” sở dĩ sống mãi trong lòng người Việt Nam vì nó cất tiếng nói bằng hình thượng nghệ thuật về thân phận, kiếp người khổ ải chưa ai bằng Thúy Kiều, một người con gái hy bản thân đến tuẫn tiết vì chữ hiếu cho hạnh phúc của người thân trong gia đình mình. Cuộc lưu đày 15 năm gian truân của Thúy Kiều không dẫn đến con đường cùng - cái chết của nhân vật chính, vì bản thân nàng ham sống, đã đành, nhưng còn vì “người cha tinh thần” Nguyễn Du muốn nàng phải sống, được sống trong đoàn viên theo cách kết thúc có hậu hợp với truyền thống tâm lý, đạo đức, văn hóa dân tộc. Đọc “Truyện Kiều”, chia sẻ với nhân vật Thúy Kiều của Đại thi hào, mỗi chúng ta ngày nay càng thấm thía nỗi nhân tình thế thái, theo cách viết của nhà thơ Tố Hữu: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đồng” (“Việt Nam máu và hoa”). Đại thi hào Nguyễn Du viết kiệt tác “Truyện Kiều” theo quan điểm nghệ thuật hiện thực tối cao: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Chính vì vậy hậu thế gọi Đại thi hào là nhà hiện thực lớn, nhà nhân đạo lớn, nhà văn hóa lớn, nghệ sỹ ngôn từ lỗi lạc vì tác phẩm đã đứng hẳn về “phe nước mắt” - những con người nhỏ bé bị áp bức, bị bất công đè nén, bị tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Ở phần kết kiệt tác “Truyện Kiều”, Đại thi hào viết: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chúng ta hiểu đó là “nhân tâm” của mỗi cá nhân con người, cũng như nhân tâm thời đại.
Một tác phẩm văn chương lớn thực sự là khi nó sống hiện thực trong liên thời gian, liên thế hệ người đọc (hiểu theo nguyên tắc “tác phẩm văn chương là một quá trình”). Sinh thời Đại thi hào tự cảm thán viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân Khấp Tố Như?”. Nhưng hậu thế đã không để thời gian quên lãng những Bảo vật Quốc gia, trong đó có Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” (1965), nhà thơ Tố Hữu đã tha thiết viết: “Hỡi lòng tê tái thương yêu/ Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh/ Ngổn ngang bên nghĩa bên tình/ Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?/ Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào/ Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường/ Nỗi niềm xưa, nghĩ mà thương/ Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.../Nhân tình, nhắm mắt, chưa xong/ Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như/ Mai sau dù có bao giờ.../ Câu thơ thuở trước đâu ngờ hôm nay/ Tiếng đàn xưa đứt ngang dây/ Hai trăm năm lại càng say lòng người/ Trải bao gió dập sóng dồi/ Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha/ Đau đớn thay phận đàn bà/ Hỡi ôi, thân ấy biết là mấy thân (...)/ Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời nghìn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày/ Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin lại so dây cùng Người!”.
Kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du đã vượt ra ngoài khuôn khổ một tác phẩm văn chương hiểu theo nghĩa thông thường. Nó trở thành bảo vật, di sản văn hóa dân tộc và nhân loại, đã được dịch ra 21 ngôn ngữ trong gần 70 bản dịch quảng bá ở nhiều nước trên thế giới, tính đến năm 2020. Mượn ý của một nhà văn nước ngoài nói về kịch gia vĩ đại người Anh thế kỷ XVI-XVII: “Shakespeare đọc mãi không thôi”, chúng ta cũng có thể tự hào nói: “Nguyễn Du đọc mãi không thôi”.
Đại thi hào Nguyễn Du viết kiệt tác “Truyện Kiều” theo quan điểm nghệ thuật hiện thực tối cao: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Chính vì vậy hậu thế gọi Đại thi hào là nhà hiện thực lớn, nhà nhân đạo lớn, nhà văn hóa lớn, nghệ sỹ ngôn từ lỗi lạc vì tác phẩm đã đứng hẳn về “phe nước mắt” - những con người nhỏ bé bị áp bức, bị bất công đè nén, bị tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Ở phần kết kiệt tác “Truyện Kiều”, Đại thi hào viết: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chúng ta hiểu đó là “nhân tâm” của mỗi cá nhân con người, cũng như nhân tâm thời đại. |
Quyền cá nhân và quyền tập thể có gì khác nhau không? Do chủ thể chính của quyền con người là các cá nhân nên khi nói đến quyền con người về cơ bản là nói đến ... |
Những đối tượng nào là chủ thể của quyền con người? Những đối tượng nào là chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền con người? Tất cả các chủ thể trong xã hội (thể nhân, pháp nhân), ít hoặc nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, lúc này hay lúc khác, ... |