Siêu tiêm kích Mỹ chết yểu vì đối phương quá mạnh?
Chuyên gia quân sự Mỹ Caleb Larson cho biết, tháng 7/1955, Mỹ thông qua dự án LRI-X với mục tiêu chế tạo một mẫu tiêm kích đánh chặn tầm xa hiệu suất cao.
Về thiết kế, Rapier có chiều dài tổng thể 27 m, sải cánh 17,5 m và cao 6,7 m. Máy bay có khả năng hoạt động tầm xa với tốc độ cực đại đạt trên Mach 3 (nhanh hơn MiG-31 của Nga), đảm nhận nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt oanh tạc cơ hạt nhân Liên Xô nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước.
XF-108 Rapier Mỹ chết yểu khi chưa một lần cất cánh. Nguồn: Internet |
XF-108 sẽ hỗ trợ oanh tạc cơ XB-70 Valkyrie vốn có khả năng đạt tốc độ hơn 3.700 km/h (Mach 3). Bộ đôi này có thể tận dụng tốc độ cao để xuyên qua hệ thống phòng không Liên Xô, trong đó tiêm kích XF-108 sẽ đối phó chiến đấu cơ đánh chặn của đối phương.
Theo kế hoạch, NAA trang bị cho XF-108 radar Hughes AN/ASG-18 kèm hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại để tăng tối đa khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa với độ chính xác cao.
Vũ khí chủ lực của XF-108 là tên lửa GAR-9 có tầm bắn trên 160 km và tốc độ gần 7.000 km/h. Siêu tiêm kích này có thể mang ba quả đạn GAR-9 gắn vào bệ phóng dạng ổ xoay trong thân. XF-108 đạt tốc độ lớn nhờ trang bị hai động cơ phản lực J93-GE-3AR với tổng lực đẩy hơn 26 tấn. Trong khi đó, hai động cơ phản lực GE F414 trên tiêm kích F/A-18E/F hiện đại chỉ đạt lực đẩy gần 19 tấn ở chế độ tăng lực.
Thế nhưng, kết quả là, XF-108 không có cơ hội cất cánh. Sự ra đời của tên lửa hành trình dẫn đường và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Liên Xô khiến nhiệm vụ của nó không còn cần thiết.
Cụ thể là, Liên Xô có thể phóng ICBM từ lãnh thổ của mình, hoặc tên lửa hành trình và đạn đạo từ tàu ngầm ẩn mình dưới biển, không cần mạo hiểm điều oanh tạc cơ xâm nhập không phận Mỹ.
Đến cuối năm 1959, chương trình XF-108 bị hủy khi mới đến giai đoạn chế tạo mô hình. Oanh tạc cơ XB-70 cũng chịu chung số phận sau khi gây tai nạn chết người trong quá trình bay thử nghiệm.