Save the Children: Tỉ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam giảm 67% trong 20 năm
Trưởng đại diện Save the Children tại Việt Nam, bà Dragana Strinic phát biểu tại lễ công bố Báo cáo Tuổi thơ toàn cầu. |
Theo tổ chức Save the Children, khái niệm "tuổi thơ" không chỉ được định nghĩa là "khoảng thời gian từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành", mà quan trọng hơn, đó là "tình trạng và điều kiện (thể chất, cảm xúc, tinh thần) đảm bảo cho trẻ phát triển hết tiềm năng của mình. Những yếu tố cốt lõi đảm bảo tuổi thơ của trẻ em bao gồm: được giáo dục và bảo vệ khỏi mọi mối nguy hại, đời sống và phát triển khỏe mạnh trong tình yêu thương của gia đình và cộng đồng.
Báo cáo tuổi thơ toàn cầu hàng năm được Save the Children khởi động thực hiện từ năm 2017, với bảng xếp hạng các quốc gia theo thang điểm từ 1 đến 1.000 dựa trên các chỉ số “kết thúc tuổi thơ”. Chỉ số này được mô tả thông qua những “bước ngoặt” tiêu cực như tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên, thất học, ốm yếu, suy dinh dưỡng, tử vong…
Theo Báo cáo tuổi thơ toàn cầu 2019, nhìn chung, năm 2019, tuổi thơ của trẻ em ở 173/176 quốc gia được xếp hạng đã được cải thiện đáng kể so với thời điểm năm 2000.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019, điểm số của Việt Nam đã tăng thêm 67 điểm, từ 764 lên 831, giúp Việt Nam tăng 1 bậc so với 2018, đứng ở vị trí 95 trên 176 quốc gia.
Điểm số và xếp hạng của 9 nước Đông Nam Á trong Báo cáo Tuổi thơ toàn cầu của Save the Children. |
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện tuổi thơ của trẻ em được Save the Children đánh giá cao bao gồm việc giảm mạnh tỉ lệ lao động trẻ em, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Trong khoảng thời gian này, tỉ lệ lao động trẻ em đã giảm 67%. Cụ thể, năm 2000, tỉ lệ lao động trẻ em trong độ tuổi 5-14 là 28%, thì tới năm 2019 tỉ lệ này là 9.6%. Cùng với đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 36,5% xuống còn 24,6%.
Trước những kết quả khả quan của Việt Nam, bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Save the Children tại Việt Nam khẳng định: “Save the Children đã và đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để đưa những con số này xuống thấp hơn nữa, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số.”
Bà cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em:
“Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em và Công ước về Lao động Trẻ em của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, giúp giảm tỉ lệ đói nghèo, theo đó nhu cầu buộc trẻ em phải tham gia lao động sớm để hỗ trợ gia đình không còn là một vấn đề cấp thiết nữa.”
(Từ trên xuống, trái qua) Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng, bỏ học, tảo hôn, mang thai tuổi vị thành niên, trẻ em phải lao động tại Việt Nam theo Báo cáo Tuổi thơ toàn cầu 2019. |
Bên cạnh đó, bà Dragana cũng đánh giá cao sự đầu tư hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, giúp tăng tỉ lệ đi học ở trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Những thành tựu tăng trưởng kinh tế và nguồn viện trợ nước ngoài cũng đã được tận dụng một cách hiệu quả để thiết kế những chương trình mang lại lợi ích lớn cho trẻ em trong nước.
Nhân dịp công bố Báo cáo tuổi thơ toàn cầu, Save the Children cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các cam kết để tiếp tục cải thiện tuổi thơ của trẻ em. Cụ thể, cần đảm bảo các nguồn đầu tư đến được với những trẻ em thiệt thòi bằng cách luôn đặt chú trọng đến vấn đề đầu tư công cho trẻ em theo Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, cần có hành động để đảm bảo mọi trẻ em được đối xử công bằng như: chấm dứt các chính sách, quy định và hành vi phân biệt đối xử như ngăn cản trẻ em gái tiếp cận các dịch vụ y tế hoặc từ chối cung cấp dịch vụ giáo dục cho trẻ em do nguyên nhân giới tính hoặc dân tộc.
Đặc biệt, các chính phủ cần đảm bảo mọi trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em thiệt thòi, được xem xét, đánh giá trong các dữ liệu nghiên cứu cũng như được sử dụng để đánh giá sự tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
“Để tiếp tục kế thừa những thành công đạt được và đảm bảo Không Trẻ Em Nào Bị Bỏ Lại Phía Sau, Save the Children mong muốn Việt Nam tiếp tục giữ vững và thực hiện cam kết cải thiện, cũng như tiếp tục tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng tạo ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của các em, đảm bảo tất cả trẻ em được đối xử công bằng, được hưởng một tuổi thơ an toàn, khỏe mạnh, và hạnh phúc," bà Dragana Strinic khẳng định.
Trong bảng xếp hạng 2019, những quốc gia đạt được tiến bộ lớn nhất lại là những nước nghèo nhất, gồm: Sierra Leone, Rwanda, Ethiopia, và Niger. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được, tỉ lệ trẻ em phải sống ở các khu vực có xung đột bạo lực không đạt được tiến bộ nào đang gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể, tính từ năm 2000, tỉ lệ trẻ em buộc phải rời khỏi nơi sinh sống do xung đột đã tăng 80%. Trước thực trạng trên, Save the Children đang kêu gọi lãnh đạo các quốc gia, nhà tài trợ và các bên liên quan khác tiếp tục thực hiện các cam kết trong khuôn khổ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) thông qua việc thực hiện ngay bước đi cần thiết hướng tới mục tiêu ‘Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau’. |
Ông Nguyễn Hữu Linh tiếp tục bị đề nghị truy tố tội dâm ô trẻ em Chiều 22/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 cho biết tiếp tục đề nghị truy tố ông Nguyễn Hữu Linh tội dâm ... |
Chuyên gia Hàn Quốc phẫu thuật miễn phí cho 30 trẻ em dị tật khe hở môi ở miền Trung Như định kỳ hàng năm, từ ngày 15- 20/7, đoàn chuyên gia từ Đại học Quốc gia Chonbuk - Hàn Quốc đã đến và phối ... |
HKI cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Hòa Bình Vừa qua, khoá tập huấn 3 ngày về các kiến thức dinh dưỡng và vệ sinh thiết yếu cho bà mẹ và trẻ nhỏ dành ... |