Quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề tới đô thị Việt Nam
Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng thiên tai, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động phát triển của con người khi phát triển kinh tế và đô thị hóa thường song hành với nhau gây ra phát thải khí nhà kính.
Các đô thị là nguồn phát thải khí nhà kính đặc biệt lớn. Khoảng 50% dân số trên thế giới hiện nay đang sống tại đô thị và sẽ tăng lên tới 70% vào năm 2050. Đô thị cũng là khu vực tiêu thụ tới 80% năng lượng của toàn cầu.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các tác động của biến đổi khí hậu. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, nước ta có trên 820 đô thị. Trong đó có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán.
Hàng trăm đô thị tại Việt Nam phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường… (Ảnh: Báo Tin tức) |
Nguyên nhân có thể lý giải là do các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hoàn chỉnh. Các trục tiêu thoát chính bị bồi lắng, thu hẹp không đảm bảo tiêu thoát trong mùa mưa. Các biện pháp kỹ thuật chưa đồng bộ, công trình đầu mối, cầu cạn, cống thoát chưa tính toán đủ cho nhu cầu thoát nước. Quy hoạch thiếu các đánh giá tác động, sử dụng tiêu chuẩn cũ khiến nhiều tuyến giao thông biến thành những con đê chắn, cản trở việc thoát nước gây ngập úng cho các đô thị.
Trước tình hình đó, việc quy hoạch lại đô thị là điều rất cần thiết. Đây là quá trình tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở. Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi của khí hậu sẽ góp phần làm giảm sự tác động xấu của môi trường lên cuộc sống của người dân thành thị như ngập lụt, triều cường, bão, nhiệt độ tăng cao, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí… Quy hoạch cũng tạo ra không gian xanh, hồ điều hòa tại các khu đô thị, tạo nên môi trường sống trong lành cho người dân.
Nhiều chính sách nhằm quy hoạch lại đô thị được ban hành
Nhằm giảm thiểu những tác động không mong muốn từ biến đổi khí hậu đến khu vực đô thị, Chính phủ đã phê duyệt các đề án quy hoạch đô thị như Quyết định số 2623/QĐ-TTg, ngày 31/12/2013, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 – 2020”; Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25/3/2021, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030”…
Các đề án hướng tới mục tiêu tổng quát chung là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát không khí, đất, nước ở đô thị theo tiêu chuẩn quốc tế, rà soát các văn bản có liên quan, tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn ở các bộ, ngành trong điều hành quản lý đô thị nhằm ứng phó với biến đổi của khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch đô thị năm 2020 cũng xác định: “Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm họa ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị”.
Trên cơ sở những chủ trương, chính sách đó, việc quy hoạch đô thị nhằm ứng phó với biến đổi của khí hậu tại Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, hệ thống cây xanh được quan tâm đầu tư, các ao hồ có sự cải tạo đáng kể.
Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Báo Tin tức) |
Theo GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, Vụ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, hiện nay chất lượng nhiều đô thị được nâng cao nhanh chóng, từ nhà ở đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Nhiều không gian xanh được mở rộng, nhiều khu thương mại, dịch vụ và giải trí được xây dựng. Nhiều tuyến giao thông được xây dựng mới và nâng cấp… Về cơ bản, chất lượng quy hoạch đô thị về không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân đô thị.
Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã báo cáo những kết quả tích cực trong công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, trong giai đoạn 2015 – 2020, hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng dần chất lượng theo hướng đồng bộ, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đạt được nhiều kết quả như triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chủ động cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Xây dựng Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Xây dựng Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng chương trình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng, khu vực, như vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Dù vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, song công tác quy hoạch đô thị tại Việt Nam đã và đang được triển khai mang tới hiệu quả rõ rệt, làm tiền đề để Nhà nước tiếp tục đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đnag ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu Xác lập tầm nhìn mới cho phát triển xanh và phát thải ròng bằng 0; đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo hình công-tư; các nước phát triển cần tăng gấp đôi tài chính chống biến đổi khí hậu… |
Nhiều sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu của thanh niên Việt Nam Nhiều sáng kiến của các bạn trẻ, trong độ tuổi từ 15-35, về hạn chế phát thải, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu đã được giới thiệu tại cuộc thi “Biến đổi khí hậu: Sáng kiến hôm nay, môi trường ngày mai”. |