Quảng Ngãi tổ chức giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia lần thứ 2
Thi dù lượn ở Lý Sơn vào năm 2019. (Ảnh: Thanh Niên) |
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm nay địa điểm chọn tổ chức giải dù lượn ở đỉnh núi Thới Lới (đảo Lý Sơn) và bãi đáp dù dự kiến khoảng 500m.
Núi Thới Lới được khảo sát, đánh giá là điểm bay lý tưởng, an toàn để tổ chức các giải dù lượn. Năm 2019, tại đây cũng diễn ra giải dù lượn quốc tế với sự tham dự nhiều phi công dù lượn trên thế giới.
“Mục đích giải nhằm nâng cao phong trào thể dục, thể thao, góp phần quảng bá hình ảnh và thúc đẩy du lịch ở đảo Lý Sơn”, ông Dũng cho biết.
Đây cũng là dịp để rèn luyện, đánh giá trình độ, kỹ năng của các vận động viên dù lượn của Việt Nam. Qua đó, chuẩn bị các các vận động viên tham gia thi đấu các giải dù lượn trong khu vực và thế giới.
Đối tượng tham gia giải vô địch dù lượn quốc gia lần 2 là các vận động viên dù lượn Việt Nam đang tham gia tập luyện và sinh hoạt thường xuyên tại các câu lạc bộ dù lượn trong cả nước.
Hiện ban tổ chức đã nhận được đăng ký của 5 câu lạc bộ dù lượn và hơn 50 vận động viên tham gia. Thời gian tổ chức giải diễn ra từ ngày 20/5 24/5.
Trước đó, vào tháng 6/2019, tại Lý Sơn đã diễn ra giải dù lượn quốc tế lần 1, với sự tham gia hơn 100 vận động viên đến từ 10 quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Anh, Malaysia, Lào, Việt Nam...
Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia lần 1 được tổ chức vào tháng 7.2020 tại thành phố Đà Nẵng với hơn 100 vận động viên nam, nữ tham gia tranh tài.
Đảo Lý Sơn (trên 10,3km2) nằm cách đất liền Quảng Ngãi 15 hải lý, du khách ra đảo tại cảng Sa Kỳ bằng các tàu cao tốc. Đảo gồm đảo Lớn, đảo Bé với dân số khoảng 22 ngàn người.
Dấu tích trên đảo lớn có 1 núi lửa với 5 miệng được hình thành hàng chục triệu năm trước, đã tắt trong nhiều triệu năm. Hiện các miệng núi lửa là nguồn giữ các mạch nước ngầm cung cấp nguồn nước ngọt cho toàn bộ đảo.
Bên cạnh trầm tích núi lửa, Lý Sơn còn có rất nhiều di tích lịch sử (56 di tích) của nhiều nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, người Việt và có nhiều điểm vui chơi, thăm quan rất đẹp. Nhiều năm trở lại đây, du lịch phát triển mạnh tại Lý Sơn, đem lại nguồn thu rất lớn cho địa phương và nâng cao đời sống bà con nơi đảo biển này.