Quản lý thực địa Bu Prăng và đề xuất (bài 14)
Bu Prăng: Căn cứ pháp lý và những tài liệu chưa hoàn thiện (bài 13) Những khác biệt và thiếu khuyết trong các tài liệu cũ về biên giới tại khu vực Bu Prăng đã phần nào gây nên những ... |
Bu Prăng điểm khác biệt nhận thức về đường biên giới Việt Nam – Campuchia (bài 12) Biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia vẫn còn tồn tại 7 khu vực chưa thỏa thuận xong về hướng đi của đường ... |
Điểm nóng bị Khmer Đỏ thường xuyên đánh phá
Theo các báo cáo về quản lý hành chính đối với khu vực Bu Prăng thì từ thời Pháp đã có đồn điền cafe, cao su. Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng đồn Trương Tấn Bửu (thuộc tỉnh Tuy Đức); những năm 1956 - 1958 (trước thời điểm Campuchia đưa ra ý kiến đầu tiên đối với khu vực Bu Prăng 1959), chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có các văn bản về tổ chức hành chính, địa giới hành chính các tỉnh Thủ Dầu Một, Tuy Đức... liên quan đến khu vực Bu Prăng. Tuy nhiên không tìm thấy tài liệu nào của Pháp thể hiện quản lý hành chính đối với khu vực Bu Prăng.
Sau khi thống nhất đất nước, ta tiếp tục quản lý ổn định và liên tục khu vực Bu Prăng theo đường biên giới là nhánh phía Bắc Đắk Dang.
Năm 1976 tỉnh Đắk Lắc được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Quảng Đức và Gia Nghĩa, khu vực Bu Prăng thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắc. Toàn tỉnh Đắk Lắc có 9 đồn Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), riêng khu vực Bu Prăng có hai đồn quản lý là các đồn số 7, số 8.
Sau khi lên nắm quyền ở Campuchia ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ bắt đầu thực hiện chính sách diệt chủng ở trong nước, đồng thời chủ trương thực thi một chính sách thù địch đối với Việt Nam. Chúng bắt đầu tiến hành các hoạt động khiêu khích, đánh phá ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam trong đó có khu vực Bu Prăng. Tại khu vực này, Khmer Đỏ thường xuyên cho lính xâm nhập vào lãnh thổ của Việt Nam tại khu vực suối Đắk Dang và Đắk Huýt.
Ngày 26/12/2015, tại huyện Tịnh Biên (An Giang), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (bên phải) và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen chủ trì Lễ khánh thành Cột mốc 275 trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN |
Việt Nam đã thể hiện thái độ kiên quyết phản đối những hành động xâm nhập biên giới của phía Campuchia và khẳng định rõ rằng, đường biên giới đi qua khu vực này chạy theo dòng suối Đắk Dang. Việt Nam đã bác bỏ yêu sách về biên giới của Campuchia theo các bản đồ do Sihanouk cạo sửa mà họ đưa ra, giữ vững quan điểm là kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường biên giới đúng như bản đồ Pháp in trước năm 1954. Việc Đồn Công an vũ trang số 8 quyết định chuyển lên đóng cách bờ suối Đắk Dang 15m đã thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Khu vực Bu Prăng đã trở thành một khu vực điển hình trong quá trình đấu tranh bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam trên phương diện đấu tranh quân sự, ngoại giao.
Kiến nghị giải pháp trong thời gian tới
Căn cứ vào thực trạng nói trên thì về cơ bản, nội dung mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời trong buổi họp báo ngày 2/11/2015: “… Liên quan đến khu vực biên giới Đắk Đăm thuộc tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Việt Nam có đầy đủ cơ pháp lý, lịch sử và quản lý thực tế để khẳng định khu vực này luôn thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của Việt Nam” là có cơ sở pháp lý và thực tế quản lý.
Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, có lẽ cũng cần xem xét đến một thực tế là: mặc dù Việt Nam có lợi về tài liệu pháp lý và thực tiễn quản lý để chứng minh khu vực Bu Prăng thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng trong hồ sơ pháp lý đó vẫn còn có những khiếm khuyết, chưa hoàn toàn rõ ràng và phía Campuchia vẫn tìm cách vận dụng để bảo vệ cho quan điểm của mình. Chính vì vậy, ngày 10/10/2005, Việt Nam và Campuchia ký “Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985”, trong đó, Khoản 2, Điều 1, đã nêu rõ: “Đối với khu vực tiếp giáp giữa xã Quảng Trực... và xã Đak Đam…, hai bên ký kết thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi.” Một cách thực sự khách quan và cầu thị thì khu vực Bu Prăng cho đến nay vẫn có thể được coi là khu vực có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông trao tặng vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 cho tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. |
Trong khi chưa đạt được sự thống nhất trong nhận thức về hướng đi của đường biên giới ở đây, hai bên nên cùng nhau tiến hành các công việc sau:
- Tiếp tục sưu tầm các bản đồ, sơ đồ kèm theo các văn bản pháp lý có liên quan đến việc mô tả hướng đi của đường biên giới tại khu vực này mà hiện nay cả hai bên đều chưa tìm thấy; dẫn đến tình hình mỗi bên đều có cách giải thích áp dụng khác nhau. Nếu cuối cùng không tìm được thì nên cùng nhau thỏa thuận giải quyết theo một số nguyên tắc của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đảm bảo nguyên tắc công bằng hợp tình, hợp lý, vì lợi ích của cả hai bên.
- Giữ nguyên hiện trạng quản lý trên thực tế và không được tiến hành tuyên truyền một chiều, kích động dư luận làm ảnh hưởng đến công việc phân giới cắm mốc đang ở giai đoạn cuối.
- Cùng hợp tác để có thể áp dụng một giải pháp tạm thời có tính thực tiễn, không để các thế lực chính trị đối lập lợi dụng gây bạo loạn, cản trở quan hệ giữa hai nước, phá hoại những thành quả của quá trình giải quyết vấn đề biên giới đã đạt được cho đến nay.
- Nên có một cơ chế cấp chính phủ để trao đổi thông tin và có thẩm quyền xử lý kịp thời những diễn biên trên thực địa…, kiểm soát và hạn chế mọi hoạt động có thể làm thay đổi hiện trạng, tạo cớ cho các thế lực chống đối lợi dụng để phục vụ cho những động cơ chính trị đen tối của chúng.