Bu Prăng: Căn cứ pháp lý và những tài liệu chưa hoàn thiện (bài 13)
Bu Prăng điểm khác biệt nhận thức về đường biên giới Việt Nam – Campuchia (bài 12) Biên giới Việt Nam – Campuchia: Những vấn đề quản lý (bài 11) Biên giới Việt Nam - Campuchia (bài 10) |
Những khác biệt về tài liệu
Ngày 19/9/1911, Ủy ban phân định ranh giới giữa Nam Kỳ và Campuchia (Ủy ban này được thành lập theo Nghị định ngày 6/12/1910) đã họp phiên thứ 3. Tại phiên họp đó, Ủy ban đã mô tả biên giới ở khu vực Bu Prăng như sau: “biên giới... tiếp nối sông Đắk Huýt đến tận nguồn. (Sơ đồ đính kèm biên bản phiên họp này hiện chưa tìm thấy)
Ngày 31/7/1914, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 1602 quyết định: “Đường biên giới... chạy dọc theo sông Đắk Huýt đến tận nguồn của nó”. (Nghị định này đính kèm 2 sơ đồ, nhưng chỉ mới tìm thấy sơ đồ 1 vẽ đoạn biên giới từ điểm A qua điểm B đến điểm C. Sơ đồ 2 có thể đã vẽ đoạn biên giới tiếp theo từ điểm C đến điểm D rồi đến ngọn nguồn sông Đắk Huýt như mô tả trong Điều 3 Nghị định 1602, không có trong tập hồ sơ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II).
Năm 1952 Sở Địa dư Đông Dương (SGI) vẽ đường biên giới trên bản đồ Bonne tỉ lệ 1/100.000 theo nhánh suối Đắk Dang (nhánh phía Bắc) mà không vẽ theo nhánh suối Đắk Huýt (nhánh phía Nam). Do đó đã tạo nên khu vực giữa hai nhánh suối, khu vực Bu Prăng có diện tích 52 km vuông. Từ đây cũng tạo nên sự khác biệt trong nhận thức của hai bên về đường biên giới khu vực này.
Quan điểm pháp lý của hai bên
Trước năm 1964, quan điểm cơ bản của phía Campuchia về biên giới lãnh thổ giữa hai nước là đòi Việt Nam trả lại cho Campuchia 6 tỉnh Nam Kỳ và đảo Phú Quốc. Phía Campuchia bắt đầu nêu vấn đề Bu Prăng kể từ năm 1959 bằng công hàm.
Tháng 3/1964, Campuchia gửi cho ta dự thảo Nghị định thư về tuyên bố nền trung lập của Campuchia và bản đồ biên giới đất liền Campuchia - Nam Kỳ cùng với 1 hải đồ, cụ thể là đường biên giới trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 với 9 điểm sửa đổi. 9 điểm này do phía Campuchia cạo sửa bản đồ Bonne của Pháp, tổng diện tích khoảng 100 km2, trong đó Bu Prăng là điểm có diện tích lớn nhất 52 km vuông. Trên biển, phía Campuchia đề nghị các đảo phía Bắc đường do Toàn quyền Đông Dương Brévié vạch ra năm 1939 là thuộc Campuchia, cộng thêm quần đảo Thổ Chu và nhóm đảo phía Nam quần đảo Hải Tặc.
Chỉ huy Đồn biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Ảnh: Phan Tân |
Trong năm 1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã chính thức công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại. Trong những năm 1980, ta và Campuchia đã cùng nhau tìm bản đồ Bonne 1/100.000 và bản đồ UTM 1/50.000 có thể hiện đường biên giới giữa hai nước để đàm phán.
Kết quả là, trên các bản đồ Bonne gốc của Pháp cũng như bản đồ UTM gốc của Mỹ đều vẽ đường biên giới ở khu vực Bu Prăng đi theo nhánh suối Đắk Dang (Bu Prăng hoàn toàn thuộc về Việt Nam). Khi cùng nhau ký Hiệp ước nguyên tắc năm 1983, hai bên đã thống nhất sử dụng 26 mảnh bản đồ Bonne tỉ lệ 1/100.000 do SGI xuất bản trước năm 1954 và gần năm 1954 nhất để làm cơ sở đàm phán, hoạch định biên giới. Năm 1983 Việt nam và Campuchia ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước. Điều 1 Hiệp ước này quy định: “...biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương, thông dụng trước năm 1954 hoặc gần 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ được 2 bên xác nhận) là đường biên giới quốc gia hai nước…”
Năm 1985 ta và Campuchia ký “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia”, trong đó lời văn mô tả và các loại bản đồ đính kèm đều thể hiện khu vực Bu Prăng thuộc Việt Nam.
Sự thay đổi trong quan điểm của nước bạn
Trong các vòng đàm phán 1998-2002, phía Campuchia đề nghị ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985. Lần này phía Campuchia đưa ra đề nghị điều chỉnh đường biên giới theo nhánh suối Đắk Huýt để khu vực Bu Prăng thuộc Campuchia.
Từ năm 1999 đến năm 2000 tại các vòng I, II, III của Ủy ban Liên hợp về biên giới Việt Nam - Campuchia, phía Campuchia đề nghị điều chỉnh đường biên giới ở khu vực Bu Prăng theo điều 3 Nghị định 1602 của Toàn quyền Đông Dương ký ngày 31/7/1914.
Ngày 10/10/2005 hai bên đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, tại Điểm 2 Điều II, hai bên thống nhất “sẽ tiếp tục trao đổi”.
Trong quá trình ra soát chuyển vẽ bản đồ thời gian gần đây, khi trao đổi cho nhau đường chuyển vẽ, ở khu vực Bu Prăng ta vẽ theo đường Hiệp ước 1985 (theo nhánh suối Đắk Dang), Campuchia vẽ theo nhánh suối Đắk Huýt. Phía Campuchia đã dựa vào lời văn của Nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1914 mô tả biên giới theo dòng Đắk Huýt để yêu cầu sửa lại đường biên giới trên bản đồ Bonne tỉ lệ 1/100000, là bản đồ hai bên thống nhất lấy làm cơ sở giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước, vì Campuchia cho rằng bản đồ này đã vẽ đường biên giới không đúng như lời văn của Nghị định 1914.
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng luôn gần gũi hòa đồng với đồng bào nơi đóng quân |
Cần lưu ý rằng, cách giải thích này của Campuchia chỉ dựa theo lời văn của Nghị định mà chưa được kiểm chứng bởi sơ đồ kèm theo Nghị định này. Bởi vì, cho đến nay hai bên vẫn chưa tìm được sơ đồ kèm theo Nghị định. Tuy vậy, phía Campuchia vẫn đơn phương thể hiện hướng đi của đường biên giới tại khu vực này theo suy diễn của mình từ năm 1964, khi họ gửi bản đồ đã cạo sửa đến một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, và đã nộp lưu chiểu tại Liên Hợp Quốc. Bằng việc làm này, Campuchia cho rằng đã được quốc tế công nhận quan điểm của mình.
Để bảo vệ cho quan điểm nói trên, hiện nay Campuchia cho rằng bản đồ của SGI xuất bản không sửa theo Đắk Huýt là thiếu sót của SGI, cũng giống như thiếu sót ở các khu vực 6, 7, là những điểm nằm trong số 7 điểm mà Campuchia đề nghị điều chỉnh theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương và hai bên cũng đã giải quyết dựa trên Nghị định đó.
“Tiếp tục trao đổi”
Xuất phát từ tình hình nói trên, trên tinh thần thật sự cầu thị và tôn trọng sự thật khách quan, ngày 10/10/2005, Việt Nam và Campuchia đã ký “Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985”, trong đó Khoản 2 Điều 1 nêu rõ: “Đối với khu vực tiếp giáp giữa xã Quảng Trực... và xã Đak Đam…, hai bên ký kết thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi.”
Rõ ràng là, mặc dù số lượng tài liệu, sưu tầm được ở cả trong và ngoài nước rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy bản đồ thể hiện đầy đủ lời văn của Điều 3 (mô tả biên giới giữa tỉnh Thủ Dầu Một và Kratie là đoạn biên giới có khu vực Bu Prăng) của Nghị định 1602. Do đó, có thể thấy bản đồ này đã bị thất lạc từ lâu.
Ngoài ra, cũng không tìm thấy bất cứ văn bản nào sau này của Toàn quyền Đông Dương sửa đổi nội dung Nghị định 1602 liên quan đến khu vực Bu Prăng.
Nếu căn cứ vào các loại bản đồ đã xuất bản thì có thể thấy đường biên giới ở đây đã được thể hiện khá đa dạng về chủng loại, tỉ lệ, do các nước Pháp, Mỹ, Anh xuất bản trong khoảng thời gian từ 1914 đến 1966. Hầu hết đều thể hiện đường biên giới đi theo nhánh Đắk Dang ở phía Bắc hoặc có dáng trùng với dáng của nhánh Đắk Dang. Kể cả trên các mảnh bản đồ có vẽ cả hai nhánh ở thượng nguồn và ghi rõ tên của cả hai nhánh ấy, nhưng biên giới vẫn vẽ theo nhánh Đắk Dang…