Quan hệ Việt Nam - LB Nga tiếp nối xứng đáng truyền thống tốt đẹp
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Văn phòng Thông tin và Báo chí Tổng thống Nga/TASS |
Đánh giá về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - LB Nga trong hơn hai thập kỷ qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định quan hệ song phương ngày nay kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây. Sau một thời gian bị gián đoạn hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bằng quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - LB Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Nhìn lại hơn hai thập kỷ qua, hai nước có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được khi quan hệ ngày càng phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, thông qua các hình thức và cơ chế hợp tác chính trị đa dạng như trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao, thường xuyên, giúp lãnh đạo hai nước trao đổi thông tin và kịp thời chỉ đạo phát triển quan hệ song phương. Hai bên đã thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế như họp Ủy ban Liên chính phủ, Đối thoại chiến lược, Tham vấn chính trị thường niên góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa hai nước. Việt Nam và LB Nga luôn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)...
Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch song phương tăng từ 10-15%/năm, là kết quả của việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU). Mặc dù chịu tác động của tình hình bất ổn trên thế giới và khu vực, kim ngạch thương mại năm 2023 vẫn đạt hơn 3,6 tỷ USD. Về đầu tư, Nga đã có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD vào đầu những năm 2000 đã lên mức 3 tỷ USD năm 2023. Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Hai bên đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ LB Nga với các dự án lớn. Ngoài liên doanh Vietsovpetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai bên đã có thêm những liên doanh khác đang hoạt động tích cực ở cả hai nước.
Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, địa phương... ngày càng được mở rộng, trong đó hợp tác khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo giữa hai nước được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược. Nga đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều sinh viên Việt Nam nhờ vào các chương trình học bổng và đào tạo chất lượng cao với hàng nghìn sinh viên theo học tại Nga mỗi năm, trong đó có các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, dầu khí, khoa học cơ bản. Hàng chục nghìn cán bộ khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo tại LB Nga đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam và là nhân tố tạo cầu nối hữu nghị giữa người dân hai nước. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên cũng góp phần tăng thêm sự hiểu biết giữa hai dân tộc và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác. LB Nga cũng luôn duy trì là một trong những thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống giữa hai nước không ngừng phát triển trên cơ sở đối tác tin cậy, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Về ý nghĩa của chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đối với việc hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia đến 2030, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa văn kiện nói trên. Chuyến thăm không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Điều này góp phần củng cố tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của quan hệ hai nước trong tương lai.
Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin cũng là cơ hội để lãnh đạo hai nước thảo luận và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại song phương, bao gồm thúc đẩy thực hiện các dự án hợp tác lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp. Đồng thời, chuyến thăm cũng là dịp để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cơ bản khác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030. Các mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động cụ thể sẽ được đề ra nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của quan hệ song phương trong tương lai. Đây cũng là dịp để hai nước khẳng định cam kết hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Sự phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế sẽ góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Ngoài ra, chuyến thăm của Tổng thống Nga sẽ tạo động lực mới cho các hoạt động giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân. Các chương trình hợp tác văn hóa, giáo dục và du lịch sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước. Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm lần này của Tổng thống Vladimir Putin sẽ là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và LB Nga, đưa quan hệ song phương vững bước trên con đường rộng mở hướng tới tương lai tốt đẹp của tình hữu nghị gắn bó thủy chung và đối tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới.
Đề cập đến các biện pháp để phát huy và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết trước tiên cần phải khẳng định hợp tác trong các lĩnh vực trên giữa hai nước thời gian qua là rất hiệu quả, ngày càng đa dạng, thực chất và là những cơ sở quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Về hợp tác kinh tế - thương mại, thời gian gần đây Việt Nam và LB Nga gặp không ít khó khăn, trở ngại liên quan đến các vấn đề vận tải, logistics,.... Hai nước đã tích cực thúc đẩy trao đổi đoàn ở các cấp khác nhau, thường xuyên phối hợp để tháo gỡ các khó khăn. Kim ngạch thương mại trong các tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá. Tuy nhiên, quy mô hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của hai nước trên nền tảng quan hệ hết sức tốt đẹp. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước thời gian tới, Đại sứ cho rằng hai bên cần có những biện pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, Việt Nam và LB Nga cần khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Nga là thành viên, qua đó đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của mỗi nước và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng hàng hoá tại khu vực. Doanh nghiệp hai nước cần tận dụng tốt hơn các lợi thế và cơ hội để tăng cường đầu tư, sản xuất hàng hóa tại thị trường của nhau. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cần nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư vào Nga trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, may mặc, sản phẩm đồ gỗ...
Thứ hai, hai bên cần sớm tìm kiếm các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, thách thức hiện nay để bảo đảm việc giao thương được thuận lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
Thứ ba, Nga nên có chính sách ưu tiên miễn thị thực cho các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường, các đoàn xúc tiến thương mại và khách du lịch theo đoàn, thời gian tối thiểu là 30 ngày. Nếu chính sách này được áp dụng sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Về hợp tác khoa học - công nghệ, có thể thấy rằng lĩnh vực này không chỉ góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo điều kiện cải thiện năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, hình thành mạng lưới quan hệ hợp tác đối tác tin cậy giữa các cơ quan khoa học - công nghệ hai nước. LB Nga rất coi trọng phát triển khoa học - công nghệ, ban hành nhiều văn bản chiến lược và chính sách ưu tiên để hướng tới đạt được chủ quyền về công nghệ và đi đầu về công nghệ trong một số lĩnh vực đến năm 2030, trong đó ưu tiên xây dựng mô hình hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển khoa học. Để phát triển hợp tác khoa học - công nghệ với LB Nga thời gian tới, hai bên cần quan tâm triển khai các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực Nga có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như khoa học sự sống, công nghệ năng lượng, công nghệ vũ trụ, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường; nghiên cứu cơ bản, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực y sinh …Hai nước cần có chính sách và dành nguồn lực tài chính thích đáng đầu tư cho các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chung, đồng thời tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi cán bộ khoa học, kết nối mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo…
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đây là một trong những nội dung quan trọng của Tuyên bố chung về tầm nhìn đối tác chiến lược giữa Việt Nam - LB Nga đến năm 2030. Để phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này, hai nước đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý, sớm ký mới Hiệp định về hợp tác giáo dục thay thế hiệp định ký năm 2005, Hiệp định về thành lập và hoạt động của Trung tâm Pushkin; gia hạn Hiệp định Đào tạo công dân Việt Nam tại Nga đến năm 2030…Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực tại LB Nga diện hiệp định, Việt Nam cần ưu tiên cử sinh viên theo học các khối ngành kỹ thuật, khoa học ứng dụng, công nghệ tài chính; phối hợp giữa các bộ liên quan để tăng số lượng học bổng cho các ngành y và các ngành đào tạo trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Hằng năm, Chính phủ LB Nga cấp 1.000 suất học bổng cho công dân Việt Nam sang học tập tại Nga và cần thúc đẩy công tác tuyên truyền về nền giáo dục và các trường đại học Nga tại các địa phương ở Việt Nam, mở rộng đối tượng tuyển sinh nhằm tăng cơ hội nhận học bổng cho học sinh Việt Nam trên toàn quốc.
Đại sứ Đặng Minh Khôi hy vọng với nền tảng quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam sẽ mang đến một động lực mới để hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn, cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo Duy Trinh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/quan-he-viet-nam-lb-nga-tiep-noi-xung-dang-truyen-thong-tot-dep-20240618105229223.htm
Ngoại giao nhân dân - Chìa khóa vàng gắn kết tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, việc gìn giữ và đẩy mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga không chỉ được thực hiện thông qua các kênh chính trị cấp cao, ngoại giao nhà nước mà còn được thực hiện trên kênh đối ngoại nhân dân. |
Tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam của nữ tác giả người Nga Nhà Việt Nam học người Nga Daria Mishukova chia sẻ, khi mới bước vào nghiên cứu gần 30 năm trước, chị không dám mơ ước có thể viết nhiều sách về Việt Nam. Thế nhưng, đến nay, hàng chục đầu sách, hàng trăm bài viết, bài phỏng vấn về Việt Nam của tác giả Daria Mishukova đã được xuất bản, bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và độc giả hai nước. Daria nói, sách của chị hướng đến những bạn đọc mà trong tim họ có vị trí đặc biệt dành cho Việt Nam. |