Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế
Đà Nẵng công nhận Nhà Trưng bày Hoàng Sa là điểm du lịch |
Bản đồ Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa được in trên mặt đồng hồ Nhật Bản |
Sẽ thành lập câu lạc bộ Hoàng Sa, Trường Sa toàn châu Âu |
Trong cuốn "Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2015) do PGS.TS Trương Minh Dục biên soạn, có dành một đoạn nói về vị trí chiếc lược quan trọng về kinh tế của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như sau.
Đảo Trường Sa Lớn. |
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển phụ cận là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại, có thể khai thác với trữ lượng lớn. Đặc biệt nhất phải kể đến dầu khí. Đó là nguồn nguyên, nhiên vật liệu quan trọng cho sự phát triển ổn định, lâu dài đối với nền nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và du lịch sinh thái của đất nước.
Nguồn lợi kinh tế đầu tiên ở vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là tiềm năng về hải sản. Ngoài tôm, cá mực có trữ lượng lớn, vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có nhiều loại hải sản dùng làm thực phẩm quý như hải sâm, đồi mồi, vích, rau câu, yến…. và có thể làm hàng xuất khẩu có giá trị cao.
Đây là nguồn lợi có ý nghĩa đặc biệt để phát triển nền kinh tế biển ở Việt Nam.
Về khoáng sản, kết quả điều tra khảo sát của một số kỹ sư hóa học và hầm mỏ Nam Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 9/1973 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, chỉ tính riêng các đảo trong nhóm phía Tây Nam trong đó có đảo Hoàng Sa, trữ lượng phốt phát có thể lên tới 2.780.000 tấn. Với trữ lượng này, có thể biến thành một lượng phân bón có thể đáp ứng nhu cầu trồng trọt cho các tỉnh phía Nam trong nhiều thập kỷ.
Ngoài phốt phát, trên các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn có những tài nguyên khác như cát, vỏ sò, ốc.
Ngoài ra, xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn có trữ lượng dầu khí khá lớn. Theo Từ điển Bách khoa mở Wikipedia, vùng Biển Đông đã được xác định có trữ lượng dầu mỏ là 1,3 km3 (7,7 tỷ thùng) với ước tính tổng khối lượng là 4,5km3 (28 tỷ thùng). Trữ lượng khí tự nhiên được ước tính khoảng 7.500km3.
Ngoài dầu khí, trong các bể trầm tích ở thềm lục địa Việt Nam còn có lượng than đáng kể. Bao quanh vùng biển quần đảo Trường Sa, trên sườn lục địa – chân lục địa, ở độ sâu 2000m đến 4000m và đáy biển sâu có tiềm năng về kết hạch sắt – mangan, bùn đa kim.
Theo các chuyên gia Nga, khu vực biển Việt Nam nói chung và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng còn có tiềm năng lớn về tài nguyên “băng cháy”. Đây là nhiên liệu mới, không gây ô nhiễm môi trường, là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.