Phụ huynh, học sinh "liều" bám trụ bên nhà máy Rạng Đông
Đã gần nửa tháng từ sau vụ cháy công ty Rạng Đông (87-89 Hạ Đình, Thanh Xuân) nhưng sự lo lắng về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nhiễm độc thủy ngân vẫn khiến nhiều phụ huynh trường Tiểu học Hạ Đình ngần ngại khi đưa con đến trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, khu vực nguy hiểm với sức khỏe sau vụ cháy công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông có bán kính 500m tính từ hàng rào nhà kho. Các chuyên gia cũng cho biết, lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường sau vụ cháy này lên tới trên 27kg.
Trong phạm vi 500m tính từ nhà kho Rạng Đông có trường Tiểu học Hạ Đình.
Phụ huynh, học sinh trường Tiểu học Hạ Đình phải đeo khẩu trang ngay cả ở trong sân trường sau vụ cháy công ty Rạng Đông. (Ảnh: Huyền Trần). |
Trước những thông tin cảnh báo này, nhiều phụ huynh có con đang theo học ở trường Tiểu học Hạ Đình đã đồng loạt cho con nghỉ học trước lo ngại không khí nhiễm độc ảnh hưởng đến sức khỏe. Riêng ngày 9/9, toàn trường đã có 320 học sinh (chiếm 20% toàn trường) xin nghỉ học.
Về nguyên nhân nghỉ học của các học sinh này, theo ông Phạm Gia Hữu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết, có em xin nghỉ vì ốm, vì lo lắng bị nhiễm độc thủy ngân, về quê…
Đáng chú ý, ông Hữu xác nhận đã có một số phụ huynh nộp đơn xin chuyển trường cho con.
Chị Trần Minh Huyền lo lắng khi con vẫn phải đến trường khi không khí còn ô nhiễm. (Ảnh: Huyền Trần). |
Chị Trần Minh Huyền hiện đang sống cách nhà máy chỉ 4 số nhà, đồng thời có con đang học tại tiểu học Hạ Đình không khỏi hoang mang: "Sống ngay cạnh đây, chúng tôi đang rất hoang mang. Không biết mức độ ảnh hưởng ra sao. Việc sống vẫn phải sống, còn không thể yên tâm. Vụ cháy xảy ra đã khiến chúng tôi hoảng loạn, nhưng việc hậu quả sau vụ cháy càng khiến người dân lo lắng hơn nữa.
Hiện tại một số phụ huynh đã cho con nghỉ học, bản thân tôi cũng rất lo lắng, nhưng nhà trường không cho nghỉ, nên vẫn phải cố cho con đi học, nếu không sẽ không theo kịp chương trình, bố mẹ lại không thể tự dạy cho con tại nhà”.
Chị Huyền cho biết, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác không khỏi lo lắng, nhưng do thành phố không có phương án hỗ trợ người dân tạm thời di dời để khắc phục hậu quả, nên dù lo sợ, người dẫn vẫn phải “liều”.
“Từ khi bị cháy, bể nước nhà tôi đều phải đậy kín, mọi lần đun nước xong thường mở ra cho nguội, lọc rồi uống, nhưng giờ này nào cũng phải mua nước đóng bình cho an toàn. Hàng ngày, không dám mua thức ăn tại chợ gần, thậm chí phải đi vài cây số để mua mớ rau để yên tâm hơn”, chị Huyền chia sẻ.
Anh Tuấn Anh cho biết xem xét việc chuyển trường cho con sau vụ cháy công ty Rạng Đông. (Ảnh: Huyền Trần). |
Đến trường đón con sau giờ tan học, anh Tuấn Anh (Ngõ 124 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc cho con đến trường tại thời điểm này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khiến phụ huynh lo lắng.
“Tôi cho rằng, trước hết các nhà chuyên môn cần trung thực trong việc đưa ra mức độ nguy hiểm để người dân có sự cảnh giác, tự bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng khắc phục hậu quả để chúng tôi yên tâm sống, không thể để hết cháy mà phụ huynh vẫn như ngồi trên đống lửa. Gia đình tôi cũng sẽ tính đến phương án chuyển trường cho con vì quá gần với khu vực bị cháy”, anh cho biết.
Tổng cục Môi trường đã có khuyến cáo người dân trong bán kính 500m tính từ hàng rào của công ty cần thực hiện các biện pháp như: Phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở… Đối với người dân sống trong bán kính 200m tính từ hàng rào công ty, cần đi khám sức khỏe định kỳ. Người dân trong bán kính từ 200m – 500m tính từ hàng rào công ty cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Công ty Rạng Đông khẩn trương cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và ngăn hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường. Đối với chất tàn dư sau vụ cháy, cần thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để xử lý. Công ty này cần phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tẩy độc khu vực bị cháy bằng bột lưu huỳnh, sau đó bê tông hóa đối với chất thải nguy hại. |