Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Người dân Hạ Đình đòi đền bù 1 tỷ/lít máu nhiễm thủy ngân
Cư dân Hạ Đình đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và tổn hại sức khoẻ cho người dân
Liên quan tới vụ dân cư Hạ Đình đòi bồi thường thiệt hại sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, cụ thể, đại diện các hộ dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị can thiệp việc Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông từ chối chi trả các khoản bồi thường mà người dân yêu cầu sau khi chịu ảnh hưởng từ vụ cháy.
Cụ thể, người dân Hạ Đình đòi bồi thường các khoản sau: bồi thường tiền khám chữa bệnh cho mỗi cá nhân 4 triệu đồng; bồi thường tiền nhà 60 triệu đồng/hộ dân; bồi thường mức thu nhập do phải đi khám chữa bệnh từ 6-8 triệu đồng/người; bồi thường tổn thất tinh thần theo nghị quyết 03/ 2006 NQ-HĐTP là 15 tháng lương cơ bản cho mỗi cá nhân là 60 triệu đồng; bồi thường mức độ nhiễm thủy ngân là 1 tỷ đồng/0,1 microgram thủy ngân/1 lít máu.
Lý giải về việc đề nghị bồi thường, dân cư khu đô thị 54 Hạ Đình cho biết, đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy ngân rò rỉ từ vụ cháy. Bởi sau vụ cháy, 95% hộ dân đã phải di tản. Hiện, 80% hộ dân đã quay về.
Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực Công ty Rạng Đông tập trung ở cổng Công ty đòi quyền lợi. (Ảnh chụp sáng ngày 5/9: Báo Giao thông) |
Ông Nguyễn Đức Tiến - đại diện cho các hộ dân khu đô thị 54 Hạ Đình (phường Thanh Xuân Trung) cho biết, mới đây ông cùng với một số người dân đã gặp đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông để yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và tổn hại sức khoẻ cho người dân (những người sống cách hiện trường vụ cháy từ 1-100m và thuộc vùng nhiễm độc thuỷ ngân do vụ cháy gây ra), Tiền Phong thông tin.
Luật sư Đặng Văn Cường: "Cân nhắc khi khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại"
Cũng liên quan đến vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời PV Kiến Thức, theo quy định của pháp luật, hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường, mức bồi thường là thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở các căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật và phụ thuộc một phần vào khả năng bồi thường thiệt hại của người gây thiệt hại.
“Còn đối với khoản bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu nhiễm 0,1 microgam thủy ngân thì cá nhân tôi cho rằng yêu cầu này rất khó để chứng minh đó là thiệt hại thực tế. Tất cả những chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng phải là những hóa đơn, chứng từ do bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, nhà thuốc xác nhận hoặc những chứng cứ khác có thể được chấp nhận theo quy định pháp luật”, theo luật sư Đặng Văn Cường.
Đồng thời, luật sư Đặng Văn Cường cũng khuyến nghị người dân nên cân nhắc trước khi khởi kiện, bởi, trong trường hợp đưa ra yêu cầu được bồi thường thiệt hại thì người dân phải có bằng chứng chứng minh cụ thể.
“Bởi vậy, riêng đối với khoản này thì người dân cần cân nhắc nếu phải khởi kiện đến tòa án. Trong trường hợp khởi kiện thì người khởi kiện phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong trường hợp không chứng minh được thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.