Phát huy lợi thế, tăng cường kết nối nông sản Việt Nam - Mông Cổ
Ngày 20/11, Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (17/11/1954 - 17/11/2024). Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2024.
Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, thời gian qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mông Cổ đã tăng gấp 2-3 lần (từ 41,5 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023). Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD và hai nước đạt mục tiêu sớm đưa kim ngạch song thương lên 200 triệu USD.
Theo ông Trần Công Thắng, Việt Nam và Mông Cổ đều có những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới… Trong khi đó, Mông Cổ nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước không chỉ có thể bổ trợ lẫn nhau, mà còn khai thác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu.
"Việc tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Nông sản Việt Nam - Mông Cổ là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ngoài ra, thông qua sự kiện này, Chính phủ hai nước sẽ chia sẻ các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả hơn", ông Trần Công Thắng nói.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD). |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam - Mông Cổ trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu thịt dê, cừu vào thị trường Việt Nam; tiềm năng và hợp tác trong chăn nuôi và giết mổ dê, cừu giữa Việt Nam và Mông Cổ; tiềm năng xuất khẩu thịt và trứng gia cầm và cơ hội giao thương với thị trường Mông Cổ; tiềm năng xuất khẩu trái cây và cơ hội tại thị trường Mông Cổ; cơ hội hợp tác Việt Nam - Mông Cổ trong lĩnh vực dịch vụ; thúc đẩy tiềm năng xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Mông Cổ.
Phân tích về “Tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ dê, cừu với Mông Cổ”, ông Doãn Khánh Tâm - Phó Vụ trưởng, Phó chánh Văn phòng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ cho rằng: Do thời tiết khí hậu của Mông Cổ thuộc xứ hàn đới nên chăn nuôi đại gia súc phát triển hơn nhiều so với ngành trồng trọt. Mông Cổ đã gia nhập Tổ chức Thú y thế giới từ năm 1989. Đặc điểm chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ là chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên rộng lớn, gia súc được ăn khoảng 3.000 loại thảo dược trên thảo nguyên mênh mông, chất lượng thịt thơm ngon. Dù vậy, giao thông vận tải là vấn đề gây cản trở trong giao thương Việt Nam - Mông Cổ.
Ông Doãn Khánh Tâm thông tin, để khắc phục vấn đề trên, phía Mông Cổ bày tỏ thiện chí hoan nghênh Việt Nam gia nhập Hiệp định vận tải đường sắt 3 bên Mông Cổ - Nga - Trung Quốc đã ký từ 2016. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 5/11/2023, Tổng thống Mông Cổ cũng chính thức nhắc lại việc Chính phủ Mông Cổ sẽ chủ động làm việc trước phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Hiệp định này.
Thảo luận tại Diễn đàn, các đại biểu đánh giá, việc đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến thịt, nghiền xương gia súc… cũng là một mảng hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước. Một số ý kiến của doanh nghiệp đề xuất để mở rộng hoạt động xuất khẩu nông lâm sản Việt Nam, cần đơn giản hóa hồ sơ pháp lý để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nguồn vốn, gói vay đặc biệt cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác và phân phối thịt dê, cừu Mông Cổ tại Việt Nam.
VUFO, Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam thảo luận tăng cường hợp tác Đây là nội dung trao đổi giữa ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và ông Jigjee Sereejav, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam, ngày 24/10 tại Hà Nội. |
Sôi động Hội thi Giao lưu văn hóa Việt Nam - Mông Cổ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thi Tìm hiểu văn hóa Việt Nam - Mông Cổ nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. |