Phát động cuộc thi vẽ tranh trực tuyến hướng đến trẻ em khuyết tật
Cuộc thi bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 31/3 - 17/4/2022, qua hình thức trực tuyến. Hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày thế giới nhận thức về Tự kỷ (2/4) và Ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4).
Theo đó, hướng tới dịp kỉ niệm Ngày thế giới nhận thức về Tự kỷ 2/4 và Ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4, một cuộc thi trực tuyến về vẽ tranh dành cho trẻ em mang tên "Thế giới thân thiện và hồn nhiên" vừa được phát động.
Hoạt động có sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), phối hợp cùng Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), Doanh nghiệp xã hội Tòhe và Trung tâm Mỹ thuật Bụi đồng tổ chức.
Cuộc thi vẽ ''Thế giới thân thiện và hồn nhiên'' |
Cuộc thi bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 31/3 đến hết ngày 17/4/2022, qua hình thức trực tuyến theo mẫu (trên website). Các bức tranh sau khi gửi ban tổ chức sẽ được trưng bày trực tuyến tại trang web www.trienlam.a365.vn/.
Với mục đích truyền đi thông điệp nhân văn - người khuyết tật tuy khác biệt nhưng đặc biệt, đáng có được tôn trọng và đón nhận của cộng đồng - cuộc thi vẽ tranh muốn dùng hội họa để người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em có cơ hội được thể hiện nguyện vọng của mình. Ở đó, các em được học, được chơi, được chào đón và hỗ trợ để được phát triển tốt nhất trong khả năng của mình.
Những bức tranh của trẻ thơ hứa hẹn sẽ giúp người xem hiểu rằng không ai là hoàn hảo, nhưng mọi người có thể cùng nhau tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Cuộc thi vẽ, vì vậy, sử dụng hội họa làm ngôn ngữ chung để tôn vinh những nụ cười, tình bạn, sự thân ái, hòa đồng và sự cảm thông, chia sẻ.
Một số đề tài mà ban tổ chức gợi ý bao gồm: Tôn trọng sự khác biệt; sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau; những khả năng đáng khích lệ của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ khuyết tật; những cảnh vật thể hiện sự thân thiện với người đặc biệt (ví dụ như ngôi nhà có đường lên cho người đi xe lăn)...
Cuộc thi sẽ trao một giải nhất trị giá 5 triệu đồng, bốn giải nhì trị giá 3 triệu đồng mỗi giải, 10 giải ba trị giá 1 triệu đồng mỗi giải, 30 giải khuyến khích sẽ nhận quà từ ban tổ chức.
Đối với năm tác phẩm được tương tác, bình chọn nhiều nhất trên trang triển lãm sẽ nhận giải yêu thích của ban tổ chức. Thời gian mở bình chọn được tính từ ngày 8/4 đến 20 giờ ngày 22/4/2022. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố ngày 24/4/2022.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số người tự kỷ ở Việt Nam đang có xu hướng tăng với khoảng 1 triệu trường hợp (trong tổng số 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên); trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% số trẻ được sinh ra hằng năm.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030.
Chương trình đưa ra các giải pháp để trẻ tự kỷ được trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục, hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ; truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về chứng tự kỳ và các biện pháp trợ giúp.
Chương trình đặt ra mục tiêu là trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm có ít nhất 80% trẻ em tự kỷ được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục…
Luật Người khuyết tật bổ sung, quy định theo khoản 3 điều 6: Người khuyết tật ”có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về rối loạn phổ tự kỷ hoặc các loại bệnh hiếm” đủ điều kiện để tham gia xác định mức độ khuyết tật và hưởng các chính sách dành cho người khuyết tật.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Quốc hội xem xét để sớm đưa vào chương trình xây dựng dự án luật để quyền lợi của trẻ tự kỷ được luật hoá và được bảo đảm nhất; kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những quy định rõ ràng và phù hợp đối với trẻ tự kỷ để cho các em có cơ hội được tiếp cận giáo dục hòa nhập; quy định về đội ngũ giáo viên đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, yêu cầu như thế nào; quy định về trang thiết bị như thế nào; quy định về các điều kiện để cho có một chính sách ưu tiên riêng cho trẻ em tự kỷ.