Ô tô nhập khẩu cán mốc 100 nghìn xe sau hơn 8 tháng
Ô tô nhập khẩu cán mốc 100 nghìn xe sau hơn 8 tháng - Ảnh Hoàng Cường |
Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan, sau hơn 8 tháng đầu năm 2019 cả nước đã nhập khẩu hơn 100.000 xe ô tô nguyên chiếc các loại với kim ngạch 2,25 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh tới hơn 3 lần và kim nghạch nhập khẩu cũng tăng tới 300% lần.
Dẫn đầu về lượng ô tô nhập khẩu về nước vẫn là xe con (dưới 9 chỗ) với 75.848 xe với trị giá 1,459 tỷ USD. Xếp sau lần lượt là ô tô vận tải với 22.397 xe (548triệu USD) và xe trên 9 chỗ với 217 xe (7,2 triệu USD).
Như vậy, trị giá trung bình ô tô nhập khẩu về nước ước đạt hơn 22.200 USD/xe (khoảng 510 triệu đồng) thấp hơn đôi chút so với cùng kỳ năm ngoái là hơn 24.000 USD/xe (khoảng 550 triệu đồng).
Quốc gia dẫn đầu về lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam là Thái Lan và Indonesia khi 2 quốc gia ASEAN này chiếm khoảng hơn 80% lượng ô tô nhập về nước. Với lợi thế miễn thuế nhập khẩu theo cam kết của hiệp định FTA thì tương lai này đã được nhiều chuyên gia dự báo từ vài năm trước.
Đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô cả nước cũng đã chi ra hơn 2,89 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này. Kim nghạch nhập khẩu phụ tùng, linh kiện luôn cao hơn nhập xe nguyên chiếc phần nào phản ánh đúng thực trạng của thị trường ô tô trong vài năm trở lại đây
Ô tô nhập khẩu dần chiếm lĩnh thị trường |
Theo báo cáo thống kê của VAMA, các thành viên hiệp hội đã bán ra tổng cộng 21.483 xe trong tháng 8/2019, giảm 19% so với tháng 7/2019, nhưng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số xe du lịch giảm 21%; xe thương mại giảm 12 % và xe chuyên dụng giảm 37% so với tháng trước. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 12.594 xe, giảm 18% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.889 xe, giảm 22% so với tháng trước.
Nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này đến từ các tín hiệu không tích cực của thị trường. Đặc biệt là tâm lý kiêng kỵ không mua sắm của người dân trong tháng 7 âm lịch hay thường gọi là tháng "cô hồn".
Tuy nhiên, nếu xét toàn cảnh thị trường ô tô trong 8 tháng đầu thì bức tranh khá tươi sáng. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 8/2019 đạt hơn 200.000 xe tăng 20% so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 31%; xe thương mại giảm 1,6% và xe chuyên dụng giảm 28% so với cùng kì năm ngoái. Sau 8 tháng đầu năm 2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% trong khi xe nhập khẩu tăng 178% so với cùng kì năm ngoái. Như vậy, doanh số bán xe nhập khẩu đã tăng "phi mã" so với cùng kỳ của năm 2018.
Tăng thuế TTĐB đánh lên xe ô tô Bộ Công Thương cho biết tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đang thay đổi đáng kể. Nếu như năm 2017, sản lượng xe sản xuất trong nước cao gấp 2,5 lần xe nhập và năm 2018 cao gấp 3,72 lần, thì trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ còn cao gấp 1,74 lần so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, ưu thế của xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ không giữ được lâu nếu các doanh nghiệp (DN) không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được hưởng ưu đãi thuế quan mức 0%. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất loạt chính sách thuế để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp ôtô trong nước. Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế. Điểm đáng chú ý là, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh “nâng thuế TTĐB đối với một số dòng xe áp dụng ở mức hợp lý”. Nếu kiến nghị này thành hiện thực, thời gian tới thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có thể được nâng lên. |