Nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt ở xứ sở “mùa tuyết tan”
Các thầy cô dạy tiếng Việt của trường Lạc Long Quân trong Lễ bế mạc khoá Tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Uỷ ban NVNONN, Bộ Ngoại giao tổ chức |
Tại Ba Lan hiện nay có khoảng 30.000 người Việt Nam sinh sống nên nhu cầu về việc duy trì dạy và học tiếng Việt là rất lớn. Ngay ở thủ đô Vác-sa-va, có một ngôi trường dạy tiếng Việt cho đến nay đã thành lập được 20 năm. Trường tiếng Việt Lạc Long Quân là nơi các thế hệ thầy cô giáo người Việt nỗ lực truyền dạy tình yêu tiếng Việt cho con em kiều bào tại đây.
Đều đặn, vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại thủ đô Vác-sa-va lại vô cùng rộn rã với các lớp học tiếng Việt. Trường có khoảng 150 học sinh tham gia với khoảng 20 giáo viên. Chương trình học tiếng Việt tại trường Lạc Long Quân chia làm 5 cấp độ học từ A đến E. Ở mỗi trình độ các em lại được trang bị thêm các kĩ năng về nghe nói đọc viết tiếng Việt và các kiến thức về văn hoá Việt. Là một luật sư hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan, vào mỗi cuối tuần được tham gia giảng dạy tiếng Việt tại trường luôn là niềm vui không thể thiếu của cô giáo Phạm Thị Lan Anh.
Lễ khai giảng năm học 2019 -2020 của trường Tiếng Việt Lạc Long Quân |
Cô tâm sự: “Hiệu quả quan trọng nhất là giữ gìn tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói chung. Trường cũng là nơi để người Việt có cơ hội tìm hiểu về tiếng Việt. Đối với các em học sinh trong trường, kể cả sau lớp A các em đã bắt đầu chịu khó nói tiếng Việt hơn. Tại môi trường mà các em sinh sống đến trường có thể nói tiếng Anh và tiếng Ba Lan thì việc suy nghĩ một chút bằng tiếng Việt, nói tiếng Việt đã là niềm vui cho gia đình và các cô giáo rồi. Và lên trình độ B các em biết giao tiếp những câu đơn giản, hội thoại đơn giản. Trình độ C bắt đầu viết thư cho ông bà. Trình độ D, E có những buổi giao tiếp, thảo luận. Trường tồn tại được đến hôm nay là bởi các bậc phụ huynh thấy được hiệu quả của trường”.
Các thầy cô giáo chụp ảnh cùng các em trong lễ khai giảng |
Vì chương trình học chỉ diễn ra 1 lần mỗi tuần nên các thầy cô giáo luôn trăn trở làm thế nào để chương trình luôn hấp dẫn và lôi cuốn, giúp các em đến lớp đều đặn. Từ năm thứ 15, tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, các thầy cô giáo tại trường Lạc Long Quân đã tự biên soạn một giáo trình riêng để phù hợp với việc học tiếng Việt tại Ba Lan.
Trại hè "Vui cùng tiếng Việt" được tổ chức mùa hè 2019 |
Thầy giáo Mai Hải Lâm, hiệu phó trường tiếng Việt Lạc Long Quân bày tỏ: “Về phía nhà trường chúng tôi luôn cố gắng luôn nâng cao chất lượng dạy học, hàng năm chúng tôi đều tham gia những khoá tập huấn về dạy tiếng Việt do Bộ Ngoại giao tổ chức. Chúng tôi soạn thảo những bộ sách theo tinh thần kết hợp sách giáo khoa từ Việt Nam, sách tiếng Việt vui, sách Quê Việt cộng những phương pháp dạy tiếng Anh và Ngoại ngữ tạo ra những cuốn sách phù hợp hơn với cộng đồng các em người Việt Nam ở Ba Lan".
Hoạt động giải trí ngoài trời tại trại hè "Vui cùng tiếng Việt" |
Đặc biệt tại trường tiếng Việt Lạc Long Quân, các thầy cô luôn cố gắng đa dạng hoá chương trình bằng các hoạt động ngoại khoá chứ không chỉ dừng lại ở việc dạy và học trên lớp hàng tuần. Vào các dịp lễ Tết đặc biệt như Tết thiếu nhi 1/6, Rằm Trung thu, Tết nguyên đán trường đều tổ chức các chương trình giao lưu đặc biệt. Trường còn duy trì CLB đọc sách tiếng Việt để giúp các em nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt. Ban giám hiệu nhà trường cũng thường tổ chức những buổi hội chợ sách cũ để các em cùng nhau trao đổi sách vở.
Những hoạt động ngoại khoá bổ ích |
Kể từ năm 2006 đến nay, mỗi năm vào dịp hè trường tiếng Việt Lạc Long Quân tổ chức trại hè mang tên “Vui cùng tiếng Việt”. Các em học sinh được ra ngoài thành phố vừa vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động giao lưu tìm hiểu về văn hoá Việt Nam.
Hoạt động ngoại khoá giúp các em tìm hiểu về biển đảo Việt Nam |
Thầy giáo Mai Hải Lâm, hiệu phó trường chia sẻ thêm: “Qua các phong trào trường tổ chức các em học sinh có dịp giao lưu, nói chuyện và có những hoạt động phong phú hơn ngoài việc các em đến trường. thực ra trẻ con khi đến trường học tiếng Việt, bản thân các em không phải thực sự thích thú lắm, do nhu cầu của ông bà, bố mẹ các em cũng nghe lời các em cố gắng đến trường. Việc dạy và học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất đội ngũ giáo viên chúng tôi luôn cố gắng tạo sự ham muốn. Thứ hai chúng tôi cũng luôn động viên bố mẹ, vì bố mẹ là những người rất quan trọng quyết định việc các em học tại đây”.
Lớp học tại trại hè "Vui cùng tiếng Việt" 2019 |
Gặp gỡ các thầy cô giáo trong khoá tập huấn về giảng dạy tiếng Việt do Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức mới càng cảm nhận được lòng hăng say yêu nghề của các thầy cô. Dù hiện nay mỗi người có một cuộc sống và công việc riêng tại Ba Lan, nhưng như theo lời của thầy giáo Mai hải Lâm, cứ chiều thứ 7 hàng tuần, được đến lớp và nuôi dưỡng tình yêu với tiếng nói quê hương luôn là niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô.
Sách về Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương bản tiếng Việt Cuốn sách là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả nhiều năm giữa hai cơ quan Lưu trữ của hai nước Việt Nam và ... |
Tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào: đổi mới về giáo trình, nội dung Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 6 do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Giáo ... |
Dạy tiếng Việt cho kiều bào: Nghệ thuật gắn bó sâu nặng với dân tộc Để góp phần gìn giữ tiếng nói quê hương trong cộng đồng người xa xứ, trong sáu năm qua, một khóa tập huấn đặc biệt ... |
Bảo tồn tiếng Việt bằng âm nhạc qua Liên hoan nghệ thuật toàn thế giới "Tôi yêu tiếng nước tôi" "Tôi yêu tiếng nước tôi" tổ chức nhằm góp phần bảo tồn ngôn ngữ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các thế ... |