Nước sông Mekong dâng cao giữa mùa khô
Hai yếu tố thượng lưu có ảnh hưởng quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie.
Diễn biến nước trạm Prek Kdam - Biển Hồ, cập nhật ngày 21/4/2022. Nguồn: Viện Khoa học thủy lợi miền Nam |
Theo cập nhật của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ngày 21/4, mực nước nhánh vào Biển Hồ ở cao trình 1,14m. Dung tích hồ hiện nay khoảng 2,02 tỷ m3, cao hơn dung tích trung bình nhiều năm, mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2029 và 2020-2021 lần lượt là 0,23 tỷ m3, 0,82 tỷ m3, 0,16 tỷ m3, 0,64 tỷ m3 và 0,37 tỷ m3.
Tại trạm Kratie, tính đến 7h ngày 21/4, mực nước ở mức 7,96m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm, mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 1,6m, 0,53m, 1,09m và 0,42m.
Mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc ngày 21/4 đạt 1,52m và 1,65m, đều cao hơn mực nước trung bình nhiều năm.
Trong khi đó, trong tuần từ 14/4 - 21/4 xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 706 m3/s đến 2.286 m3/s. Hiện mực nước tại Cảnh Hồng ở mức 537,39m tương ứng với lưu lượng khoảng 2.286 m3/s. Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 41,5%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 27,2 tỷ m3.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo dòng chảy trung bình về ĐBSCL từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, do ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mekong. Điều này sẽ có tác động tích cực đến giảm xâm nhập mặn ở các tháng 4 và 5 nếu không có gì bất thường từ vận hành giảm xả nước ở các thủy điện.
Trao đổi trên báo chí, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL - cho biết: Nước sông Mekong mùa khô năm 2022 cao hơn bình thường do các đập thủy điện trên sông Mekong tích nước nhiều trong mùa mưa năm 2021.
Cuối mùa nước năm ngoái, 45 đập đã gần đầy nước. Đến mùa khô năm 2022, các đập thủy điện trên lưu vực xả nước để phát điện làm cho dòng chảy mùa khô trên sông Mekong cao hơn bình thường.
"Việc tích xả này là vì lợi ích của nhà đầu tư đập chứ không phải vì lợi ích phục vụ cho người dân trong vùng. Việc xả nước trong mùa khô làm giảm hạn mặn cho vùng ven biển ĐBSCL, nhưng cũng có rất nhiều tác động tiêu cực", ông Thiện nói.
Những tác động tiêu cực này, theo vị chuyên gia, đó là: Thứ nhất, việc tích nước trong mùa lũ làm cho dòng chảy lũ yếu đi, không còn sức mạnh tải bùn cát, phù sa về ĐBSCL.
Thiếu phù sa, thiếu cát sẽ gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Cát sẽ ngày càng khan hiếm và giá tăng cao, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng; trong khi sạt lở làm mất nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân. Về lâu dài, sạt lở đe dọa chính sự tồn tại của ĐBSCL.
Thứ hai, việc tích nước vào mùa lũ của các đập thủy điện làm biến mất mùa lũ, từ đó đất đai bạc màu, mất nguồn thủy sản tự nhiên vào mùa nước nổi.
Thứ ba, thủy điện xả nước từng đợt trong mùa khô khiến mực nước biến động bất thường, tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, làm cho hệ sinh thái rối loạn. Chẳng hạn, giữa mùa khô nước dâng lên bất thường sẽ khiến cá, tôm tưởng mùa nước đã tới nên bơi ngược dòng để sinh sản; khi mùa nước thật đến thì chúng không sinh sản được nữa.
Thứ tư, việc xả nước giúp đẩy hạn, mặn cho ĐBSCL nhưng bất thường, không ổn định.
"Nếu chỉ thấy tác dụng làm giảm hạn, mặn trong mùa khô năm nay thì người ta dễ lầm tưởng thủy điện có tác dụng tốt cho đồng bằng, trong khi thực tế về lâu dài tác hại rất nghiêm trọng, nên cần nhìn bức tranh cho đầy đủ", vị chuyên gia kết luận.