Diện tích lúa Việt Nam teo tóp vì hạn hán và khủng hoảng nước sông Mekong
Ảnh minh họa
Gia đình của bà Tâm đã không còn thu được đồng thu nhập nào từ vụ lúa và vụ tôm nữa khi ruộng lúa héo tàn trong khi tôm chết hàng loạt và đang phải gánh khoản nợ 8.000 USD - gấp hơn 2 lần thu nhập hàng năm của bà. Để kiếm sống, bà Tâm tính chuyện phải rời làng đến làm việc tại một nhà máy cách nhà hàng trăm cây số. Nhiều nông dân khác trong khu vực đã phải bỏ làng, kể cả đứa con dâu của bà, vì không chịu nổi cảnh nghèo đói.
Trong căn nhà tranh tại tỉnh Kiên Giang, bà Tâm, 55 tuổi, đang sống với chồng, 3 người con và 2 người cháu, tâm sự rằng bà vô cùng lo lắng đến mức mất ngủ.
Đợt khô hạn đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tàn phá nguồn cung cấp lương thực tại miền Nam và đe dọa kéo giảm xuất khẩu gạo, thủy sản và cà phê.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi toàn bộ khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trên sông Mekong - dài 3.000 dặm chảy từ Tây Tạng đến qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông, chủ yếu do biến đổi khí hậu và quá nhiều đập nước được xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu nông dân.
Mực nước tại mạng lưới kênh rạch của ĐBSCL đang ở mức thấp nhất trong gần một thế kỷ qua, điều này có nghĩa rằng 50% diện tích khu vực này có thể rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN), và cũng đồng nghĩa rằng sẽ không đủ nước cho tưới tiêu và tình trạng xâm mặn sẽ nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo của các nước dọc sông Mekong - gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar - đạt khoảng 62 triệu tấn, chiếm 13% tổng sản lượng gạo toàn cầu. Sông Mekong cung cấp 25% tổng sản lượng thủy sản nước ngọt toàn cầu và mang lại sinh kế cho ít nhất 60 triệu người, theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF). Gần một nửa dân số Việt Nam lao động trong ngành nông nghiệp, đóng góp 13% GDP.
Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center, cho biết, người dân tại Indonesia và Philppines sẽ đối mặt với nạn đói nếu Thái Lan và Việt Nam không sản xuất đủ lượng gạo cần thiết. Đây là dấu hiệu về những hậu quả lâu dài do sự phát triển và biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới - có thể giảm 10% trong năm nay do sản lượng giảm, ông Đỗ Hà Nam, CEO Intimex Group, cho biết. Sản lượng gạo tại ĐBSCL trong quý I/2016 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tổng sản lượng gạo cả nước giảm 2,7%, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê Việt Nam.
Mực nước của dòng Mekong cũng đang chịu áp lực do hạn hán, chủ yếu do hiện tượng El Nino gây ra. Bên cạnh đó, ông Richard Cronin còn cho biết, Trung Quốc vừa hoàn tất việc xây dựng 6 trong số 7 đập nước trên dòng Mekong tại tỉnh Vân Nam nước này. Việt Nam cũng đã xây dựng hàng chục đập nước tại Tây Nguyên, khiến trầm tích tại khu vực này bị xói mòn nghiêm trọng.
Thời gian tới, Thái Lan, Lào và Campuchia dự định xây dựng thêm 11 đập nước. Điều này có thể khiến ngành trồng trọt, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam thiệt hại 750 triệu USD và Campuchia thiệt hại 450 triệu USD khi đến 10% các loài thủy sản tuyệt chủng, theo một báo cáo của Ủy ban Sông Mekong.
Việt Nam cần khuyến khích nông dân tại ĐBSCL chuyển đổi sang các giống cây trồng cho lợi nhuận cao hơn như các loại cây ăn trái - cần ít nước tưới hơn - và nuôi tôm có giá trị kinh tế cao hơn tại các vùng ven biển, giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Trung Kiên, cho rằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không phải là việc dễ dàng, chẳng hạn, cây ăn trái cần nhiều năm trồng và tăng trưởng trước khi có thể thu hoạch vụ đầu tiên.
Khô hạn đang làm khiến ĐBSCL thay đổi. Dọc quốc lộ 63 tại tỉnh Kiên Giang, những cánh đồng lúa giờ đây chỉ là mảnh đất khô nứt.
Một nông dân tại Kiên Giang cho biết, đây là lần đầu tiên trong 22 năm trồng trọt, ông không thể trồng cấy gì trên mảnh đất rộng 9 mẫu Anh của mình.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư