“Nước Nga trong ký ức của tôi”: Tình hữu nghị vượt qua khoảng cách không gian, thời gian
“Nước Nga trong ký ức của tôi” (NXB Công an nhân dân) là tập hợp những câu chuyện nhỏ, kể về những kỉ niệm của tác giả, nhà báo Mai Quang Huy, gắn liền với Liên Xô và nước Nga hậu Xô Viết.
Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tại ĐH Sư phạm Lêningrát năm 1978, ông Mai Quang Huy trở về nước công tác tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Chính nghiệp làm báo đã nối dài thêm mối duyên của ông với nước Nga qua những nhiệm kỳ thường trú.
Cuốn sách "Nước Nga trong ký ức của tôi"
14 năm học tập và làm việc, trải dài qua ba thập niên khiến nước Nga trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tác giả trong những năm tháng sau này, khi đã trở về quê hương. Với ông Mai Quang Huy, hình ảnh nước Nga không chỉ gắn liền với công việc làm báo tiếng Nga, không chỉ hiện diện qua những món kỉ vật đặc trưng, mà luôn hiện hữu trong tim với những kỷ niệm không bao giờ phai dấu.
Tác phẩm “Nước Nga trong ký ức của tôi” đã ra đời như một lời tri ân với quê hương thứ hai của ông.
Ông tâm sự: “Xuất phát từ tâm tư của một người từng sống, học tập và làm việc ở Liên Xô - đất nước đã dang tay giúp đỡ một nước khác, bè bạn nhỏ hơn, nghèo hơn và đang có chiến tranh (đó là Việt Nam), tôi luôn luôn ghi nhớ và mãi mãi biết ơn Liên Xô. Tôi viết cuốn sách này chỉ với một suy nghĩ đau đáu duy nhất là thể hiện tấm lòng biết ơn với những người thầy giáo, cô giáo và những bạn bè Xô Viết đã giúp đỡ mình trong những năm tháng ấy.”
Cũng theo tác giả Mai Quang Huy, nhà báo chính là thư ký của lịch sử. Vì thế, trong cuốn sách nhỏ của mình, ông muốn ghi chép lại - bằng ngòi bút của một nhà báo - những kỷ niệm, những câu chuyện không thể nào quên trong thời gian ông học tập và sau đó - quay trở lại làm việc tại nước Nga. Có lẽ đây cũng chính là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa cuốn “Nước Nga trong ký ức của tôi” với nhiều cuốn sách của các tác giả khác cũng viết về nước Nga.
Tác giả Mai Quang Huy
Mạch truyện kể cũng gắn liền với những biến động, thăng trầm trong lịch sử, xuyên suốt từ thời Liên Xô cho tới nước Nga hậu Xô Viết. Đó là kỉ niệm về bà giáo Nga, người mẹ hiền đã tận tình dạy dỗ, chăm sóc cho những sinh viên Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ. Đó là những năm tháng vui vẻ, hòa thuận, ấm áp bên những người bạn học, tuy khác màu da, đất nước nhưng gắn bó với nhau như anh em một nhà. Họ đã cùng nhau chia sẻ hương vị ngọt ngào của món ăn quê hương, cùng vui chung niềm vui thống nhất hai miền Việt Nam.
Câu chuyện nước Nga cũng được phản ánh qua những cuộc đời, số phận mà tác giả được chứng kiến, như tình yêu đẹp đẽ giữa một chàng trai Việt Nam và cô gái Nga, trải qua bao khó khăn đã đơm hoa kết trái ngọt lành.
“Nước Nga trong ký ức của tôi” còn là những ấn tượng về nước Nga sau nhiều năm xa cách, sau nhiều biến động về chính trị, xã hội, nhưng những tình cảm trong sáng một thời Xô Viết vẫn tồn tại thật bền bỉ.
Với những người đã từng sinh sống, học tập tại Nga, cuốn sách đưa họ ngược dòng thời gian trở về với những hồi ức trong trẻo, bình dị, thắp sáng bởi tình quốc tế vô sản, chân thành và đầy bao dung.
Với những người chưa từng đặt chân đến Nga, nhất là thế hệ trẻ, cuốn sách xóa nhòa đi khoảng cách không gian, đưa đất nước, con người Nga đến gần hơn với độc giả qua những kỉ niệm ấm tình người.
Phi Yến