Nợ công, tín dụng đen và hợp tác quốc tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri trong quân đội
5 ý kiến với 10 câu hỏi của cử tri trong buổi tiếp xúc quan tâm đến các vấn đề liên quan dịch bệnh COVID-19; chính sách với người có công… đặc biệt là ba vấn đề: nợ công; tín dụng đen và hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri Nguyễn Mạnh Tường ủng hộ, nhất trí cao với chương trình hành động của các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, tổ bầu cử số 04, nhưng ông băn khoăn: “Nợ công của Việt Nam cao hay thấp? Có ở trong tầm kiểm soát hay không? Nếu trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV thì các đại biểu có giải pháp gì cho vấn đề này?”
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong giai đoạn những năm 2011-2015, trên các phương tiện thông tin đại chúng cả trong nước và quốc tế liên tục cảnh báo nợ công của Việt Nam. Đầu năm 2016, nợ công của Việt Nam chiếm gần 64% GDP thì cuối 2020, nợ công giảm xuống ở mức 55% GDP. Đây là kết quả rất tốt, có được nhờ sự phấn đấu, tích lũy của các năm gần đây tạo dư địa cho điều hành, trong khi vẫn đảm bảo chi đầu tư, chi an sinh xã hội.
Có thể trong thời gian tới, nợ công sẽ tăng do nhu cầu đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội nhưng quan trọng là giám sát để sử dụng hiệu quả nguồn vay đó. Làm sao tiền đầu tư đạt được hiệu quả, không sử dụng lãng phí. Nợ công của Việt Nam vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.
Một vấn đề khác được nhiều cử tri đặt câu hỏi là vấn đề cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Các cử tri này cho rằng, tại TP. Hồ Chí Minh, khắp các hẻm, ngõ phố, trên không gian mạng, tờ rơi… đều có sự xuất hiện của tín dụng đen. Điều này dẫn tới tình trạng mất an ninh trật tự, cần có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt để.
Nhiều bảng quảng cáo cho vay tiền dán khắp nơi khiến nhiều người rơi vào bẫy tín dụng đen - đây là vấn đề cử tri TP. Hồ Chí Minh quan tâm. |
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội Đỗ Khắc Hưởng - Đại tá, Đảng ủy viên, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an khẳng định: cơ sở pháp lý cho vấn đề cho vay nặng lãi tương đối chặt chẽ, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này lại khá phổ biến, gây bức xúc cho người dân. Cũng theo ông Hưởng, ngoài hoàn thiện luật, các cơ sở pháp lý thì cần tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận tốt hơn nữa với loại hình tín dụng hợp pháp, tiếp cận nguồn vay ngân hàng. Đồng thời, cần quy trách nhiệm tới cán bộ nắm địa bàn, người quản lý phường, xã… để nâng cao trách nhiệm cán bộ. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, cơ quan tổ chức đoàn thể cùng tham gia phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.
Ông Trần Hoàng Ngân bổ sung thêm: cần giúp người dân có công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững để họ không còn khó khăn về kinh tế, hạn chế việc tìm tới tín dụng đen.
Cử tri Phạm Văn Long lại quan tâm tới chính sách pháp luật của Việt Nam trong hợp tác, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những giải pháp để tăng cường hợp tác quốc tế phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Hội nghị tiếp xúc cử tri với ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 04 sáng 15/5. |
Ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân - ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 04 chia sẻ: “Việt Nam có hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đồng bộ trong việc huy động nguồn lực từ các nước và các tổ chức quốc tế đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Ngoài các chính sách, Việt Nam còn có Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm… là sợ chỉ đỏ, phương hướng để chúng ta thực hiện".
"Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ kiến nghị các giải pháp và chính sách đồng bộ theo hướng liên kết vùng, tạo chuỗi đồng bộ trong việc thu hút đầu tư; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; có hệ thống các cơ sở sản xuất, công nghiệp phụ trợ và theo hướng chuyển giao dần công nghệ hiện đại giống như bài học của Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản trong thế kỷ thứ XX. Hiện nay, trong công việc hàng ngày của mình tôi đã, đang và sẽ trực tiếp góp phần huy động nguồn lực, sự ủng hộ của mạng lưới bạn bè quốc tế, thu hút các nhà đầu tư, các công ty, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài... để phục vụ phát triển kinh tế xã hội" - ông Phan Anh Sơn cho biết.