Chất lượng sống và dự án PCPNN phát triển kinh tế- xã hội là vấn đề được cử tri tại TP. Hồ Chí Minh quan tâm
Cử tri Lê Thành Đạt (Quận đoàn 12): Cần tăng cường nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) và các tổ chức quốc tế đã có những hoạt động, dự án nào ở thành phố Hồ Chí Minh và quận 12? Một số phương pháp để liên kết các tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội, chuyển giao khoa học kĩ thuật cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp? Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân trả lời: Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 496 tổ chức quốc tế và PCPNN đang hoạt động, trong đó 163 tổ chức có văn phòng đặt tại TP. HCM. Theo số liệu báo cáo của TP. HCM, trong 5 năm từ 2016 - 2020, thành phố đã huy động được 320 triệu USD viện trợ PCPNN. Tại TP. HCM, các tổ chức PCPNN hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực: y tế, bao gồm: khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ hệ thống y tế dự phòng, khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật... Ngoài ra, các tổ chức còn hỗ trợ đào tạo hệ thống y sĩ, y tá chăm sóc sức khỏe tại các tuyến cơ sở. Cùng với đó là các chương trình như: mổ tim, mổ mắt, phẫu thuật nhân đạo dành cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh môi, hàm ếch... Về giáo dục, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế tập trung hỗ trợ trang thiết bị dạy học như máy tính, phòng đọc, thư viện... cho học sinh, hỗ trợ giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, gần đây là duy trì xây mới các trường học ở TP. HCM và các tỉnh trong cả nước. Hiện có 4 tổ chức PCPNN đang hỗ trợ các dự án ở quận 12. Các tổ chức phối hợp với MTTQ, với các cơ quan chính quyền hoặc các tổ chức xã hội tập trung vào 6 chương trình: Tặng quà tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (dịp Tết); hỗ trợ các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn (thường xuyên); Phối hợp với các tổ chức tặng các hộ gia đình bị tác động mạnh bởi COVID-19, ảnh hưởng tới sinh kế (trong năm 2020), trao học bổng cho học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, chương trình hỗ trợ nữ công nhân tại các nhà máy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh trao đổi và phối hợp với Quận đoàn triển khai một số chương trình như: hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, dạy nghề, dạy tiếng Anh và các chương trình cung cấp bữa cơm miễn phí cho người nghèo. |
Cử tri Nguyễn Ngọc Sáng (246 Nguyễn Ảnh Thủ, Hiệp Thành, Quận 12): Cần đảm bảo ổn định trật tự, an toàn cho thành phố Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố nói chung và quận 12 nói riêng phức tạp, đặc biệt là vấn đề về ma túy và tệ nạn xã hội. Nếu trúng cử ĐBQH ông sẽ làm gì để đảm bảo ổn định trật tự, an toàn cho thành phố? Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Đỗ Khắc Hưởng - Đại tá, Đảng ủy viên, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trả lời: Tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội nói chung đang gây ra nhiều bức xúc, làm giảm sút chất lượng cuộc sống, đặc biệt ảnh hưởng tới thế hệ trẻ. Chúng tôi rất thấu hiểu trăn trở của cử tri quận 12 và nhân dân nói chung. Chức năng của quốc hội là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Gần đây Nhà nước ta rất quan tâm tới hoàn thiện pháp luật trong đó có Luật Hình sự và Hành chính để có biện pháp xử lý thỏa đáng đối với những hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, do thực tiễn đời sống xã hội luôn có những sự đổi mới, phát sinh, nên đến nay có một số biện pháp chế tài không còn phù hợp, chưa đủ để răn đe và phòng ngừa. Bên cạnh đó còn thiếu một số chế tài về pháp luật và điều đó ảnh hưởng rất là nhiều đến công tác phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội. Là một người trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều năm nghiên cứu về pháp luật hình sự, và tố tụng hình sự về đấu tranh phòng, chống tội phạm, tôi sẽ đề xuất với các cơ quan Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật trong đó tăng cường, bổ sung các biện pháp chế tài đủ mạnh để giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn. |
Cử tri Nguyễn Thị Phương (Tân Chánh Hiệp, Quận 12): Cần quan tâm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em Việc xây dựng thể chế liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em hiện nay như thế nào? Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP. Hồ Chí Minh; Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh trả lời: Là ứng cử viên nữ, tôi luôn quan tâm việc xây dựng thể chế để tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội và điều kiện thực tập, lao động một cách bình đẳng thực chất; tham gia các hoạt động, chương trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Các quy định pháp luật hiện nay không có sự bất bình đẳng về giới, tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc triển khai, thực thi các quy định này trên thực tế vẫn còn. Đâu đó, trong các gia đình Việt Nam vẫn có những định kiến về giới. Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ theo đuổi những vấn đề này để các nghị định pháp luật được triển khai trên thực tế. Với trách nhiệm, khả năng và kiến thức của mình, tôi sẽ tích cực hỗ trợ những nạn nhân, xoa dịu nỗi đau các em và có những kiến nghị với các cơ quan chức năng. |
Cử tri Lại Thị Huyền (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12): Cần xây dựng mạng lưới trường lớp đạt chuẩn Cần giải quyết tình trạng quá tải về trường lớp, nhất là thời điểm tuyển sinh như thế nào? Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Văn Thị Bạch Tuyết - Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh trả lời: Hiện nay, trường lớp trên địa bàn quận 12 đang thiếu. Sĩ số học sinh trong các lớp học rất cao, đặc biệt là tiểu học. Quá trình UBND quận 12 triển khai xây dựng các trường lớp gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng. Ở một số địa điểm vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân để giải phóng mặt bằng xây dựng trường lớp mới đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Vừa qua, đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đi khảo sát và làm việc trên một số quận huyện trên địa bàn. Chúng tôi thấy rằng, việc này hiện nay cũng diễn ra phổ biến ở các quận huyện TP.HCM. Chúng tôi đã có kiến nghị trực tiếp với UBND TP.HCM đề nghị: Thứ nhất quan tâm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp để có địa điểm triển khai các dự án xây dựng trường học mới. Thứ hai, ưu tiên dành kinh phí cho việc triển khai xây dựng các trường học trên địa bàn của các quận huyện. Thứ ba, dành thời gian quan tâm, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị của các quận huyện trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các trường học, đẩy nhanh tiến độ, để trẻ em thành phố trong độ tuổi đi học có được môi trường sống tốt, được hưởng môi trường giáo dục hiện đại theo chủ trương của thành phố. Tôi sẽ tiếp tục đeo bám, để những kiến nghị của các đại biểu quốc hội khoá XIV tiếp tục được thành phố quan tâm và triển khai thực hiện sớm để có môi trường học tập tốt nhất cho con em. |