Những địa phương nhiều lần được đón Bác về thăm
Trong suốt cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm nhiều địa phương, tỉnh thành trên cả nước, trong đó có nhưng địa phương từng vinh dự nhiều lần đón Bác về thăm, như: Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình.
Hưng Yên - 10 lần đón Bác
(Ảnh: Hưng Yên gov) |
Lần thứ nhất, ngày 10/01/1946
Bác về thăm Hưng Yên, nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Hưng Yên, động viên phong trào đắp đê chống lụt. Người căn dặn nhân dân Hưng Yên: "Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói".
Lần thứ hai, ngày 21/10/1946
Sau khi kết thúc chuyến thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch về nước bằng tàu biển. Từ Hải Phòng đến Hà Nội bằng tàu hoả, tới ga Đình Dù (huyện Văn Lâm), Bác đã nói chuyện với cán bộ nhân dân ra chào đón Bác. Tàu chuyển bánh, nhân dân đã hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh", "Hồ Chủ tịch muôn năm".
Lần thứ ba, ngày 05/01/1958
Hồ Chủ tịch về thăm Hưng Yên lần thứ ba. Sau khi làm việc với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bác đã nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện, xã về chống hạn sản xuất. 14 giờ chiều cùng ngày, Người về thăm đồng bào Tiên Lữ đang vét ngòi Triều Dương và dân công đào sông từ Phố Giác đến chợ Thi. Tại đây nói chuyện với cán bộ dân công, Người nói: "Làm thủy lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời". (Sau ngày Bác về thăm, con sông này được mang tên là sông Bác Hồ).
Lần thứ tư, ngày 3/ 7/1958
Hồ Chủ tịch về dự và nói chuyện với Đại hội thi đua sản xuất vụ mùa giỏi tỉnh Hưng Yên. Bác đã động viên nhân dân Hưng Yên quyết tâm chống hạn và thưởng Huy hiệu cho một xã có thành tích chống hạn khá nhất. Sau khi nói chuyện với Đại hội, Hồ Chủ Tịch về thăm xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm) - nơi có thành tích đào giếng lấy nước cứu lúa. Tại đây, Bác đã nhắc nhở cán bộ và nhân dân: "Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về"; xây dựng tổ đổi công; thanh toán nạn mù chữ và giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh mùa hè.
Lần thứ năm, ngày 20/9/1958
Hồ Chủ tịch về thăm và kiểm tra việc chuẩn bị khởi công xây dựng Công trường đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải, Bác nói: "Công trình Bắc - Hưng - Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng lên".
Lần thứ sáu, ngày 16/10/1958
Hồ Chủ tịch về thăm công trình Đại thủy nông Bắc -Hưng - Hải. Hồ Chủ tịch đã đến thăm bộ phận dân công đang đào sông Đình Dù đoạn Như Quỳnh, Chợ Đậu (huyện Văn Lâm) gồm hơn một vạn dân công của các huyện Thuận Thành, Gia Lương (Bắc Ninh) và Văn Lâm, Ân Thi, Phù Cừ, thị xã Hưng Yên, Tiên Lữ (Hưng Yên). Bác đã thưởng ba Huy hiệu cho các đơn vị và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Lần thứ bảy, ngày 25/10/1958
Hồ Chủ tịch về thăm công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba. Hồ Chủ Tịch đã nói chuyện với cán bộ, dân công đang làm tại công trường, Người động viên mọi người hăng hái thi đua lập nhiều thành tích để công trình hoàn thành trước kế hoạch.
Lần thứ tám, ngày 20/2/1959
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ tư. Bác đến thăm anh chị em công nhân đang làm việc ở cống Xuân Quan (Văn Giang) và thăm nhân dân xã Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Lần thứ chín, ngày 15-16/9/1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và nói chuyện tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc (họp tại Hưng Yên) bàn nhiệm vụ, phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa công tác thủy lợi tiến lên phục vụ tốt kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế nông nghiệp. Hưng Yên là một trong những tỉnh có thành tích xuất sắc về thủy lợi. Tại Hội nghị, Bác đã trao cờ Làm thủy lợi khá nhất cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.
Bác cũng đã về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động. Bác căn dặn: "Nghĩa Dân là dân phải có nghĩa với Tổ quốc vì cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Dân đã thực hiện tốt phong trào hợp tác hóa, thực hành tiết kiệm và sản xuất tốt góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vững mạnh, làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà". Bác căn dặn cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Dân hăng hái phát huy tốt đẹp truyền thống của xã. Khi đến thăm nhà mẫu giáo Nghĩa Dân, Bác căn dặn các cô giáo và cán bộ phải quan tâm, chăm sóc thế hệ mầm non. Bác nói: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm phải trồng người".
Lần thứ mười, ngày 5/2/1966
Hồ Chủ tch về thăm đơn vị công binh đang diễn tập bắc cầu phao trên sông Hồng. Bác đã nói chuyện với dân quân trực chiến tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang.
Hải Phòng - 9 lần được Bác về thăm
Mỗi người dân thành phố Hải Phòng đều có niềm tự hào riêng về thành phố quê hương mình, song có một điều thiêng liêng hơn, vinh dự hơn cả đó là Hải Phòng đã 9 lần được đón Bác Hồ về thăm.
Bác Hồ thăm cảng Hải Phòng, ngày 30/5/1957 (Ảnh: TTXVN) |
Cách đây 76 năm, ngày 20/10/1946, Chiến hạm Đuy-mông Đuyếc-vin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam cập bến Ngự - Cảng Hải Phòng, sau chuyến công tác dài trên đất Pháp. Đó là giờ phút mãi khắc ghi trong trái tim người dân Hải Phòng lần đầu được nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, lần đầu được đón Bác về thăm. Người căn dặn: "Nhờ các cụ đi trước làm gương, anh chị em đồng tâm hiệp lực thì chắc chắn thành phố Hải Phòng sẽ trở nên thành phố gương mẫu của nước ta".
Sau lần gặp đầu tiên ấy, phải gần 10 năm xa cách, nhân dân Hải Phòng mới được gặp lại Bác Hồ. Chỉ 20 ngày sau khi Hải Phòng được giải phóng, ngày 2/6/1955, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng lần thứ 2 đón Bác Hồ về thăm. Bác nói chuyện với 300 cán bộ, đảng viên, người dân tại Nhà hát thành phố.
Lần thứ 3, trong 2 ngày 30 và 31/5/1957, Bác Hồ về thăm một số cơ sở kinh tế quan trọng của thành phố như: Cảng Hải Phòng, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Quân y viện 7, Trường Nhi đồng miền Nam.
Gần 2 năm sau đó, ngày 31/3 và ngày 1/4/1959, lần thứ 4 về thăm Hải Phòng, Bác tới thăm Trường Học sinh miền Nam số 7, ra thăm đảo Cát Bà, Cát Hải và nhiều đảo khác trong vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Ngày 10/1/1960, lần thứ 5 về Hải Phòng, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng đông đảo nhân dân Hải Phòng đón trên 900 kiều bào từ Thái Lan về nước và nói chuyện tại Cảng Hải Phòng.
Chỉ 8 ngày sau đó, ngày 18/1/1960, quân dân huyện Kiến An - Hải Phòng vinh dự đón Bác về thăm. Đây là lần thứ 6 Bác Hồ về thăm Hải Phòng.
Trong những năm từ 1961-1963, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian về thăm, nói chuyện và căn dặn đồng bào Hải Phòng. Ngày 16/3/1961, lần thứ 7 về thăm thành phố, Bác tới thăm Nhà máy cơ khí Duyên Hải, phát động phong trào thi đua "Sóng Duyên Hải" trong toàn ngành công nghiệp miền Bắc.
Ngày 22/1/1962, Bác cùng nhà du hành vũ trụ Giéc-man Ti-tốp (Liên Xô) về thăm Hải Phòng. Đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố mít tinh đón Bác với niềm vui náo nức của lần thứ 8 được đón Bác về thăm.
Lần thứ 9 Bác Hồ về thăm Hải Phòng vào ngày 23/1/1963. Bác cùng Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc đến thăm Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp và Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng.
Có thể nói, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Hải Phòng sự quan tâm đặc biệt với tình cảm mến yêu. Những lời dạy cùng với những tình cảm ân cần, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Hải Phòng đã trở thành di sản tinh thần quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với quá trình đấu tranh giải phóng, xây dựng, bảo vệ thành phố.
Làm theo tâm nguyện và những lời dạy của Người, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã xây nên truyền thống "trung dũng - quyết thắng", "đoàn kết, chủ động, năng động, sáng tạo" đầy vẻ vang, xứng đáng với niềm tin yêu của Người "Hải Phòng sẽ trở nên thành phố gương mẫu của nước ta".
Thái Bình - 5 lần đón Bác
Bác Hồ về thăm xã Nam Cường (Tiền Hải) ngày 26/3/1962 (Ảnh: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Thái Bình). |
Nhân chuyến đi thăm các tỉnh hạ lưu sông Hồng bị vỡ đê hồi tháng 8/1945, chiều ngày 10/1/1946, Hồ Chủ tịch đã về thăm đê Thái Bình. Sau khi đi xem hai quãng đê Đìa (Hưng Nhân) và Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ, Hồ Chủ tịch đã về thị xã Thái Bình lúc 15 giờ, gặp gỡ cán bộ, đồng bào tại trụ sở UBND cách mạng lâm thời tỉnh. Các đồng chí: Ngô Duy Cảo, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh; Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Văn Phiếm, Bùi Đăng Chi, Đỗ Thị Hạnh cũng có mặt. Được tin Hồ Chủ tịch về, đồng bào thị xã kéo đến đứng chật cứng cả trong sân, ngoài vườn và cổng tòa đại sứ. Bác đã dành 30 phút nói chuyện với đồng bào. Bác nói nước ta đã độc lập, mọi người dân làm chủ đất nước, toàn dân phải tích cực tham gia đắp đê chống lụt, chống nạn đói.
Ngày 28/4/1946, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định tổ chức lễ mít-tinh lớn mừng công khánh thành đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì), mời Hồ Chủ tịch và Chính phủ về dự.
Sau khi đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh đọc báo cáo tóm tắt về thành tích đắp đê chống lụt và chống đói, Hồ Chủ tịch khen ngợi thành tích đắp đê của Thái Bình, hoan nghênh tinh thần đoàn kết trong lao động, trong sản xuất cứu đói của đồng bào. Bác kêu gọi phải ra sức diệt ba kẻ thù trước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm…
Chiều ngày 28/4/1946, Bác và phái đoàn Chính phủ lên Hưng Nhân dự lễ mít-tinh khánh thành đoạn đê Đìa, nay thuộc xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Nhân dân huyện Tiên Hưng đứng chật hai bên đường 39 và trên đê sông Hồng đón Bác.
Tại trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh, Hồ Chủ tịch đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo những công việc tỉnh làm được trong năm 1958. Rời trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh, Hồ Chủ tịch đến thăm các chuyên gia Trung Quốc tại công trường nhà máy xay sau đó Người tới dự Đại hội sản xuất đông - xuân tỉnh Thái Bình.
Sáng ngày 26/10/1958, trên 4 vạn đại biểu nhân dân đội ngũ chỉnh tề tại sân vận động thị xã Thái Bình đón Bác. Bác mặc bộ quần áo màu gụ, đầu đội mũ cát, chân đi dép cao su đen, nước da hồng hào, khỏe mạnh. Bác giơ tay vẫy chào, tiếng hoan hô vang lên không ngớt. Bác lên lễ đài và phát biểu: Trong kháng chiến, đồng bào và cán bộ Thái Bình đã cố gắng và lập nhiều thành tích trong công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa. Bác chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ, nhân dân Thái Bình. Bác nêu 6 nhiệm vụ trước mắt: Củng cố tổ đổi công, hợp tác xã; việc phục vụ nông nghiệp của cán bộ các ngành, các giới; vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên; vấn đề đoàn kết và tiết kiệm. Cuối cùng, Bác kêu gọi: Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, ngoài đồng đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu ở miền Bắc, có làm được không?
- Có ạ! Có ạ!
- Bác tin đồng bào và nhân dân có thể làm được những điều đã hứa với Bác. Trong vụ mùa này và trong vụ chiêm tới, đơn vị nào khá nhất huyện, huyện nào khá nhất tỉnh sẽ có giải thưởng. Ai muốn có giải thưởng, giơ tay lên?
Đồng chí Giang Đức Tuệ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh thay mặt đồng bào và cán bộ Thái Bình cảm ơn Bác, cảm ơn Trung ương Đảng và Chính phủ đã luôn quan tâm đến Thái Bình và xin nguyện: Thái Bình đời đời ghi nhớ công ơn Bác và làm theo lời dạy của Bác!
Được biết Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26/3/1962, Hồ Chủ tịch đã về thăm và động viên phong trào. 8 giờ ngày 26/3/1962, khi chiếc trực thăng hạ cánh, Bác từ trong máy bay bước xuống, mọi người chạy ra đón và reo to: “Bác Hồ! Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác khen ngợi cán bộ, xã viên hợp tác xã khai hoang diện tích cấy lúa, trồng cói làm giàu. Nói chuyện xong, Bác thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ thi đua của Nam Cường. Rời Nam Cường, Bác đến thăm hội nghị phát động phong trào sản xuất trong nông nghiệp toàn tỉnh, gặp gỡ các đại biểu đang họp tại Đông Lâm. Bác vẫy tay chào mọi người rồi vui vẻ nói: So với ba năm rưỡi trước đây Bác về thăm Thái Bình thì năm nay tỉnh nhà có tiến bộ về nhiều mặt như tăng vụ, vỡ hoang, mở rộng diện tích… Thế là tốt! Tuy vậy, so với nhu cầu của nhân dân và so với các nơi khác thì tỉnh nhà tiến bộ còn chậm. Bác phân tích một số khuyết điểm về sản xuất nông nghiệp và chê thói phô trương, lãng phí trong ma chay, cưới hỏi. Và xấu nhất là tệ đánh đập vợ, ép duyên con, thói tảo hôn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cuối cùng, Bác kết luận: Tỉnh ta có gần 77.000 đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động. Trung ương giao nhiệm vụ cho mỗi đồng chí phải nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu vươn lên, phải chống tư tưởng bảo thủ và chủ quan, chống tác phong quan liêu, đại khái, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, làm gương mẫu, làm đầu tàu cho đồng bào trong phong trào thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh và nâng cao đời sống nhân dân.
Tối ngày 31/12/1966, Bác về thăm Thái Bình lần thứ năm, mừng Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha. Đêm đó Bác nghỉ lại khu sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy ở thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư. Hôm sau, 1/1/1967, lúc 9 giờ sáng, Bác tới đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư. Sau khi khoát tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống, Bác nói: Bây giờ thì Bác làm nhiệm vụ giới thiệu, đây là đồng chí Hoàng Anh, phụ trách nông nghiệp, đồng chí Tố Hữu, phụ trách tuyên giáo còn đồng chí này (Bác chỉ đồng chí Ngô Duy Đông) các chú biết rồi chứ... Tất cả cùng cười vang. Bác bắt đầu nói chuyện. Bác khen nhân dân ta sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi. Bác nói về những biện pháp thủy lợi, làm phân, nuôi cá, trồng cây. Bác khen hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây khá. Nói đến việc sản xuất thời chiến, Bác dặn phải chú ý đến đội quân lao động rất đông là nữ. Bác phê phán tệ đánh vợ và mong từ nay về sau không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa. Bác khen hợp tác xã Tân Phong đạt hơn 7 tấn thóc/ha. Bác khen phong trào báo công, bình công của Thái Bình. Sau đó Bác nói về công tác xây dựng Đảng, sự đoàn kết trong Đảng giữa đảng viên cũ, đảng viên mới, đảng viên già, đảng viên trẻ. Cuối cùng, Bác nói về phòng không nhân dân, phải ra sức bảo vệ tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã. Bác nói: Bây giờ Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt.
Hòa Bình - 4 lần đón Bác về thăm
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã 4 lần về thăm tỉnh Hòa Bình. Lần đầu tiên, Bác về thăm đồn điền Chi Nê, xã Cố Nghĩa, nay là xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) ngày 21/2/1947. Lần thứ 2, Bác Hồ thăm trường Hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh ở bến Ngọc, Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) ngày 19/10/1958. Lần thứ 3, Bác Hồ thăm và làm việc tại trường Thanh niên lao động (TNLĐ) XHCN ngày 17/8/1962. Lần thứ 4, Bác thăm và làm việc tại cơ quan Huyện ủy Kim Bôi ngày 19/9/1964. Những lần đến thăm, Người ân cần căn dặn, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau tiến bộ, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, góp sức phục vụ kháng chiến, xây dựng quê hương. Những tình cảm trân trọng, yêu thương, những lời dặn dò ân cần của Người là nguồn động viên tinh thần to lớn để cán bộ và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.
Bác Hồ thăm trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày 17/8/1962 (Ảnh: Báo Hòa Bình). |