Những cô dâu Việt gìn giữ tiếng mẹ đẻ ở xứ Hàn
Cô giáo Kim Thoa đang hướng dẫn trẻ em gia đình đa văn hóa Việt - Hàn học tiếng Việt. |
Việc làm sao để thế hệ trẻ ở nước ngoài học tốt tiếng Việt vẫn là nỗi niềm trăn trở đối với cộng đồng người Việt xa xứ. Hiểu được tầm quan trọng của tiếng Việt, những cô dâu Việt ở xứ sở kim chi đã và đang từng ngày, từng giờ truyền cảm hứng và niềm đam mê tiếng Việt đến con em mình ở Hàn Quốc.
Sắp sẵn cơm nước cho chồng con xong, Kim Thoa ra xe, đến lớp dạy tiếng Việt cho trẻ ở khu vực Daejeon. Buổi chiều, Thoa dạy tiếng Việt ở các trường Tiểu học Yuchon, Sokkyu và Kumsong, buổi tối thì dạy ở Đại học quốc gia Chung nam và Trung tâm giao lưu quốc tế Daejeon. Thoa kể, việc dạy tiếng Việt cho người Hàn và cho trẻ em trong các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn đến với chị khá tình cờ như một nhân duyên.
Làm dâu nước lạ khi tuổi mới chớm mười chín đôi mươi, sau thời gian đầu bỡ ngỡ, Thoa lao vào học tiếng. Bởi chỉ có học tiếng mới có thể hòa nhập một cách tốt nhất vào xã hội nước Hàn. Học xong, Thoa xin vào trung tâm giao lưu quốc tế dạy tiếng Việt, thỏa ước mong làm giáo viên từ nhỏ. Từ những buổi ban đầu chập chững vào nghề, đến nay, Kim Thoa đã trở thành giáo viên dạy tiếng Việt dày dặn kinh nghiệm cho cả người lớn và trẻ em. Thoa nói, dạy Tiếng Việt cho trẻ khó khăn gấp bội so với dạy cho người lớn nhưng tình yêu trẻ nhỏ và tiếng Việt đã ngấm đậm trong chị như máu thịt: “Tiếng Việt dạy cho người lớn thì có sách rồi nhưng cho trẻ em thì không có sách. Ban đầu vất vả phải tự soạn bài như: soạn từ vựng, soạn câu để dạy cho tụi nhỏ. Trước đây tụi em có 10 người đi dạy tiếng Việt nhưng vì vất vả, nhiều bạn nghỉ. Giờ chỉ còn ba người bám trụ”.
Biết là gieo mầm tiếng Việt ở nước ngoài rất gian nan bởi tiếng Việt có dấu, khó đọc, khó học, cô gái gốc Tây Ninh vẫn tìm mọi phương pháp giảng dạy để khuyến khích và lôi cuốn trẻ vào bài học trên lớp.
Các bạn nhỏ nghe và nói tiếng Việt khá tốt |
Cô bé gốc Việt Yoon Eun Hee, 11 tuổi, đang sống cùng mẹ tại Daejeon, hàng ngày, đi học về, cứ khoảng 3 giờ chiều là mẹ đưa em đến Trung tâm Seom-Na House còn được gọi là trung tâm Chăm sóc và sẻ chia để học tiếng Việt, học đàn, học hát. Chị Lê Thị Bích Tuyền, quê ở Cần Thơ đã cho con đến học từ hồi còn mẫu giáo vì một lẽ muốn con có một môi trường để giao tiếp tiếng Việt: “Em cho con học ở đây lâu rồi. Ngày nào cũng đến. Sáng đi học ở trường đến 2, 3 giờ chiều thì về đây đi học đến 7 giờ tối. Ở đây, các cô dạy các con học thêm tiếng Việt. Cũng nhờ có các cô giáo hướng dẫn nên em mới biết được điều này điều kia chứ ở nhà thì không biết”.
Chị Lê Thị Bích Tuyền (bìa trái) trả lời phỏng vấn phóng viên |
Là người Việt duy nhất ở trung tâm Seom-Na House, chị Trần Thị Hồng Cẩm cho biết cứ ba tháng một lần, trung tâm lại tổ chức họp mặt các phụ huynh, cùng nấu đồ ăn Việt Nam đồng thời trợ giúp các chị em phụ nữ Việt khi cần. Cũng là một cô dâu Việt ở xứ Hàn nên chị Hồng Cẩm ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt ở nước ngoài. Chị kể trung tâm cũng có những chương trình thi viết bằng tiếng Việt cho các cháu trong gia đình đa văn hóa để trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ: “Việt tổ chức cuộc thi cho các con để các con học tiếng Việt và yêu tiếng Việt hơn. Cuộc thi có các chủ đề như giới thiệu về gia đình, về ước mơ của mình hay giới thiệu về trung tâm ở đây. Các con có thể chọn chủ đề nào cũng được. Các cháu trong trung tâm còn về Việt Nam và tham gia thi Tiếng hát Bảy sắc cầu vồng bằng tiếng Việt”.
Trung tâm Seom-Na House ở Daejeon, Hàn Quốc |
Chị Seo Yeon Hee đánh giá các cô dâu Việt ở Hàn khá siêng năng, giỏi giang, chăm chỉ làm việc và việc nhà và đặc biệt là đều quan tâm đến việc học tiếng Việt của con em mình. Những cô dâu Việt ấy đang là những người đồng hành đắc lực để tiếng Việt trong thế hệ trẻ không bị nhạt nhòa mà ngày càng được tăng cường từ đó kéo các bạn trẻ gốc Việt gần hơn với tiếng dân tộc của quê hương.Chị Seo Yeon Hee, phụ trách văn phòng của trung tâm, cho biết: “Trung tâm này ban đầu là giúp đỡ cho các lao động, gia đình đa văn hóa như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ đến học tiếng Hàn. Sau này, số lượng người Việt khá lớn nên trung tâm tổ chức dạy tiếng Việt cho con cái các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn. Dạy tiếng Việt nhằm mục đích để sau này con cái có thể nói chuyện bằng tiếng Việt với mẹ đẻ của mình”.
Nghi vấn một cô dâu Việt ở Trung Quốc bị thương, mất liên lạc với gia đình Ngày 3/9, tin từ Sở Ngoại vụ tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), ... |
Cô gái gốc Việt làm dâu Hoàng gia Monaco Với mối tình từ thời sinh viên với Louis Ducruet con trai của Công chúa Monaco, cô gái mang hai dòng máu Việt - Pháp ... |
"Công dân danh dự" Seoul mang thông điệp xin lỗi cô dâu Việt tới ĐSQ Việt Nam Ngày 12/7, một nhóm người Hàn Quốc đã lặng lẽ tập trung trước cổng Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul mang trên tay thông điệp ... |