Nhà Trắng trừng phạt quan chức Tòa Hình sự Quốc tế
Mỹ tung đòn trừng phạt, công ty Trung Quốc phớt lờ |
Mỹ phản đối Đại sứ Trung Quốc giữ ghế thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển |
Ngày 3/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo áp đặt trừng phạt nhằm vào công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) Fatou Bensouda vì "điều tra nghi vấn tội ác chiến tranh của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan".
Giám đốc Cục Xét xử, Hỗ trợ và Hợp tác ICC Phakiso Mochochoko cũng bị đưa vào danh sách cấm vận vì "hỗ trợ công tố viên Bensouda".
"Hôm nay, chúng tôi áp dụng bước tiếp theo vì ICC tiếp tục nhằm vào công dân Mỹ", Ngoại trưởng Pompeo nói, thêm rằng nhiều quan chức ICC đã bị từ chối visa nhập cảnh vào Mỹ do liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên Bensouda.
Quan chức Mỹ cảnh báo những hạn chế visa và lệnh trừng phạt rộng hơn có thể áp dụng với những người hỗ trợ Bensouda và Mochochoko.
Ngoại trưởng Pompeo họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/9. Ảnh: AFP |
Động thái được tiến hành gần ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cho phép trừng phạt những cá nhân "trực tiếp tham gia mọi nỗ lực của ICC để điều tra, bắt, giam giữ hoặc truy tố quan chức Mỹ và đồng minh mà không có sự đồng ý của Mỹ hoặc quốc gia đó".
Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói "chính phủ Mỹ có lý do để nghi ngờ tính trung thực của ICC", đồng thời bày tỏ lo ngại các cường quốc như Nga đang thao túng ICC để theo đuổi chương trình nghị sự của chính họ nhưng không nêu bằng chứng.
ICC ra lệnh điều tra cáo buộc tội ác chiến tranh của các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Afghanistan, cũng như cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của phiến quân Taliban. Công tố viên Bensouda cũng thúc đẩy điều tra khả năng Israel phạm tội ác chiến tranh chống lại người Palestine, động thái khiến Washington "quan ngại sâu sắc".
Mỹ không phải thành viên của ICC và quan chức chính quyền Trump từ lâu đã bác bỏ thẩm quyền của tòa, đồng thời thực hiện các bước ngăn chặn điều tra như thu hồi thị thực của công tố viên Bensouda vào năm ngoái.
ICC ra đời năm 2002 theo một hiệp ước của Liên Hợp Quốc và được 123 nước phê chuẩn, chuyên điều tra các nghi phạm để mang lại công lý cho những người phải chịu nạn diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, khi chính quyền các nước không thể hoặc không thực hiện việc truy tố. Mỹ cũng là nước chỉ trích ICC từ khi tổ chức này được thành lập.
Giữa căng thẳng với Trung Quốc, Đài Loan tung video 'khoe' khí tài quân sự |
Cố vấn Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc "bắt tay" đảng Dân chủ để hạ bệ Trump |