Ngư dân kiên cường bám biển, đoàn kết vươn khơi
Ngư dân Khánh Hoà tiếp tục bám biển, lệnh ngừng đánh cá của Trung Quốc không có giá trị Thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn của Trung Quốc đối với những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là không có giá trị. |
Vân Đồn tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tàu cá và ngư dân bám biển Trước lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc, huyện Vân Đồn đã kịp thời có thông báo, hướng dẫn cho ngư dân để họ yên tâm bám biển. |
Vượt khó vươn khơi
Báo Quảng Nam cho biết, tàu cá QNa-90170 hành nghề lưới vây của ngư dân Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) vừa cập cảng cá Tam Quang (Núi Thành) bán hải sản. Chuyến biển đạt kết quả tốt nên chủ tàu và 12 bạn biển rất phấn khởi. Ngư dân Phan Tin (thôn Đông Tuần) - bạn biển lâu năm của ông Thảo cho biết, có mặt các loại tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc nhưng ngư dân không hề nao núng khi khai thác trên biển Hoàng Sa.
“Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân chúng ta. Tôi gắn bó với nghề khai thác hải sản trên biển Hoàng Sa mấy chục năm nay. Trung Quốc cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông là vô lý, chúng tôi đã nhiều lần phản đối và sẽ bám biển vì sinh kế, góp sức giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Tin nói.
Ông Võ Công Thảo cho biết, chuyến biển vừa qua rất suôn sẻ, thời gian chỉ diễn ra trong vòng 7 ngày, thu được 20 tấn, chủ yếu là cá ngừ, cá nục, bán được gần 700 triệu đồng, trừ chi phí, chủ tàu thu được hơn 250 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 20 triệu đồng.
Ngư dân Quảng Nam chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Ông Thảo khẳng định, biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nên lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ban hành là ngang ngược, vô lý. Tàu của ông sẽ tiếp nhiên liệu, thu mua nhu yếu phẩm để vươn khơi, đánh bắt hải sản trong những ngày sắp tới.
Nhiều ngư dân Quảng Nam cho biết, khi ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, các tàu của Trung Quốc ngang ngược cản phá, xua đuổi, không cho tàu cá Quảng Nam sản xuất; thậm chí tàu Trung Quốc tấn công, phun vòi rồng với các tàu đơn lẻ của ngư dân Quảng Nam. Để ứng phó, ngư dân Quảng Nam vươn khơi sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết trên biển.
Ngư dân Trần Sinh (thôn Đông Tuần) - chủ tàu cá QNa-91270 đang kết hợp với ngư dân Võ Công Thảo hình thành tổ đoàn kết số 2. Ông Sinh kể lại sự việc trước đây, tàu cá QNa-91865 của ông bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn làm hỏng mũi tàu, ca bin và nhiều thiết bị, máy móc.
Sau khi về bờ, gia cố, sửa chữa không đạt, ông Sinh phải bán tàu, vay mượn để đóng tàu cá QNa-91270 tiếp tục theo nghiệp biển. Theo ông Sinh, tàu Trung Quốc thấy tàu đơn lẻ thì tấn công chứ thấy các tàu đánh bắt theo tổ đội thì bỏ đi. Đoàn kết giúp ngư dân bám biển an toàn, khai thác đạt sản lượng cao.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cứ đến tháng 5 là Trung Quốc đơn phương cấm biển. Ngành nông nghiệp khuyến khích ngư dân kiên tâm bám biển, các tàu cá nương tựa vào nhau để ra khơi sản xuất.
Để hỗ trợ ngư dân bám biển, ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai chính sách hỗ trợ dầu giúp ngư dân trang trải chi phí chuyến biển. Công tác dự báo ngư trường cũng được thường xuyên cung cấp giúp ngư dân chủ động sản xuất.
“Chúng tôi phối hợp với hội nghề cá, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam thăm hỏi, chia sẻ tâm tư, động viên, khuyến khích, hỗ trợ để tiếp sức ngư dân bám biển” - ông Ngô Tấn nói.
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không có giá trị nên hiện nay các địa phương có nghề cá đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân bám biển, tận dụng ưu thế của vụ sản xuất chính.
Khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Chuẩn bị xuất bến vươn khơi tại cảng cá Cửa Việt, ngư dân Hoàng Tứ cho biết trên báo Quảng Trị, từ nhiều năm qua, phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo về việc tạm ngừng đánh bắt cá trên Biển Đông. Nhưng với ngư dân Quảng Trị thì đây là một thông báo vô giá trị. Ngư dân vẫn ra khơi, bám biển đánh bắt hải sản bình thường. Ông Tứ hiện đang sở hữu chiếc tàu vỏ thép số hiệu QT 94899TS công suất gần 1.000 CV chuyên làm nghề lưới rê bùng nhùng. Ngư trường đánh bắt chủ yếu ở vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa.
Theo ông Tứ, những năm gần đây, năm nào Trung Quốc cũng đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông với thời hạn khoảng 3 tháng nhưng ngư dân không quan tâm đến chuyện đó vì đây là vùng biển của Việt Nam. Ngoài ra, tàu cá xa bờ nào bây giờ cũng được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thường xuyên được ngành chức năng hướng dẫn, nhắc nhở ranh giới ngư trường, không vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài nên không có gì phải quan ngại.
Tàu cá vỏ thép số hiệu QT 94899TS do ngư dân Hoàng Tứ làm thuyền trưởng chuẩn bị xuất bến trực chỉ ngư trường Hoàng Sa - Ảnh: Báo Quảng Trị |
“Đang trong vụ cá Nam, thời tiết thuận lợi nên chúng tôi vẫn ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Chuyến biển này tôi và 7 bạn thuyền dự kiến sẽ bám biển đánh bắt khoảng 15 - 20 ngày. Trung Quốc cấm biển là việc của họ, còn biển của mình thì mình cứ khai thác thôi. Hơn nữa, đây là thời điểm mà ngư dân càng cần tích cực ra khơi, bám biển, tổ chức hoạt động sản xuất trên biển để vừa phát triển kinh tế vừa duy trì sự hiện diện của mình, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Tứ khẳng khái nói.
Trong câu chuyện với các ngư dân tại cảng cá Cửa Việt, chúng tôi được chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ tầm tháng 5 là Trung Quốc lại đơn phương ban hành cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nhưng đó là hành động hết sức phi lý, không có giá trị nên ngư dân vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển bình thường. Trao đổi với chúng tôi khi đang cùng 10 bạn thuyền tất bật kiểm tra ngư lưới cụ, máy móc, tiếp thêm đá lạnh, lương thực… để tiếp tục vươn khơi, ông Bùi Đình Hưng, thuyền trưởng tàu cá vỏ thép số hiệu QT 91366TS công suất 829 CV cho biết, tàu cá của ông vừa trở về sau chuyến biển hơn 15 ngày ở ngư trường Hoàng Sa. Khi đang khai thác trên biển, ông đã được thông báo qua máy ICOM về lệnh cấm đánh bắt cá của phía Trung Quốc. Trước thông tin trên, ông và các bạn thuyền không hề e ngại bởi đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Với kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với biển, ông Hưng không lạ gì với lệnh cấm đánh bắt cá phi lý mà hằng năm Trung Quốc vẫn đưa ra. Theo ông Hưng, không chỉ ngư dân Quảng Trị mà ngư dân cả nước đều xem cái thông báo cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mà Trung Quốc tự ban hành là vô giá trị. Do vậy, việc vươn khơi bám biển của ngư dân lúc này không chỉ để mang lại thu nhập cho gia đình mà còn là cách để ông và các bạn thuyền góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
“Họ ban hành lệnh cấm thì kệ họ, ngư dân chúng tôi không quan tâm. Tàu cá của tôi vẫn vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bình thường. Đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân chúng tôi. Trên biển lúc nào cũng có các lực lượng chấp pháp của Việt Nam như cảnh sát biển, kiểm ngư đồng hành, bảo vệ nên ngư dân luôn an tâm bám biển”, ông Hưng cho hay.
Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu nhất tỉnh với 197 chiếc, trong đó có 100 tàu cá có chiều dài trên 15m với khoảng 1.000 ngư dân thường xuyên vươn khơi bám biển, đánh bắt trên các vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa.
Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Nguyễn Xuân Phương cho biết, ngay sau khi phía Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, địa phương đã tập trung tuyên truyền để ngư dân biết đây là hành động phi lý, không có giá trị.
Đồng thời, vận động ngư dân tăng cường sản xuất theo tổ, nhóm để liên kết, hỗ trợ lẫn nhau khi đánh bắt trên biển. Yêu cầu các tàu cá tuân thủ nghiêm việc bật máy giám sát hành trình 24/24 giờ khi ra khơi; thống nhất tần số liên lạc để hỗ trợ nhau hoặc thông báo ngay về cho cơ quan chức năng ở đất liền khi có sự cố xảy ra để kịp thời ứng cứu, xử lý.
Theo ông Phương, việc đánh bắt theo tổ, nhóm liên kết vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân. Theo đó, khi sản phẩm trong tổ, nhóm đánh bắt đủ sẽ được gom hết lại cho một tàu vận chuyển về bờ tiêu thụ, những tàu cá còn lại vẫn bám biển tiếp tục đánh bắt, giúp tiết kiệm chi phí chuyến biển. Trong thời gian hoạt động trên biển, các tàu cá trong tổ, nhóm hoạt động gần nhau, thường xuyên liên lạc với nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra.
“Đánh bắt theo hình thức này càng phát huy hiệu quả trong thời gian Trung Quốc đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông”, ông Phương nhấn mạnh.
Trao 10.000 lá cờ cho ngư dân Đà Nẵng bám biển Sáng 12/4, tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, Báo Người Lao Động đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng trao 10.000 lá cờ trong Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” cho ngư dân TP Đà Nẵng. |
Tặng quà cho ngư dân tàu cá Quảng Nam, Quảng Trị vương khơi bám biển Sáng 10/4, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức thăm, tặng quà cho các tàu cá đang neo đậu tại âu tàu của đảo. |