Nghiên cứu lập tòa án ma túy, xem nghiện ma túy là bệnh
Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tiết lộ tại Tọa đàm Hiểm họa ma túy, diễn ra sáng 14/6.
Ông Lập kể, tại cuộc họp giao lưu trực tuyến với các địa phương mới đây, có địa phương không muốn cho xây trung tâm cai nghiện trên địa bàn mình. Như ở Hà Nam, có người dân muốn xây cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone trong đất của mình, nhưng chính quyền địa phương không cho xây vì sợ ảnh hưởng hình ảnh địa phương. "Việc đổi mới về nhận thức xã hội về nghiện ma túy rất cần thiết", ông Lập nói.
Ảnh minh họa
Theo ông Lập, hiện nhiều nước xem nghiện ma túy là bệnh, nên cơ quan này cùng các cơ quan liên quan đang nghiên cứu vấn đề này. Nếu xem nghiện ma túy là người bệnh phải xem xét tới các vấn đề pháp lý, như người nghiện có phải ra tòa xử nữa không, hay phải theo Luật Khám chữa bệnh.
Cùng đó, theo người đứng đầu Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội, cơ quan này đang phối hợp các tổ chức quốc tế nghiên cứu mô hình tòa án ma túy. "Thủ tướng đã giao Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp cùng chúng tôi nghiên cứu để sớm hình thành tòa án ma túy ở Việt Nam", ông Lập nói.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong nước, người nghiện đang ngày càng tăng. Số người nghiện đếm được là 210.000 người, nhưng số thực tế lớn hơn nhiều, người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng tăng. Người nghiện ma túy chủ yếu dưới 35 tuổi, 8% người nghiện ở độ tuổi học sinh; 70% số xã, 100% số huyện có người nghiện ma túy. "Xóm làng giờ không còn bình yên nữa", ông Đàm nói.
Theo ông Đàm, nghiện ma túy có thể cai được, nhưng bản thân người nghiện phải có nhận thức, quyết tâm, nghị lực rất lớn. Ngoài ra, cai nghiện cũng cần cần sự giúp đỡ của gia đình, xã hội. "Đã có người cai nghiện được và thành công trong sự nghiệp. Nhưng nếu xã hội còn kỳ thị, xa lánh sẽ không đạt được mục đích cai nghiện", ông Đàm nói.
Chia sẻ về những tồn tại trong công tác cai nghiện, đại diện Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, sau khi chấp hành cai nghiện bắt buộc ở cơ sở cải nghiện từ 1-2 năm, khi trở về cộng đồng, tỷ lệ người nghiện ma túy tái nghiện ở mức trên 90%.
Ngoài tỷ lệ tái nghiện cao, tồn tại trong công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam còn thể hiện ở việc số người nghiện không ngừng gia tăng, bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 6-8%. Nhiều loại ma túy mới được đưa vào sử dụng như ATS, cỏ Mỹ, tem cười…
Theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, đã xác định nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn não bộ. Điều trị nghiện là quá trình lâu dài, bao gồm tổng thể các can thiệp, hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi. Qua đó giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.
Đề án cũng nêu rõ các nhiệm vụ, như phát triển các cơ sở điều trị tự nguyện với mục tiêu đến năm 2020, có 94% tổng số người được cai nghiện, điều trị là tự nguyện.
Theo Tiền Phong