Nghệ An: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị
Nghệ An có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài nhất cả nước, hơn 468km; tiếp giáp với 03 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay. Nghệ An cũng là địa phương có 27 xã nằm trên khu vực biên giới trên bộ thuộc 6 huyện, gồm: huyện Kỳ Sơn (11 xã); huyện Tương Dương (4 xã); huyện Con Cuông (2 xã); huyện Quế Phong (4 xã); huyện Anh Sơn (1 xã); huyện Thanh Chương (5 xã).
Ở Nghệ An, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có dân số gần 1,2 triệu người, chiếm 36%, trong đó đồng bào DTTS có hơn 491 nghìn người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đan xen tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã (có 131 xã, trong đó 55 xã KV1, 76 xã KV3, không có xã KV2) với 05 dân tộc thiểu số có lịch sử sinh sông lâu đời trên địa bàn là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Công tác tuyên truyền góp phần giúp cán bộ, nhân dân nắm chắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia |
Những năm qua, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của hệ thống cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, do đó tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Nghệ An đã có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực chăm lo sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tích cực.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương, địa phương đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân vùng dân tộc thiểu số đạt gần 8.860 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 3.000 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách Trung ương và nguồn khác lồng ghép thực hiện.
Hàng năm, từ tỉnh đến cơ sở, các nội dung công tác vận động quần chúng, tuyên truyền được đưa vào nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt được một số kết quả đáng cao. Quá trình thực hiện gắn với thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên về công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo với củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Nhờ chú trọng xây dựng đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng làm cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân, đưa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào vùng cao ngày càng đổi mới, ấm no |
Tỉnh cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân ở khu vực biên giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử. Không những vậy, các chủ trương, chính sách này còn được lan tỏa sâu rộng trong xã hội qua các hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên và hệ thống thông tin cơ sở; thông tin đầy đủ trên tờ rơi, tờ gấp và các nền tảng mạng xã hội.
Nghệ An cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành, các địa phương trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung củng cố cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Hệ thống chính trị cơ sở ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã chủ động triển khai các tổ, đội công tác trực tiếp xuống địa bàn, từng hộ dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền một cách cụ thể đến mỗi người dân. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến tập trung mà còn phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân.
Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở bám nắm địa bàn cùng ăn cùng ở cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, nắm chắc tình hình, luôn lắng nghe tâm tư tình cảm, tận tình quan tâm, giúp đỡ nhân dân bằng nhiều chương trình, mô hình, phong trào thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, mang lại cuộc sống mới cho nhân dân khu vực miền núi và biên giới.
Mỗi khi về thăm các bản làng và xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn, chúng ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh những ngôi nhà khang trang mọc lên giữa bạt ngàn rừng núi, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đang từng ngày đổi thay và khởi sắc |
Cũng nhờ việc tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 mà hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang và ngày một nhiều bản làng có nhiều màu ngói mới. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới ở vùng cao với nhiều khởi sắc. Có được kết quả này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng tìm các giải pháp, thắt chặt "Ý Đảng lòng dân" chèo lái "con thuyền" đưa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng đổi mới, ấm no.
Có thể khẳng định, nhờ quy tụ và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các lực lượng và quần chúng nhân dân cũng như đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu nên ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo cũng như tham gia bảo vệ và giữ gìn biên giới quốc gia đã thấm sâu vào nhân dân ở khu vực biên giới. Qua đó góp phần tạo nên “thế trận lòng dân”, “biên giới lòng dân”, quân dân đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia và cùng hợp tác, phát triển để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.