Khi hai thôn Việt - Lào hòa chung nhịp sống
Tình làng nghĩa xóm nơi biên giới
Những ngày này, người dân xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam) và cụm bản Noỏng Mạ (huyện Bua Lạ Pha, tỉnh Khăm Muồn, Lào) hân hoan chuẩn bị cho lễ ký kết nghĩa.
Dự kiến lễ ký kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11/2024 tại hai địa điểm là cụm bản Noỏng Mạ và trung tâm xã Thượng Trạch với nhiều hoạt động: khánh thành và bàn giao công trình “Cụm loa truyền thanh nội bộ”, công trình "Ánh sáng vùng biên", “Gian hàng 0 đồng”; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ; công bố quyết định nhận hỗ trợ các cháu trong chương trình “Nâng bước học sinh Lào đến trường”; giao lưu thể dục thể thao… Tất cả tạo nên không khí sôi nổi, thể hiện tình đoàn kết bền chặt giữa hai bên.
Những năm qua, tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và tỉnh Khăm Muồn (Lào) có những bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác song phương, từ việc trao đổi thương mại, đến các chương trình hỗ trợ giáo dục và văn hóa. Thông qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Na Phàu, kim ngạch thương mại giữa hai tỉnh đạt 617 triệu USD (4/2023 - 6/2024). Năm học 2023 - 2024, Quảng Bình đã tiếp nhận đào tạo 16 cán bộ, sinh viên tỉnh Khăm Muồn; tập trung xây dựng hoàn thành Trường Trung học cơ sở Thống Nhất để bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 8/2024, đồng thời thực hiện các thủ tục triển khai Dự án Trường Phổ thông dân tộc tại huyện Ma-hả-xay, tỉnh Khăm Muồn. Năm 2024, tỉnh Quảng Bình tiếp nhận 16 hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Khăm Muồn về an táng tại Quảng Bình. |
Với niềm tin rằng tình làng nghĩa xóm vượt qua mọi khoảng cách, nhiều thế hệ đồng bào đã gắn bó, sẻ chia như những người ruột thịt thực thụ. Già làng Đinh Xon, người gìn giữ truyền thống của dân tộc Ma Coong ở xã Thượng Trạch, chia sẻ trên báo chí: Mặc dù sinh sống ở hai quốc gia khác nhau nhưng người dân Thượng Trạch và Noỏng Mạ có quan hệ thân tộc sâu sắc. Nhờ chính quyền hai bên tạo điều kiện cấp giấy thông hành, người dân thường xuyên qua lại thăm hỏi, hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết cổ truyền.Già làng Đinh Thựt, là người có uy tín ở bản Troi, xã Thượng Trạch (Bố Trạch) cho biết, nhiều người Ma Coong tại xã Thượng Trạch và người dân cụm bản Noỏng Mạ đã "phải lòng" và cùng nhau xây dựng gia đình. Nhờ vậy, tình cảm truyền thống của đồng bào sinh sống dọc hai bên tuyến biên giới này luôn được giữ vững, vun đắp ngày càng thêm bền chặt...
"Tuy sinh sống ở hai dải đất khác nhau nhưng đồng bào hai nước ở khu vực biên giới này vẫn luôn cùng chung một tấm lòng đoàn kết, yêu nước và hữu nghị, chỉ cần bên nào gặp khó khăn thì bên còn lại sẵn sàng giúp đỡ...", ông nói.
Những năm qua, chính quyền và người dân Thượng Trạch đã hỗ trợ cây, con giống cùng kỹ thuật canh tác cho bà con Noỏng Mạ. Sự giúp đỡ chí nghĩa từ phía Việt Nam đã góp phần nâng cao đời sống người dân nơi đây, giúp họ từng bước giảm nghèo.
Ông Khay Đao Đuông Păn Nha, người dân cụm bản Noỏng Mạ cho hay: “Người Việt, người Lào như anh em ruột thịt. Người dân bản mình cần hỗ trợ gì là các bạn Việt Nam cũng sẵn sàng, nhất là trong lúc khó khăn, hoạn nạn dân cụm bản Noỏng Mạ đều nhận được sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình từ các bạn Việt Nam ở Thượng Trạch”.
Chợ biên Việt – Lào, nơi giao thương của nhân dân huyện Kỳ Sơn và các huyện nước bạn Lào. (Ảnh: Đào Thọ) |
Sát cánh gìn giữ biên cương hòa bình, phát triển
Tại Nghệ An, địa phương có 419 km đường biên giới với Lào, tình làng nghĩa xóm hai bên biên giới còn được thể hiện qua nhiều hành động thiết thực.
Năm 2013, dưới sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Thông Thụ, bản Mường Phú (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An) và bản Nậm Táy (cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào) đã chính thức kết nghĩa. Từ đó đến nay, hai bản không chỉ trở thành láng giềng thân thiết mà còn hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng tình đoàn kết vững chắc.
Bộ đội biên phòng Nghệ An và bà con bản Mường Phú đã đóng góp xây dựng nhiều công trình quan trọng cho bản Nậm Táy, bao gồm một trường học, một nhà văn hóa cộng đồng và ba căn nhà đại đoàn kết dành cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm của Đồn và bản Mường Phú còn sang hỗ trợ bản Nậm Táy trong phát triển kinh tế, thực hiện các mô hình sản xuất mới như trồng cam, thả cá giống và nuôi lợn sinh sản. Công tác hỗ trợ cây, con giống cùng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vẫn được duy trì đều đặn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Tình cảm gắn bó giữa hai bản trở nên đặc biệt sâu sắc trong những thời điểm khó khăn. Năm 2018, bản Mường Phú bị lũ lụt tàn phá nặng nề. Ngay sau đó, bản Nậm Táy và bản Pạ Pục đã góp 600 kg gạo, ngô, bầu bí và nhiều nhu yếu phẩm khác gửi tới người dân Mường Phú.
Không chỉ hỗ trợ vật chất, nhân dân hai bản còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ lớn, Tết cổ truyền của hai dân tộc. Trưởng bản Mường Phú Lương Văn Nguyên cho biết: "Mỗi khi hai bản thăm nhau, chỉ có bao nếp, chén rượu... nhưng chứa chan tình anh em".
Tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc không chỉ được thể hiện qua việc hỗ trợ đời sống mà còn qua nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Bí thư, Trưởng bản Nậm Táy, ông Xeng Khăm, nói: Hai dân tộc Lào và Việt Nam đoàn kết để cùng nhau bảo vệ biên giới và phát triển. Đặc biệt bản Nậm Táy được huyện Quế Phong, Đồn biên phòng Thông Thụ cùng xã Thông Thụ và bản Mường Phú thường xuyên thăm hỏi, chỉ bảo cách chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cây giống, xi-măng...
Đồn biên phòng Thông Thụ còn hướng dẫn Ban Quản lý bản và chi bộ Nậm Táy cách điều hành, dạy tiếng Việt và đưa ra các biện pháp để chấm dứt tình trạng xâm canh, xâm cư trái phép. Chính nhờ sự hỗ trợ sát cánh này, tình cảm hai bên thêm phần gắn bó, không còn khoảng cách núi sông mà Việt - Lào như anh em một nhà, cùng nhau xây dựng một biên giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.