Đa dạng hóa sinh kế giúp đồng bào Khmer làm giàu
Với phương châm “trao cần câu hơn trao xâu cá”, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương. Từ đó mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho đồng bào Khmer trên địa bàn.
Bà con Khmer thu hoạch nghêu nuôi ở bãi bồi ven biển.
Phát huy hiệu quả các chính sách
Là nơi tập trung đông đồng bào Khmer của tỉnh, thời gian qua, các huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Hồng Dân rất tích cực trong việc đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng màu kết hợp với chăn nuôi, luân canh tôm - lúa, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tương trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản, khuyến khích những người trong độ tuổi lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh đã giúp nhiều hộ Khmer thoát nghèo bền vững. Bà Cao Thị Xô Khol (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho gia đình tôi từ vay vốn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, đến việc tìm đầu ra ổn định cho cả cây trồng, vật nuôi nên từ hộ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay, kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định, nhà cửa tươm tất… Từ đó có điều kiện tham gia, đóng góp công sức vào các phong trào, hoạt động của địa phương”.
Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, tạo sinh kế hiệu quả, lâu dài, các địa phương trong tỉnh còn mở các lớp truyền nghề, dạy nghề truyền thống như dệt, rèn, đan đát, mộc… để bà con kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Ông Danh Ía - người có uy tín ở ấp Ngô Kim (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân), phấn khởi: “Từ việc hỗ trợ nhà ở, đất ở đến hỗ trợ vốn, kỹ thuật để tạo sinh kế bền vững đã giúp nhiều gia đình Khmer trên địa bàn xã trước đây có cuộc sống khó khăn nay đã vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Có thể nói, các chính sách này đã thật sự phát huy hiệu quả, giúp nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng làng quê ngày càng khang trang, sung túc”. Việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Khmer không chỉ dừng lại ở hỗ trợ “cần câu” bằng các loại máy móc, thiết bị, mà ngành chuyên môn còn chỉ cho người dân “cách câu cá”, thông qua việc tổ chức lớp dạy nghề. Hiệu quả do các mô hình mang lại giúp không ít người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mô hình đưa màu xuống ruộng giúp bà con Khmer trên địa bàn TP. Bạc Liêu có thu nhập ổn định. Ảnh: C.L
Nâng cao đời sống
Việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) những năm gần đây được tỉnh quan tâm thực hiện đúng đối tượng, theo quy định. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hàng ngàn lao động. Từ việc sử dụng hiệu quả đồng vốn được hỗ trợ, kinh tế, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, bà con đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà đã chủ động ra sức lao động, học tập, làm việc siêng năng, vươn lên làm giàu chính đáng.
Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với đồng bào DTTS tại địa phương, từ các chính sách triển khai trên địa bàn góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn các huyện. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm thoát nghèo đã giúp kinh tế, đời sống của bà con ngày một tốt hơn, từ đó ra sức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tốt khối đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương.
“Từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào DTTS và các chính sách ưu tiên đã giúp nhiều hộ Khmer trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ những chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến đồng bào Khmer để bà con từng bước được nâng cao mức sống và vươn lên khá giàu”, ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết.
Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây
Đồng bào dân tộc Khmer trên khắp cả nước cũng đang phấn khởi đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
|
Cần Thơ họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Thnăm Thmây 2024 của đồng bào dân tộc Khmer
Sáng 10/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Thnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố Cần Thơ cùng các đại biểu là sư sãi, Achar, Ban quản trị 12 chùa Khmer, người có uy tín, học sinh dân tộc Khmer vượt khó trong học tập, cán bộ hưu trí và cán bộ đương chức người Khmer công tác tại các đơn vị trên địa bàn thành phố.
|