Ngày Xuân nghĩ về một Việt Nam cởi mở, chân thành và thân thiện
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Phát huy sức mạnh và ý chí vươn lên của dân tộc Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. |
Lào Cai: Những người bám chốt giữ ngày xuân Ngăn chặn nhập cảnh trái phép cùng với nguy cơ lây nhiễm Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã tăng cường lực lượng quản lý, duy trì nghiêm 54 điểm chốt chặn trên biên giới. |
Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần tuyệt đối 192/193 phiếu. |
Hữu nghị chân thành - Dây an toàn
Cuốn sách mà mới hôm qua tôi đọc cho đến trang cuối, là cuốn “10 bài học cho thế giới hậu đại dịch” của nhà báo Fareed Zakaria, nhà bình luận của CNN và New York Times. Trong 10 bài học mà ông rút ra, bài đầu tiên là “Hãy thắt dây an toàn” (Buckle-up), trong đó ông nhận định rằng “Có thể nói Hoa Kỳ là nền y tế số 2 thế giới với các trường đại học y khoa và hệ thống bệnh viện, trong một thế giới không có số 1”. Tuy vậy, ông nói thêm: “Nhưng về y tế cộng đồng thì chỉ có trên cung trăng”. Tôi xin trích dẫn điều này để nói thực tế ngược lại tại Việt Nam. Tuy vậy, y học Việt Nam đã học hỏi nhiều từ Hoa Kỳ chứ không phải ngược lại. Việt Nam học hỏi, tất nhiên, không phải chỉ từ một nước như Hoa Kỳ, mà nhiều nước khác kể từ khi Việt Nam đổi mới chính sách mang tính thời đại: từ hai con đường thành đa phương, đa dạng hóa và làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo quan sát của nhiều học giả quan hệ quốc tế trên thế giới, thành tựu hiện nay của Việt Nam có nền móng từ chính sách đổi mới, trong đó chính sách thân thiện, hữu nghị, bạn của tất cả, là cái dây an toàn của một cơ thể dẻo dai, giúp bay lên mà không sợ độ cao. Đại dịch COVID-19 cho thấy sự dẻo dai đó của một Việt Nam cởi mở, hữu nghị, chân thành.
Trong nhiều chục năm qua, chứ không chỉ từ khi bình thường hóa ngoại giao 25 năm trước, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều thế hệ y bác sĩ nay đã là bậc thầy. Cá nhân tôi, cách đây gần 10 năm, có lẽ tôi đã chết vì bị ung thư nếu không được một vị bác sĩ mổ bằng kỹ thuật nội soi. Tay nghề của ông khéo đến nỗi, cho đến hôm nay tôi chưa hề có một cơn đau đớn. Sau này tôi mới biết, vào những năm 1990 khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ, ông đã đến Mỹ tu nghiệp và có thể ông là bác sĩ Việt đầu tiên học mổ nội soi ở Mỹ sau 1975. Ông có nói với tôi: Học nghề rồi mà về nước, với cơ sở y tế như Việt Nam, thì không áp dụng được. Các đồng nghiệp Mỹ đã giúp viện trợ thiết bị mổ nội soi đầu tiên cho BV Chợ Rẫy. Nhiều lớp học trò của ông đã thực hành trên các thiết bị này. Có vô số những ví dụ như vậy trong cuộc sống, trong mối quan hệ của một Việt Nam hiện đại và cởi mở.
Một cánh cửa khép lại thì không những một, mà nhiều cánh cửa khác mở ra. Từ năm 1986, khi lịch sử được viết lại bằng ngòi bút của niềm tin chiến lược, thì ánh sáng lùa vào từ nhiều cánh cửa. Chúng ta không thể không dành ngưỡng mộ cho thế hệ lãnh đạo đã dũng cảm xây dựng và quyết định chính sách đối ngoại “đa phương, đa dạng hóa, muốn là bạn của tất cả các nước…”. Trong những biến động khó lường của thế kỷ 21, có một biến động rõ ràng, đó là sự trở lại của chủ nghĩa dân túy, với quá nhiều hàng rào bảo hộ mậu dịch. Chính sách đa phương, đa dạng hóa của Việt Nam có thể hóa giải những nút thắt trên đường phát triển thịnh vượng hướng đến tương lai.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra năm 2020, nền kinh tế Việt Nam của chúng ta không tránh khỏi sự sụt giảm về xuất khẩu. Hiệp định EVFTA ký kết đúng lúc với thuế quan 0% trên hàng hóa xuất đi từ Việt Nam đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng bất ngờ, góp vào tăng trưởng dương gần 3 điểm phần trăm.
Cờ Việt Nam tung bay khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. |
Chia sẻ trách nhiệm quốc tế
Đầu năm 2013, tôi tham gia trao đổi trên truyền hình HTV về vấn đề nhân quyền và nhiều khán giả còn lo ngại đó là vấn đề “khá nhạy cảm”. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, ngày12/11/2013, Việt Nam được bầu vào Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất. Chính sách đa phương, đa dạng hóa, là bạn của tất cả thực tế đã bác bỏ những cái gọi là “nhạy cảm” của di sản quá khứ, trả lại cho chúng ta sự tự tin đủ để cùng cộng đồng quốc tế gánh vác các trọng trách của tương lai nhân loại. “Việt Nam mong muốn tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa 2014-2016 để đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức tuyên bố.
Nhìn lại tiến trình đổi mới và từng bước hội nhập trong hơn 35 năm, từ việc tham gia khu vực ASEAN, không ngừng mở rộng và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới, cho đến tham gia các diễn đàn đa phương, và gần đây nhất đảm trách vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA), Việt Nam đã thực sự vươn ra biển lớn.
Hình ảnh các sĩ quan Việt Nam trong đội quân mũ nồi xanh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Phi châu xa xôi là minh chứng cho Việt Nam là một đất nước, không phải là một cuộc chiến tranh (Vietnam War). Cuối năm 2020, Việt Nam bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách “thao túng tiền tệ”, ngay lập tức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump và chính ông Trump đã nói: Sẽ yêu cầu cơ quan chức năng của Hoa Kỳ xem xét. Không có tự tin về chính sự chân thành của mình, Việt Nam sẽ không giải quyết theo cách đó.
Việt Nam là thành viên Hiệp định đa phương CPTPP |
COVID-19 làm thế giới quay lại dân túy, có nghĩa “bàn tiệc lớn của chủ nghĩa đa phương” sẽ chỉ còn một món ăn. Vâng, COVID-19 làm nhiều thứ mất đi, và tạo ra các “bình thường mới”, trong đó “đa phương, đa dạng và bạn của tất cả” vẫn mới. Điều này, một lần nữa, cho thấy tầm nhìn của quyết sách đối ngoại đa phương, đa dạng và là bạn của tất cả của Việt Nam vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, là đúng đắn và chịu được thử thách nghiêm trọng của thế kỷ 21 và đã vượt qua thử thách.
Sự khác nhau giữa chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông Biden với ông Trump là sự nhấn mạnh của ông Biden vào chủ nghĩa đa phương và tầm quan trọng của các liên minh. Dự kiến Hoa Kỳ dưới thời ông Biden sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ toàn diện với Việt Nam.
Trong khi đó, các nền kinh tế trong khối G7 như Pháp, Đức, đặc biệt 3 nước trong Tứ giác kim cương: Nhật, Australia, Ấn độ luôn đánh giá cao vai trò Việt Nam ngay từ khi Việt Nam mới mở cửa vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Thủ tướng Australia vừa rồi mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện, là một chỉ dấu cho thấy sự tươi mới của chính sách “đa phương, đa dạng hóa, là bạn của tất cả…”.
Các nước giàu dầu mỏ trong khối Ả rập Trung Đông và Israel đang có nhiều nỗ lực tiếp cận Việt Nam theo hướng chiến lược.
COVID-19 không thể đánh bại chủ nghĩa đa phương và hữu nghị. Trái lại, các chiến dịch chống dịch bệnh toàn cầu cho thấy không liên kết nhau, nhân loại không thể phòng chống dịch. Chỉ có tình hữu nghị chân thành mới kêu gọi tình bạn chân thành. Việt Nam sẽ đi theo con đường “đa phương, đa dạng hóa và làm bạn với tất cả…” để đi đến hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc./.
Trần Ngọc Châu
Xuân Tân Sửu