Ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 qua hồi ức của nhân chứng nước ngoài
Thiếu tá Archimedes L.A Patti nguyên là trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS, đóng tại Trung Quốc. Tháng 8/1945, sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng, ông là trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ vào Bắc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải cứu các tù binh Đồng Minh bị quân Nhật bắt giữ và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu) |
Theo thông tin trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trước ngày Lễ Độc lập, chính L.A.Patti là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem và trao đổi ý kiến về nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo. Ngày 2/9/1945, cùng với nhóm công tác của mình, L.A.Patti đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình và đã miêu tả một cách chi tiết, sinh động và hấp dẫn về sự kiện lịch sử này trong những trang viết của thiên hồi ký “Why Việt Nam?” (Tại sao Việt Nam):
Ông Archimedes L.A.Patti (1913-1998). |
"Ông Hồ đứng yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay thành nổi tiếng của ông với những lời: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe lấy từng lời", ông L.A.Patti viết.
Dù không hiểu thật sự rõ ràng toàn bộ lời Hồ Chủ tịch nói trên lễ đài ngày hôm đó nhưng L.A.Patti nhận định: "Cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là những lời của ông đã thấu tới quần chúng".
Theo báo Dân Việt, tham dự ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình còn có viên thiếu tá của OSS (Cục Tình báo Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) là Allison Thomas, cùng đội Con Nai (Deer) đã nhảy dù xuống chiến khu của Việt Minh và cùng đoàn Giải phóng quân của Việt Minh từ Tuyên Quang về Hà Nội. Ngoài ra, còn có đại diện của Liên Xô bên cạnh quân đội Đồng Minh tại Việt Nam là Stéphane Solosieff; đại diện quân đội Trung Hoa Dân quốc có mặt trước khi đội quân của tướng Lư Hán sang giải giáp quân Nhật; nhóm đại diện quân đội nước Pháp tự do của tướng De Gaule do ông Jean Sainteny dẫn đầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Jean Sainteny năm 1946. (Ảnh: Getty) |
Trong cuốn hồi ký "Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ" xuất bản năm 1954, ông Jean Sainteny kể lại: "Ngày 2/9 là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quá trình nắm chính quyền của Chính phủ Cách mạng Việt Minh. Một lễ mít tinh khổng lồ trong “Ngày Độc lập” được loan báo từ trước, coi như điểm chủ chốt trong hàng loạt sự kiện tiếp theo”.
Ông miêu tả: “Trên bục gỗ cao dựng lên trong công viên Puginier (tên thời thực dân Pháp, đã được đổi tên thành Vườn hoa Ba Đình), trước hàng vạn người, một loạt diễn giả đã phát biểu bằng những lời lẽ mạnh mẽ theo các mức độ khác nhau.
Lần lượt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu rồi Hồ Chí Minh mà ngay hôm đó quần chúng nhân dân được biết đây chính là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc, long trọng tuyên bố nền độc lập của Việt Nam”, vị thiếu tá tình báo viết.
Jean Sainteny cũng xác nhận trong bức điện báo cáo gửi về Côn Minh ngay sau đó, ông ước tính có vài trăm nghìn người tham dự cuộc mít tinh ngày 2/9.
“Thực ra, khó ước lượng được con số chính xác. Nhiều tỉnh đã cử đại diện về dự trong những bộ quần áo màu sắc các địa phương. Nhiều linh mục đạo Gia-tô cũng tới dự, đứng ở vị trí cao. Trật tự trong buổi diễu hành, và nhất là không thấy có những tiếng hò hét phản loạn, thù địch là một trong những biểu hiện rất đáng ghi nhận”.
Đứng trong dinh Toàn quyền, Sainteny chứng kiến đoàn diễu hành của nhân dân ở vị trí rất gần. “Những người diễu hành đi theo đại lộ Brière de l’Isle (đại lộ Hùng Vương ngày nay) ngay trước cổng dinh Toàn quyền, và chúng tôi không thấy có một cử chỉ thù địch nào hướng về chúng tôi, cũng như về phía dinh là tòa nhà tượng trưng cho chủ quyền của Pháp ở Đông Dương”.
Đặc biệt, những tường thuật của ông Sainteny có những chi tiết khá thú vị: “Phái đoàn đại diện Mỹ cũng có mặt. Hai chiếc máy bay tiêm kích Mỹ Lightning bay lượn rất lâu trên đoàn người dự mít tinh ở độ thấp. Sự kiện này được cơ quan tuyên truyền của chính phủ mới cho rằng đây là biểu hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Minh”.
Năm 1982, ông L.A.Patti trở lại Việt Nam. Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ Hà Huy Thông khi ấy phiên dịch giúp Patti. Đại sứ Hà Huy Thông kể trên báo VietNamNet: Patti vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn và ao cá, thăm nhà 48 Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập; đến số nhà 19-21 Hai Bà Trưng (nguyên là trụ sở Tổng lãnh sự quán - tài sản ngoại giao của Mỹ, nay dùng làm Câu lạc bộ Mỹ)… "Thời điểm năm 1982, cho phép một người Mỹ vào viếng không đơn giản, cần cân nhắc rất kỹ và quan trọng là phải hiểu rõ lý do vì sao họ xin vào viếng. Lúc đó, Patti nói một câu tôi nhớ mãi. Tôi nghĩ câu nói ấy đơn giản mà rất hay, có tính thuyết phục. Ông bảo: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”. Khi Patti đi vào Lăng thì thấy dòng chữ vàng nơi tiền sảnh, ông hỏi tôi chữ gì. Tôi giải thích đó là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Patti nói nghe giống Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do ngài Thomas Jefferson soạn thảo. Sau đó, ông nhấn mạnh, đây không chỉ là tư tưởng của người Mỹ, đây là giá trị chung của nhân loại và Bác Hồ đã sử dụng tinh hoa giá trị nhân loại để đúc rút thành câu ngắn gọn, súc tích như thế này", Đại sứ Hà Huy Thông kể lại. |