Ngày Giải phóng Thủ đô trong ký ức của những nhân chứng lịch sử
Với những người đã từng cầm súng bảo vệ Thủ đô thủa ấy và cả những người được đứng trong đoàn chào đón các chiến sĩ giải phóng trở về, thời khắc lịch sử đó mãi là một ký ức không quên.
Phóng viên Tạp chí Thời Đại đã có dịp được trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) – ông không chỉ đơn thuần là nhân chứng lịch sử chứng kiến thời khắc thiêng liêng của Hà Nội, mà còn là một trong những chiến sĩ công an đầu tiên được vinh dự vào Thủ đô ngay từ những ngày “tiền tiếp quản”.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an). Ảnh: Tào Đạt |
Dù đã bước sang tuổi 95, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng vẫn còn nguyên sự minh mẫn cũng như bầu nhiệt huyết của thời trai trẻ. Ký ức của những ngày lịch sử này ùa về trong câu chuyện dài mà ông dành cho chúng tôi.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cho biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Ngày 27/7/1954, Việt Nam và Pháp thực hiện ngừng hẳn tiếng súng trên tất cả các mặt trận, đó là ngày hòa bình đầu tiên sau 9 năm kháng chiến trường kỳ…
Để thi hành nghiêm túc các nội dung của hiệp định Giơ-ne-vơ, hai nước đã tổ chức hội nghị ở Trung Giã (ngoại thành Hà Nội) để bàn bạc, quyết định các điều khoản chi tiết về công tác tiếp quản Thủ đô.
Ông chia sẻ, thời điểm đó ông là cán bộ thuộc Bộ Công an quản lý, đóng quân tại an toàn khu (ATK). Một ngày khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9/1954, ông được Tổ chức gọi lên giao nhiệm vụ, biệt phái về lực lượng Công an Hà Nội, trực tiếp tham gia công tác tiếp quản Thủ đô.
Theo đó, ông và đồng đội được sắp xếp thành đội trật tự vào Thủ đô trước để tiếp quản Ty Cảnh binh thành phố, Cảnh sát quận Nhất (nay thuộc quận Hoàn Kiếm) và Quận Cảnh sát Giao thông đường bộ.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng kể rằng, sáng sớm ngày 5/10/1954, đoàn của ông tập hợp hàng ngũ chỉnh tề đi từ làng Trung Giã (huyện Sóc Sơn) qua cầu Phù Lỗ. Đầu cầu phía Hà Nội có lô cốt Pháp nhưng đoàn tiếp quản ung dung đi qua hai hàng tiêu binh của Pháp, rồi bước lên 10 chiếc xe vận tải của quân đội ta xếp hàng chờ sẵn. Phía Pháp bố trí 4 xe thiết giáp, 2 xe dẫn đầu, 2 chiếc đi sau đoàn. Trên đường vào nội thành Hà Nội, rất nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng nhớ như in cảnh cả ba trụ sở cơ quan được giao nhận chỉ còn là những phòng trống rỗng với vài bộ bàn ghế đã gãy, còn lại tất cả đều bị tháo dỡ mang đi hết. Chiều 9/10/1954, viên Thanh tra Cảnh sát Pháp ký bàn giao và tiếp nhận với lực lượng của ta. Cuối cùng, ông Nguyễn Quang Phòng và các chiến sĩ của ta cũng đòi Thanh tra Cảnh sát Pháp trả lại chiếc xe Citroen là tài sản của Quận Cảnh sát Giao thông đường bộ.
Trong sáng 10/10/1954, cảnh sát Pháp và quân đội Pháp quan sát việc rút quân của họ, có quy định cụ thể từng giờ quân đội Pháp rút đi từng khu vực, từng đường phố và bao giờ cũng có một đường phố đệm để ngăn cách sự chạm mặt của quân đội Pháp và quân đội Việt Nam.
Cũng trong sáng hôm ấy, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháp binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quân ta đã trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu |
Khi các cánh quân tiến vào từ 5 cửa ô, đã có 20 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng đón những đoàn quân chiến thắng trở về. Đến 15h cùng ngày, nhân dân cùng các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố đã dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức.
Khi nhắc lại những câu chuyện này, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cho hay: “Tôi cảm thấy thật sự xúc động khi mình vinh dự là một trong những chiến sĩ Công an đầu tiên được tiếp quản Thủ đô và chứng kiến tận mắt rừng cờ hoa ngày ấy”.
“Đa phần các gia đình ở Hà Nội đều có người thân tham gia kháng chiến, cho nên ngày đoàn quân trở về được người dân đặc biệt chờ đợi. Khi quân ta tiến vào Thủ đô, người dân đã đổ ra khắp mọi ngả đường để chào đón. Đó là phần chung, cái riêng của họ là đón chồng con mình đi kháng chiến trở về”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng nói.
Còn đối với nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm, ký ức về ngày Hà Nội rợp sắc cờ hoa năm đó luôn là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Ở tuổi 99, ông bồi hồi nhắc lại: "Khi đoàn quân tiến vào tiếp quản, người dân thành phố từ trong nhà đã mở cửa chạy ra đường chào đón. Khi đó, trên gương mặt ai cũng tỏ rõ niềm vui vì từ nay chúng ta đã được làm chủ”.
Ông Đạm cho biết, trước khoảng hai ngày khi Hà Nội được giải phóng, người dân trong thành phố đã bắt đầu âm thầm chuẩn bị cờ hoa để mừng chiến thắng.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thời Đại về những ngày tháng 10/1954. Ảnh: Tào Đạt |
Vượt qua cuộc chiến chống Covid-19, sẵn sàng phát triển trong giải đoạn "bình thường mới"
67 năm đã trôi qua, dù Hà Nội phải trải qua thêm cuộc chiến tranh chống Mỹ với những đau thương, mất mát và bị tàn phá nặng nề do bom đạn nhưng với tinh thần của người Hà Nội và sự ủng hộ của nhân dân cả nước hướng về, Thủ đô hôm nay đang ngày càng phát triển với những thành tự nổi bật về mọi mặt, xứng đáng là Thủ đô anh hùng.
Điều này được minh chứng qua các con số tăng trưởng trên địa bàn trong những năm qua. Ngoài ra, thành phố hiện tại cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế, duy trì sự phát triển nhanh, bền vững.
Hà Nội ngày càng được xây dựng đẹp hơn, xưng đáng là thành phố phát triển, sáng tạo. |
Tính riêng trong 9 tháng năm 2021, thành phố đã trải qua 2 giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 24/7, toàn thành phố phải trải qua 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tình hình sản xuất, kinh doanh bị tác động tiêu cực, nhiều hoạt động bị đình trệ,...
Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc một cách đồng bộ, với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, quyết tâm chiến đấu, kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kép là “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội” và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân.
Trên cơ sở đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn ở thời điểm hiện tại về cơ bản đã được kiểm soát, thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”, kinh tế bắt đầu có điều kiện phục hồi.
Nhiều thách thức là vậy, nhưng kết quả 9 tháng năm nay, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội ước đạt tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm tăng 5,85%; quý 3 giảm 7,02%).
Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Nội trong 9 tháng năm 2021 ước thực hiện 176,7 nghìn tỷ đồng, đạt 75% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao) và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Chi ngân sách 9 tháng năm nay ước thực hiện 44,3 nghìn tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán và bằng 91,3% cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, một số ngành kinh tế của thành phố vẫn duy trì tăng trưởng, cụ thể: Tài chính, ngân hàng tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; thông tin và truyền thông tăng 6,34%; khoa học công nghệ tăng 5,54%; giáo dục và đào tạo tăng 4,26%; thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng mạnh 28,13%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt. CPI tháng 9 giảm 0,6% so với tháng 8 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng 1,54% (9 tháng năm 2020 tăng 3,3%).
Được biết, trong Nghị quyết số 05-NQ/TU mới ban hành về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội”, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng vạch rõ 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025, gồm: Kịch bản cơ sở là phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 7,5% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; kịch bản 2 là phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 6,5-7%, đã bám sát thực tiễn và khả năng diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Nhìn lại hình ảnh ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 Ngày 10/10/1954 đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra một thời kỳ mới, vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Dù đã cách xa 66 năm nhưng thời khắc hào hùng ấy còn vang mãi trong lòng người dân Hà Nội. |
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 Nhằm hướng tới các sự kiện lớn sắp diễn ra như: Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, các con phố được trang hoàng, rực rỡ. |
'Tiến về Hà Nội' - Bài hát 'tiên tri' ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 "Tiến về Hà Nội" ra đời trước 5 năm ngày thủ đô Hà Nội được giải phóng hoàn toàn. Bản hào hùng ca của nhạc sĩ Văn Cao được coi là 'lời tiên tri" khi những ca từ trùng khớp ngẫu nhiên với những gì diễn ra vào ngày 10/10/1954 sau đó. |