Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại
Tại Tọa đàm "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam" tổ chức vào ngày 14/6 vừa qua, đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị một số địa phương đã chia sẻ những khó khăn đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp trong đó tập trung vào đề xuất đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ. Thời Đại ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu.
Bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải An |
Bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội: Cần ngoại ngữ để người dân nước bạn hiểu thông tin của chúng ta nhanh nhất
Với vai trò là một đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối thông tin về đối ngoại nhân dân của Thủ đô, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội luôn xác định công tác thông tin đối ngoại là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, trước hết cần chú trọng tăng cường các sản phẩm và kênh thông tin bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh và ngôn ngữ của các nước láng giềng để người dân các nước có thể tiếp cận được thông tin của chúng ta một cách nhanh nhất.
Thứ hai, cần đa dạng hóa, linh hoạt hóa phương thức thông tin theo hướng tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin điện tử có khả năng lan tỏa thông tin nhanh nhất, rộng rãi nhất.
Thứ ba, cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nội dung các sản phẩm thông tin theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng các tin, bài, đồng thời chọn lọc, sưu tầm các tin, bài viết có giá trị từ các nguồn đáng tin cậy để chia sẻ, cung cấp cho cộng đồng.
Thứ tư, cần đổi mới cách xây dựng, trình bày vấn để để đảm bảo tính chân thực, khách quan, có sức thuyết phục, phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin. Nghiên cứu khả năng huy động các chuyên gia, bạn bè quốc tế tham gia việc xây dựng các sản phẩm thông tin đối ngoại về Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục; tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác thông tin đối ngoại; phát triển các kênh thông tin đối ngoại chủ lực và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại bằng nhiều hình thức. Chủ động nắm tình hình, tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các địa phương, tỉnh, thành phố của các nước, các tổ chức quốc tế. Đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả với các đối tác đã có quan hệ hợp tác nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ đội ngũ cán bộ, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Bà Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế: Thông tin mới chủ yếu được thực hiện bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh
Nguồn ngân sách phân bổ cho công tác thông tin đối ngoại còn khiêm tốn (khoảng 25 triệu/năm) nên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu sử dụng các nền tảng truyền thông miễn phí, hiệu quả của công tác thông tin còn hạn chế, chưa khai thác được lợi thế của đầy đủ các kênh thông tin để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện tốt các nhiệm vụ về thông tin đối ngoại.
Do hạn chế về biên chế, đơn vị không thể bố trí cán bộ chuyên trách về công tác thông tin đối ngoại. Hơn nữa, các chuyên viên chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, kỹ thuật truyền thông, thông tin đối ngoại nên việc sử dụng các phương tiện truyền thông chưa thực sự hiệu quả và việc cung cấp thông tin mới chủ yếu được thực hiện bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh.
Hoạt động kết nối, trao đổi thông tin liên quan đến các lĩnh vực, vấn đề nhạy cảm giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thừa Thiên Huế và các hội hữu nghị đôi lúc, đôi nơi chưa được thông suốt, thường xuyên, kịp thời và chủ động. Điều này tạo ra một số lúng túng cho địa phương trong phát ngôn chính thức và trong công tác thông tin đối ngoại nói chung.
Bà Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải An |
Đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng thông tin đối ngoại cho cán bộ, viên chức các Liên hiệp hữu nghị địa phương, thông qua đó trao đổi, cập nhật về các định hướng đối ngoại, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đối ngoại và thông tin đối ngoại.
Đề nghị Ban Thông tin đối ngoại (trực thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) và các hội hữu nghị song phương Trung ương thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin với các Liên hiệp hữu nghị địa phương và các hội hữu nghị cấp tỉnh/thành để tăng cường kết nối, cập nhật tình hình để địa phương chủ động chia sẻ thông tin với các đối tác quốc tế, tránh tình trạng ô nhiễm và nhiễu loạn thông tin do tác động của các kênh mạng xã hội phi chính thức.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì trong việc tổng hợp, chia sẻ thông tin cho các Liên hiệp hữu nghị địa phương bằng các thứ tiếng khác, ngoài tiếng Việt và tiếng Anh, để các Liên hiệp địa phương có thể tiếp cận và chuyển tiếp, chia sẻ thông tin cho nhiều đối tác khác nhau.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: DAFO |
Ông Phạm Hữu Hoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng: Mong được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng có trang thông tin điện tử riêng, được UBND thành phố cấp phép hoạt động, với hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, chúng tôi đã mời được hai bạn người Anh và người Mỹ giúp hiệu đính phần tin, bài tiếng Anh nên rất thuận lợi trong công tác biên dịch.
Thời gian qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan truyền hình Trung ương và địa phương xây dựng các phóng sự về quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Liên hiệp Đà Nẵng cũng rất thành công trong việc thu hút, lôi cuốn bạn bè quốc tế vào công tác thông tin đối ngoại bằng những hành động thiết thực, ‘‘người thật, việc thật’’. Nhiều tình nguyện viên quốc tế sau thời gian làm công tác xã hội tại Đà Nẵng trở về nước đã thực sự trở thành cầu nối hữu hiệu cho tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác phát triển giữa nhân dân nước sở tại với nhân dân Đà Nẵng.
Tuy nhiên, công tác thông tin đối ngoại tại Đà Nẵng còn nhiều khó khăn: nguồn nhân lực còn mỏng, cán bộ làm công tác tuyên truyền phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn dẫn đến quá tải, ngân sách cấp cho hoạt động thông tin đối ngoại còn hạn chế...
Đề nghị các cấp quan tâm chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để công tác thông tin đối ngoại ngày càng hiệu quả.