Mỹ "vạch mặt" Giáo sư Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại
Mỹ, Trung Quốc bất ngờ thông báo nối lại đàm phán về Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 |
Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 chưa được phê duyệt |
Ông Zhang, 41 tuổi, Giáo sư tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) bị buộc tội từ năm 2015 trong chiến dịch truy bắt các đối tượng người Trung Quốc có hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Ông Zhang đã thông đồng với một đồng nghiệp tại Đại học Nam California để đánh cắp và bán các bí mật của Mỹ cho chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Zhang bị bắt giữ hồi tháng 5/2015 khi ông đáp chuyến bay từ Trung Quốc tới Los Angeles, Mỹ để dự một hội nghị. Theo bản án ban đầu của tòa, Zhang đối mặt với mức án 15 năm tù vì hành vi gián điệp kinh tế và 10 năm tù vì hành vi đánh cắp bí mật thương mại.
Các công tố viên cho biết Zhang đã đánh cắp bí mật từ hai công ty tại Mỹ gồm Skyworks Solutions có trụ sở tại Woburn, Massachusetts và Avago Technologies có trụ sở tại San Jose, California. Cả hai công ty này đều phát triển công nghệ được sử dụng trong các hệ thống quân sự.
Giáo sư Trung Quốc Hao Zhang (đeo kính). Ảnh: Bloomberg |
Zhang bị cáo buộc đánh cắp công nghệ điện thoại di động FBAR - công nghệ giúp điện thoại di động và các thiết bị khác lọc tín hiệu radio, tăng hiệu suất hoạt động.
Trong thời gian lấy bằng tiến sĩ về kỹ sư điện tại Đại học Nam California, Zhang đã gặp Wei Pang. Tại đây, cả hai đã nghiên cứu về công nghệ âm thanh để hạn chế tình trạng can thiệp trong điện thoại di động và làm cho thiết bị này trở nên an toàn hơn.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2006, Zhang nhận một công việc ở Skyworks, trong khi Pang được nhận vào làm ở Avago.
Sau khi cả 2 người trở về Trung Quốc và trở thành giáo sư tại Đại học Thiên Tân, một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc về công nghệ, họ bắt đầu “mổ xẻ” các bí mật đã đánh cắp được. Hai người sau đó cùng các đồng sự mở một công ty tại Thiên Tân để sản xuất FBAR dập theo công nghệ ăn cắp được.
Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, nhóm người này đã lên kế hoạch hành động từ hơn 10 năm trước. 5 công dân Trung Quốc khác bị truy tố cùng ông Zhang đến nay vẫn chưa bị bắt.
Zhang và Pang sau đó tìm cách lấy bằng sáng chế tại Mỹ và Trung Quốc, trước khi bán công nghệ cho chính phủ và quân đội Trung Quốc thông qua một công ty “ma” ở quần đảo Cayman.
Tại phiên xét xử ngày 31/8, Thẩm phán Edward Davila yêu cầu Zhang trả 477.000 USD để bồi thường cho 2 nạn nhân là 2 công ty công nghệ và đề nghị đưa giáo sư này tới một nhà tù ở bang California.
Daniel Olmos - một trong những luật sư của Zhang, từ chối bình luận về bản án.
Phía Trung Quốc cũng không đưa ra các phát ngôn nào liên quan tới vụ việc.
Được biết, chiến dịch bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Barack Obama và tiếp tục kéo dài tới thời Tổng thống Donald Trump với mục tiêu hướng đến là các nhà khoa học và học giả Trung Quốc đang thực hiện công tác nghiên cứu tại Mỹ.
Ở động thái liên quan mới nhất, trong một thông cáo báo chí đưa ra ngày 28/8, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, giới chức nước này cũng vừa bắt giữ công dân Trung Quốc Haizhou Hu - nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia với cáo buộc xâm nhập máy tính và đánh cắp bí mật thương mại vượt thẩm quyền cho phép.
Hiện vụ việc đang được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiếp tục điều tra.
Chính quyền Mỹ còn nhiều "bài" để sẵn sàng chống Trung Quốc trên mọi mặt trận |
Mỹ khẳng định lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là “ổ gián điệp khổng lồ” đánh cắp tài sản trí tuệ |