Mỹ thay đổi cách tiếp cận châu Á với ba trụ cột: Kinh tế, quản trị và an ninh
Tại buổi thuyết trình. |
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” khi đề cập tới châu Á, thay cho cụm "châu Á - Thái Bình Dương" hoặc "châu Á" vốn được sử dụng trong suốt thời gian dài.
Cách tiếp cận mới của Mỹ đối với châu Á không chỉ được thể hiện ở tên gọi mà còn được thể hiện rõ nét trong buổi thuyết trình về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas trình bày tại Hà Nội hôm 3/4, do Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân (VPDS-thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á, ông Walter Douglas cho hay đây là khu vực chiếm gần một nửa dân số thế giới, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là thị trường lớn nhất trên thế giới. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển và đang trên đà phát triển như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc là những nhân tố chủ chốt cho khu vực. Bên cạnh đó, các tuyến đường biển nhộn nhịp là yếu tố then chốt để để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế tại tiểu khu vực này và cả trên thế giới.
Bởi vậy, cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba trụ cột chủ chốt gồm kinh tế, quản trị và an ninh.
Trong trụ cột kinh tế, Mỹ đang tiến hành cách tiếp cận có sự tham gia của toàn bộ chính phủ các nước nhằm thúc đẩy thương mại công bằng và có đi có lại, tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại cùng với tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất và tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của nước sở tại, cũng như huy động đầu tư khu vực tư nhân cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong trụ cột quản trị, Mỹ cam kết hợp tác với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong việc tạo ra những điều kiện cần thiết nhằm mở cửa cho nguồn đầu tư tư nhân lớn hơn, chống tham nhũng và đảm bảo quyền tự quyết của các quốc gia, không chịu sự cưỡng ép của nước ngoài, thúc đẩy minh bạch hóa, công khai, pháp quyền và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Trong hai trụ cột kể trên, Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (ADB) ước tính khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cần 1,7 ngàn tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng mỗi năm. Ước tính còn khoảng 50.000 ngàn tỷ USD nhàn rỗi trong các định chế tài chính quốc tế tại Hong Kong, London, New York. Mỹ đang muốn huy động các doanh nghiệp tư nhân và các định chế tài chính đầu tư nhiều hơn vào khu vực Ấn - Thái.
Ông Douglas nhấn mạnh các công ty Mỹ muốn đầu tư vào khu vực một cách minh bạch, rõ ràng, và mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nhận đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm dựa trên mô hình kinh tế thị trường tự do. Năm 2017, Mỹ rót 960 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Năm 2018 con số này tăng lên hơn 1 ngàn tỷ USD. Đến nay chưa có quốc gia nào đầu tư vào khu vực này nhiều hơn Mỹ. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore nhận được phần đầu tư nhiều nhất.
Ông cũng đánh giá FDI của Mỹ vào Việt Nam (khoảng 1,5 tỷ USD) và Phillippines (dưới 6 tỷ USD) vẫn đang ở mức thấp.Trong khi đó, Thái Lan nhận được 15 tỷ USD, còn Singapore hơn 260 tỷ USD. Mục tiêu của Mỹ là trong thời gian tới, mức FDI vào Việt Nam ít nhất phải cao bằng Phillippines, và các nước khác cũng phải cao hơn. Tất cả các quốc gia khu vực nhận được vốn FDI của Mỹ theo hướng tăng dần.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas tại buổi thuyết trình. |
Trong trụ cột an ninh, Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối đầu với những mối đe dọa chung, bảo vệ những nguồn lực chung và bảo vệ chủ quyền. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện hải quân ở khu vực này. Năm 2020, Mỹ dự kiến sẽ đưa 2/3 lực lượng hải quân ở các khu vực khác đến châu Á - Thái Bình Dương. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây đã có từ lâu, nhưng điểm khác của chiến lược này là Mỹ sẽ giành ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng. Cụ thể, tăng cường các hoạt động cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và gìn giữ hòa bình. Trong đó, phải kể đến Việt Nam và Phillippines là 2 quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm, ông Douglas nhấn mạnh.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết 3 lĩnh vực và các doanh nghiệp Mỹ sẽ tập trung vốn đầu tư vào khu vực trong thời gian tới gồm kinh tế số, năng lượng và hạ tầng. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng muốn tạo ra môi trường hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư Mỹ vào 3 lĩnh vực nêu trên.
Ông Douglas nhấn mạnh ưu tiên của Mỹ vẫn là xây dựng một khu vực hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, tự do và tôn trọng lẫn nhau. Để thực hiện điều này, Mỹ xem việc thúc đẩy quan hệ và xây dựng năng lực với các đồng minh, đối tác trong khu vực là ưu tiên hàng đầu.
Xem thêm
Sau thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: Lo bom hẹn giờ từ "mơ hồ ngoại giao" (TĐO) - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội vừa qua bị chi phối bởi sự mơ hồ về định nghĩa phi ... |
Đại sứ Mỹ Kritenbrink thăm Nghệ An, Hà Tĩnh Trong hai ngày 14-15/3, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại ... |
Báo Mỹ gọi tên Đà Nẵng trong danh sách điểm đến năm 2019 TĐO - Mới đây, Đà Nẵng lên hạng đứng vị trí 15 trong danh sách 52 điểm đến do báo Mỹ bình chọn. Bên cạnh ... |
Tập đoàn T&T Group và đối tác Mỹ dự kiến đầu tư gần 6 tỷ USD cho dự án khí hóa lỏng TĐO-Ngày 5/3/2019, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn T&T Group và đối tác là Công ty Gen X Energy (Mỹ) đã có ... |