Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đón nhận cuộc cách mạng thành phố thông minh như thế nào?
Ở Singapore, các cột đèn có mặt ở khắp nơi sẽ không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chỉ đường cho lái xe. Chúng đang trở thành kho tàng lưu trữ dữ liệu. Quốc gia này đang hướng tới sử dụng cột đèn làm cảm biến để thu thập tất cả thông tin từ nhiệt độ, tốc độ gió, thậm chí ghi lại và nhận dạng mặt của người đi bộ trên đường.
Đây là sáng kiến mới nhất trong một loạt các chính sách được triển khai nhằm hỗ trợ tầm nhìn Smart Nation (Quốc gia thông minh) – phiên bản kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Singapore. Mục đích của kế hoạch này là tích hợp công nghệ vào cuộc sống hằng ngày.
Điều đáng nói là Singapore không phải ví dụ duy nhất. Trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các thành phố đang tìm cách sử dụng cảm biến, phân tích dữ liệu, và trí thông minh nhân tạo để tạo ra môi trường đô thị sống và hít thở công nghệ.
Đầu tư thông minh hơn
8 thành phố châu Á nằm trong top 20 chỉ số thành phố thông minh toàn cầu năm 2017 theo nghiên cứu của Juniper, bao gồm: Singapore (1), Seoul (6), Tokyo (8), Melbourne (10), Wuxi (17), Yinchuan (18), Bhubaneswar (19) và Hangzhou (20). Chỉ số này dựa trên 4 lĩnh vực: tính di động, chăm sóc sức khỏe, an toàn và năng suất.
Chi tiêu công nghệ toàn cầu cho các sáng kiến thành phố thông minh được dự báo sẽ đạt 80 tỷ USD trong năm 2018. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 135 tỷ USD vào năm 2021, theo International Data Corporation (IDC). Châu Á chiếm phần lớn nhu cầu này, trong đó các thành phố ở châu Á – thái Bình Dương dành riêng 63,4 tỷ USD cho các thành phố thông minh.
Thay đổi không gian đô thị
Tại sao châu Á đang dẫn đầu về đô thị thông minh? Có một điều chắc chắn rằng đô thị hóa trong khu vực sẽ xảy ra với một quy mô chưa từng có trong vòng 20 năm tới.
Đến năm 2030, hơn 550 triệu người dự kiến sẽ chuyển đến các thành phố ở châu Á – Thái Bình Dương, nơi họ sẽ chiếm hơn 85% tổng sản phẩm quốc nội và tăng tỷ lệ dân số đô thị lên khoảng 44%.
Các thành phố thông minh sở hữu nhiều công nghệ có thể giúp các trung tâm đô thị thích nghi với các không gian sống giới hạn, quản lý tiêu thụ năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường.
Xây dựng các thành phố sẵn sàng cho tương lai dựa vào công nghệ
Tokyo và Seoul là 2 trong số 4 thành phố toàn cầu lớn ở châu Á đang chuyển sang sử dụng công nghệ thành phố thông minh để cải thiện chất lượng cuộc sống và các vấn đề môi trường.
Ví dụ, một trong những sáng kiến thành phố thông minh của Seoul tập trung vào chăm sóc người cao tuổi do tỷ lệ dân số già hóa nhanh chóng của Hàn Quốc. Chiến lược “sức khỏe phổ cập” cho phép người cao tuổi tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà thông qua các thiết bị thông minh được kết nối internet như thiết bị cảm biến và giám sát.
Chúng hỗ trợ cảnh báo nhân viên y tế về những người cao tuổi khi họ rơi vào tình trạng cấp cứu, giảm thời gian cần thiết để giúp đỡ họ. Tất cả điều này là khả thi nhờ các mạng lưới cơ sở hạ tầng ICT và mạng cáp quang rộng lớn sẵn có.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững, Tokyo đang sở hữu các tiềm năng về công nghệ và bất động sản để dẫn đầu về các giải pháp năng lượng bền vững, và chiến lược thành phố thông minh tập trung chủ yếu vào cải thiện an ninh và hiệu quả năng lượng.
Kể từ năm 2010, Tokyo đã giới thiệu chương trình đầu tư và thương mại đầu tiên cho các cơ sở vật chất quy mô lớn như tòa nhà văn phòng. Và chính quyền Tokyo đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% khí thải nhà kính đồng thời khai thác các sáng kiến như Trí tuệ nhân tạo và Internet Vạn vật để đạt mục tiêu đầy tham vọng – trở thành thành phố không khí thải trong tương lai.
Jeremy Kelly, Giám đốc nghiên cứu của JLL, cho biết: “Các thành phố của châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục trải qua những thay đổi với tốc độ phi thường. Sự tăng trưởng nhanh như vậy dẫn đến các vấn đề như quá tải cơ sở hạ tầng, hạn chế khả năng chi trả và suy thoái môi trường. Để duy trì tăng trưởng dài hạn, các thành phố châu Á – Thái Bình Dương sẽ phải tập trung vào kiểm soát tương lai thông qua cải thiện điều kiện sinh sống cũng như cơ sở hạ tầng vật chất và công nghệ.”
Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng hệ thống trong khu vực. Khi ngày càng nhiều các thành phố khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục tăng cường cơ sở hạ tầng thành phố thông minh, các công ty sẽ dễ dàng triển khai các ứng dụng công nghệ mới hơn. Nhờ đó, nhà cửa, không gian làm việc và môi trường sống trong khu vực sẽ tốt hơn, xanh hơn và hiệu quả hơn.
K Nguyễn