Sau thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: Lo bom hẹn giờ từ "mơ hồ ngoại giao"
Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AP |
Sự mơ hồ trong ngoại giao tự nó không phải là một chiến thuật thắng hay thua, mà là một công cụ mà các nhà đàm phán có thể sử dụng cách này hay cách khác.
Ngay cả trước khi nó bắt đầu, rõ ràng hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lịch sử ở Hà Nội vào tháng 2 vừa qua bị chi phối bởi sự mơ hồ: về định nghĩa của phi hạt nhân hóa, về việc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Căng thẳng tái xuất
Cũng tự nhiên thôi khi các nhà quan sát phàn nàn về quá nhiều sự mơ hồ trong chính sách, đặc biệt là khi nói đến Triều Tiên. Những phàn nàn này đã gây áp lực lên chính quyền Trump phải có chính sách cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, những điểm mơ hồ này không nên được coi là đại diện của các cuộc đàm phán bế tắc: sự mơ hồ trong định nghĩa về phi hạt nhân hóa hoặc các biện pháp đối ứng, miễn là chúng đang được thực hiện, buộc cả hai bên phải sử dụng nghệ thuật ngoại giao để đàm phán.
Tất nhiên, cũng có nguy cơ dẫn đến căng thẳng tái xuất hiện.
Trong lịch sử đàm phán hạt nhân của Triều Tiên có một ví dụ tích cực và tiêu cực về sự mơ hồ ngoại giao.
Vào 19/9/2005, cuộc đàm phán sáu bên (Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) đã kết thúc hai năm đàm phán về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên: điểm khó khăn cuối cùng nằm ở việc năm nước còn lại có cung cấp lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên hay không.
Triều Tiên đã kịch liệt yêu cầu điều đó và Hoa Kỳ không có ý định thừa nhận.
Các đại diện từ sáu quốc gia gần như đã đồng ý về một dự thảo thỏa thuận, lại không đồng ý về điểm này. Một trong những vấn đề lớn nhất thời bấy giờ, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, có thể đã được giải quyết nếu vấn đề lò phản ứng nước nhẹ được thống nhất.
Ở giai đoạn cuối cùng của cuộc thương lượng dài và mệt mỏi đó, các nhà đàm phán đã khai thác yếu tố mơ hồ, như hai câu sau: Triều Tiên tuyên bố rằng họ có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình. Các bên khác bày tỏ sự tôn trọng và đồng ý thảo luận, vào một thời điểm thích hợp, về việc cung cấp lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên.
Cuộc thảo luận đó đã không bao giờ diễn ra. Tuy nhiên, yếu tố mơ hồ trong ngoại giao đã thúc đẩy các nhà đàm phán hướng tới một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, đôi khi, nó có thể tạo ra một cuộc xung đột hoàn toàn mới.
Thỏa thuận Leap Day (Ngày nhuận) là một ví dụ điển hình. Vào 29/2/2012, Triều Tiên và Hoa Kỳ đã thông qua một thỏa thuận mới về phi hạt nhân hóa.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) vào ngày hôm đó, Triều Tiên đã “đồng ý cấm thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và hoạt động làm giàu uranium tại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, và cho phép thanh sát viên IAEA xác minh trong khi các cuộc đối thoại hiệu quả vẫn tiếp tục.
Từ “tên lửa” là điểm tranh chấp giữa hai bên. Hoa Kỳ tuyên bố rằng cụm từ đó bao gồm tên lửa không gian, bởi vì họ sử dụng công nghệ tên lửa, trong khi Triều Tiên lập luận rằng tên lửa không gian với mục đích hòa bình chưa bao giờ là một phần của thỏa thuận.
DPRK tuyên bố thực hiện lại các vụ phóng tên lửa chỉ 16 ngày sau đó và tiến hành thử nghiệm sau khoảng một tháng. Thỏa thuận sụp đổ, và tình hình an ninh của bán đảo Triều Tiên xấu đi. Vì vậy, sự mơ hồ đã biến thành một quả bom hẹn giờ.
Còn từ sau thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội, tình báo Hàn Quốc vừa cảnh báo Triều Tiên có thể xúc tiến một vụ phóng thử từ bãi phóng vệ tinh Sohae (bãi thử Dongchang-ri), xuất phát từ lý do cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không có thỏa thuận, làm Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tức giận.
Sự mơ hồ ngoại giao tự nó không phải là một điều xấu hay tốt. Nó chỉ là một phần thông thường của quá trình đàm phán, giống như một khối băng trước nhà điêu khắc. Điều quan trọng là hai bên quyết định điêu khắc cái gì.
Vô vàn định nghĩa
Định nghĩa phi hạt nhân hóa là một trong những khái niệm mơ hồ nhất tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội.
Phía Mỹ luôn tin rằng ý nghĩa của cụm từ này là rõ ràng: Tổng thống Donald Trump, theo Reuters, đã yêu cầu Chủ tịch Kim Jong Un cung cấp một tuyên bố toàn diện về chương trình hạt nhân của mình, cho phép các thanh sát viên Hoa Kỳ và quốc tế toàn quyền thanh tra, loại bỏ tất cả cơ sở hạ tầng hạt nhân, bàn giao tất cả vũ khí hạt nhân và chuyển giao tất cả các nhà khoa học và kỹ thuật viên của chương trình hạt nhân.
Phía Triều Tiên lại hiểu định nghĩa phi hạt nhân hóa theo hai mặt: loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và loại bỏ mối đe dọa hạt nhân cũng trên bán đảo này.
Tuy nhiên, không dễ để hiểu những mối đe dọa đó là gì và những biện pháp nào nên được áp dụng. Đôi khi, Triều Tiên yêu cầu Hoa Kỳ rút một loạt các loại vũ khí hạt nhân hiện đại nhất thế giới, mà Mỹ tự gọi là "Chiếc ô hạt nhân" bảo vệ Đông Bắc Á và kêu gọi Washington không triển khai các "tài sản quân sự chiến lược" trong và xung quanh bán đảo.
Không rõ liệu Triều Tiên muốn quân đội Hoa Kỳ rút khỏi bán đảo; hay muốn Hoa Kỳ rút toàn bộ tài sản chiến lược ở Nhật Bản hay đảo Guam. Trong khi đó, "tài sản quân sự chiến lược" có thể được định nghĩa như thế nào, cũng rất đáng tranh luận.
Liệu Chủ tịch Kim Jong Un có sẵn sàng phi hạt nhân hóa hay không có lẽ là câu hỏi khó nhất đối với các chuyên gia về Triều Tiên. Một số chuyên gia tích cực cho rằng nhu cầu phát triển kinh tế có thể tạo ra một động lực hợp lý để từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Những người khác lại hoài nghi cho rằng Triều Tiên đã coi sở hữu vũ khí hạt nhân là 'vấn đề sống còn' và không thể không cần vũ khí hạt nhân.
Tại buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng Hoa Kỳ đã yêu cầu phá hủy tất cả các cơ sở liên quan đến hạt nhân trong khu vực Yongbyon.
Ông không nói liệu các cơ sở khác có tồn tại hay không, liệu chúng sẽ là một phần của các cuộc đàm phán trong tương lai hay không. Rõ ràng Triều Tiên đang sử dụng chiến thuật mơ hồ ngoại giao.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim trên bàn tiệc tối 27/2. Ảnh: Rodong Sinmun |
Khi nào lệnh trừng phạt được dỡ bỏ?
Hoa Kỳ cũng đang sử dụng một chiến thuật tương tự, nói rằng họ có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế trong khi lại không chịu tiết lộ khi nào hoặc trong những trường hợp nào thì điều này có thể diễn ra.
Rốt cuộc, Tổng thống Trump đã không nói nhiều về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Thay vào đó ông nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được duy trì cho đến khi Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa hoặc Triều Tiên sẽ có "một tương lai tuyệt vời" nếu chịu từ bỏ hạt nhân.
Chỉ hai tuần trước, cũng trong bình luận trên Twitter, Tổng thống Trump viết, “…Hôm nay, tôi đã ra lệnh rút lại những lệnh trừng phạt bổ sung đó."
Vì vậy, chúng ta khó có thể đổ lỗi cho phía Triều Tiên khi không tin vào việc Hoa Kỳ sẵn sàng dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, và tự đặt câu hỏi họ sẽ phải từ bỏ bao nhiêu để đổi lấy điều này.
Bước ra khỏi Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, Tổng thống Trump đã tạo ra một cuộc tranh luận nóng bỏng khác: Liệu quyết định đó được thúc đẩy bởi tình hình chính trị trong lòng nước Mỹ hay bởi những gì Triều Tiên hứa sẽ đưa lên bàn đàm phán?
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông đã yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhưng Triều Tiên đã từ chối – và cuối cùng Trump đã quyết định: Không có thỏa thuận nào sẽ là tốt hơn một thỏa thuận xấu.
Tuy nhiên, sau đó, ông Trump đã đổ lỗi cho phe đối lập ở quê nhà, thừa nhận rằng các vấn đề trong nước đã làm ông phân tâm, góp phần vào quyết định không thỏa thuận với Triều Tiên.
Không rõ ràng những gì cần phải cải thiện để vòng hội nghị thượng đỉnh tiếp theo thành công: mức độ sẵn sàng của Triều Tiên hay bầu không khí chính trị ở Hoa Kỳ?