Muôn vàn “quái chiêu” chiếm đoạt tiền của tội phạm công nghệ cao
Vay tiền bằng iCloud
Với nhiều người, khái niệm “Vay tiền bằng iCloud” nghe có vẻ là lạ. Song với đại bộ phận người sử dụng điện thoại di động iPhone, thì “iCloud” lại hoàn toàn dễ hiểu. Đây là hình thức bảo mật của Apple cho các thiết bị iPhone, iPad hay Apple Watch. Phải nhập đúng mật khẩu đi kèm tài khoản iCloud được lưu ở trong máy thì mới có thể sử dụng được thiết bị đó.
“Vay tiền bằng iCloud” hay “vay tiền qua iPhone” là hình thức vay tiền online giữa người vay và chủ nợ mà không cần gặp mặt. Việc giải ngân tiền nhanh đã khiến không ít người sập bẫy hình thức vay tiền này. Khoản tiền được vay phụ thuộc vào chính giá trị chiếc iPhone của người chủ sở hữu, cùng một số giấy tờ. Điện thoại iPhone càng đắt tiền, người vay càng được vay với số tiền lớn. Trên mạng xã hội, không khó để tìm được thông tin về những khoản cho vay lên đến 80-90% giá trị máy; nhưng thường thì các chủ nợ chỉ cho vay khoảng 50% giá trị máy, với số tiền từ 3-15 triệu đồng. Mục đích chính là để người vay tiếc giá trị chiếc điện thoại mà …cố gắng trả hết nợ.
Các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội bị cơ quan Công an bắt giữ. |
Khi người vay không trả tiền theo đúng hẹn, người cho vay lúc này trở thành “chủ nhân” của chiếc iPhone người vay tiền. Tính năng “Find My iPhone” được bật, người cho vay có thể tìm ra vị trí chính xác của người vay hoặc họ cũng có thể khóa iPhone từ xa lại. iPhone lúc này chẳng khác gì cục gạch. Không những thế, mọi thông tin của người vay đã được người cho vay nắm rõ khi hình ảnh, video, danh bạ được đồng bộ qua tài khoản iCloud. Người thân hoặc bạn bè của người vay có thể bị gọi điện đe dọa hoặc tống tiền giống như các mô hình cho vay “tín dụng đen” nếu như người dùng chậm thanh toán hoặc không thanh toán... Không loại trừ là bị sử dụng các thông tin cá nhân vào các hoạt động trái pháp luật.
Bên cạnh những đối tượng cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng, từng có trường hợp lợi dụng tâm lý người dùng cần vay tiền nhanh, sau khi người dùng nhập iCloud được cung cấp sẵn, các đối tượng không chuyển bất cứ một khoản tiền nào vào tài khoản mà sẽ chuyển sang phương án đòi tiền chuộc. Thực chất đây là một chiêu lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo sẽ báo mất và khóa iPhone qua iCloud, rồi đòi tiền chuộc để mở khóa. Người dùng khi ấy bắt buộc trả tiền chuộc hoặc phải đối mặt với việc iPhone bị khóa và không thể sử dụng được...
Sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng
Tháng 11 vừa qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và chỗ làm việc của đối tượng Trần Trung Đức và Nguyễn Hoàng Việt; triệu tập và làm việc với 11 đối tượng khác có liên quan hoạt động sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản theo Điều 290, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, thông qua các website, sàn giao dịch thương mại điện tử, các đối tượng đã sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, hợp thức hóa hợp đồng mua bán để chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng trái phép thông tin cá nhân của các cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tiền trợ cấp phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ các nước cho công dân nước mình đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Số tiền này được các đối tượng chuyển về các tài khoản ví điện tử, sau đó tiếp tục chuyển về các tài khoản ngân hàng của Việt Nam để chiếm đoạt.
Thu đổi ngoại tệ qua mạng
Ảnh minh họa. |
Loại tội phạm lừa đảo liên quan đến các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các trang mạng xã hội thực hiện hành vi phạm tội thông qua hoạt động đổi ngoại tệ, vừa bị Công an tỉnh Bắc Ninh xuất hiện, khuyến cáo. Theo đó, các nhóm đối tượng người nước ngoài (nhất là người Trung Quốc) lập các hội nhóm trên mạng xã hội (wechat, viber, ...) để đăng bài viết về việc đổi tiền VNĐ lấy tiền Nhân dân tệ.
Khi xuất hiện người Việt Nam có nhu cầu đổi lấy tiền Nhân dân tệ, các đối tượng sẽ thoả thuận tỉ giá đổi tiền và trực tiếp liên lạc với người bị hại để thực hiện giao dịch. Lúc này, người bị hại sẽ cung cấp tài khoản ngân hàng để nhận tiền Nhân dân tệ; đối tượng lừa đảo làm các giấy tờ giao dịch giả (hình ảnh biên nhận, biên lai chuyển tiền thành công của ngân hàng ...) và đăng tải hình ảnh về việc đã chuyển tiền Nhân dân tệ vào tài khoản, gửi cho bị hại để tạo lòng tin và thông báo chuyển tiền thành công. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển trả số tiền VNĐ tương ứng vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Sau khi có số tiền VNĐ, các đối tượng chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhau hoặc đổi sang tiền ngoại tệ rồi chiếm đoạt.
Lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng
Một dạng lừa “quái chiêu” khác xuất hiện ở một số tỉnh miền Trung, vừa được Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An, phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá.
Ba đối tượng bị bắt giữ gồm: Lâm Ngọc Yến (SN 1988, trú tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau); Phạm Hồ Quân (SN 1990, trú tại huyện Cái Bè, tỉnh Kiên Giang) và Lưu Nhật Trường (SN 1992, trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Bộ ba này được xác định từ năm 2018 đến lúc “lộ sáng” đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 16 tỷ đồng, bằng thủ đoạn lập các tài khoản zalo, facebook, viber ảo; sau đó lấy ảnh chân dung những người bán hàng online có uy tín và lượng tương tác nhiều để làm ảnh đại diện cho tài khoản ảo đó.
Quân và Trường có nhiệm vụ tạo tài khoản giả mạo đưa cho Yến. Từ tài khoản có được, Yến nhắn tin yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền trước khi nhận hàng hóa, nhưng trên thực tế số hàng đó đều không tồn tại. Sau khi chiếm đoạt được số tiền của nạn nhân, các đối tượng tiến hành xóa tài khoản.
Từ các vụ án này, có thể thấy, đấu tranh với tội phạm mạng luôn được xác định là “cuộc chiến” dài hơi, bởi thủ đoạn của loại tội phạm này diễn biến mới, phức tạp theo ngày. Song điều quan trọng, cốt yếu để ngăn ngừa được chúng, chính là ý thức – nhận thức, sự cảnh giác của người dân, để các đối tượng không có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.