Mang chữ Việt đến đất Lào
Cô giáo Việt trên đất Lào
Tháng 7 năm 2022, lần đầu tiên các học viên của Trung tâm Tiếng Việt Salavan, Lào tham gia thi giữa kỳ môn đọc - hiểu tiếng Việt có bài dịch. Chuẩn bị cho kỳ thi, suốt nhiều đêm cô Tạ Thị Toàn (66 tuổi, giáo viên của Trung tâm) trăn trở nghĩ câu hỏi sao vừa giúp các em hiểu, cảm nhận được vẻ đẹp, sự thú vị của tiếng Việt vừa không đánh đố các em. Kết quả hầu hết các học viên Lào dịch khá tốt, nhiều em đạt điểm cao như Khammanivong Lunny (9,5 điểm), Siamphone Phing (9,5 điểm)...
Cô Tạ Thị Toàn trong một tiết học tại Trung tâm Tiếng Việt Salavan, Lào (Ảnh: Tạ Toàn). |
Chia sẻ về quá trình dạy chữ Việt đến đất Lào, cô Tạ Thị Toàn kể: Tôi vẫn thường nói vui với mọi người đó là quá trình "vừa dạy vừa dọa khiến học viên lo quá mà học". Tiếng Việt khó vì nhiều thanh điệu, cách phát âm và ngữ pháp khác tiếng Lào. Khi dạy, thường nói chậm, rõ, phát âm giọng Bắc để học viên dễ hiểu. Thi thoảng tôi dùng từ lóng để tạo không khí hứng khởi cho lớp học. Các em thích nói về chủ đề tình yêu, gia đình, vui chơi... Mỗi khi dùng từ lóng, tôi giải thích và có từ tiếng Lào kèm bên cạnh, học viên rất thích, cứ vỗ tay rồi cười.
Cô Toàn cũng thường in giáo trình tiếng Việt để tặng học viên, đăng trên Facebook các bài học để làm phong phú thêm vốn từ vựng cho các em. Mỗi lớp học của cô Toàn có khoảng 25 học viên, có người hơn 50 tuổi, nhưng điểm chung là chăm chỉ, thật thà, khiêm nhường và đặc biệt yêu tiếng Việt.
Cô Toàn gắn bó với các trung tâm tiếng Việt ở Nam Trung Lào được hơn 4 năm. Năm 2018, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng mời cô sang Lào dạy tiếng Việt tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Sê Kông bởi cô có kinh nghiệm lâu năm ở trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, biết tiếng Lào và đã dạy lưu học sinh, nhận nhiều em làm con nuôi.... Đến năm 2019, Trung tâm Tiếng Việt Salavan được Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng, cô Toàn gắn bó với Trung tâm từ đó đến nay.
Xa gia đình ở tuổi ngoài 60 để gieo chữ Việt dù ở nhà được nhiều trường đại học, cao đẳng, trung tâm mời dạy với thu nhập khá, cô Toàn chưa bao giờ nuối tiếc.
"Mỗi lần lên lớp, nhìn những ánh mắt chăm chú nghe giảng, những cái đầu cắm cúi làm bài tập, được nghe những câu trả lời hay, những tiếng cười vui vẻ, âm thanh xen lẫn Việt, Lào, tôi cảm thấy hạnh phúc, có thêm động lực mạnh mẽ để gieo chữ", cô Toàn nói.
Dạy tiếng Việt trên lớp, đi rừng với bà con Lào
Thầy Nguyễn Thành Ngọc (Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) sang Luang Namtha, tỉnh vùng cao Bắc Lào dạy tiếng Việt đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trao đổi trên báo chí, thầy Ngọc kể: “Tôi đã phải trải qua những đợt test Covid-19, cách ly y tế, vượt quãng đường gần 2.000km từ Việt Nam để sang đến điểm trường đang công tác. Đôi khi, đang giảng dạy, toàn trường phải tạm nghỉ vì có thầy cô hoặc học sinh trong trường nhiễm Covid-19. Tuy nhiên với tình yêu, trách nhiệm với nghề nghiệp, tôi cùng những giáo viên Việt đã vượt qua khó khăn đem con chữ đến cho các em học sinh Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào”.
Hiện thầy Ngọc dạy tám lớp cấp ba (lớp 11 và 12) và một lớp cán bộ huyện. Tại Luang Namtha, thầy Ngọc được tiếp xúc với các em học sinh cũng như người dân các dân tộc thiểu số như Mu xơ, A Kha, Khơ Mụ… Ngoài thời gian dạy tiếng Việt trên lớp, thầy cũng làm vườn, đi rừng, đến thăm nhà và ăn cùng người dân Lào bữa cơm dân dã, vui Tết và những dịp lễ cùng họ…
Thấy sự khó khăn, vất vả của học sinh cũng như người dân ở Luang Namtha, thầy Ngọc đứng ra kêu gọi và đón nhận nhiều đồ dùng, quần áo, đồ ăn… từ các nhà hảo tâm, những người thân quen để trao cho các em học sinh và các hộ gia đình khó khăn.
Cảm nhận được sự chân thành, nhiệt tình của thầy Ngọc, bà con có rau, có cá, có gà đều mang tới cho thầy. “Tôi được sống trong tình yêu thương của mọi người, mọi khoảng cách địa lý, văn hóa như được xóa nhòa", thầy Ngọc nói.
Cô Toàn, thầy Ngọc là hai trong số rất nhiều giáo viên đang ngày đêm gieo chữ Việt trên đất Lào, tạo sự gắn kết giữa nhân dân hai nước qua kênh ngôn ngữ. Đặc biệt, lồng vào bài giảng hay những trao đổi trong sinh hoạt hàng ngày, cô Toàn, thầy Ngọc và nhiều giáo viên khác luôn chủ động cung cấp thông tin về lịch sử, về quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc. Các thầy cô chính là những đại sứ hữu nghị, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Việt - Lào gắn bó keo sơn, thủy chung son sắt.