Nghĩa tình Việt – Lào trên biên giới
Cuộc sống khởi sắc
Hai bản La Lay A sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) và La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) ở vị trí đối diện, tiếp giáp hai bên trên đoạn biên giới dài hơn 10km.
Ông Hồ Văn Thủy, Trưởng thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết: Sau khi kết nghĩa vào năm 2007, mười lăm năm qua hai bản thường xuyên giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên đã trao tặng cây giống, con giống, hỗ trợ nhau kỹ thuật nuôi trồng... Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, hai bên tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền nhân dân chấp hành tốt an ninh trật tự thôn bản; tham gia các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc; thường xuyên thăm hỏi, tổ chức giao ban thông báo tình hình; hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn… Nhờ vậy, cuộc sống của người dân hai bên ngày càng khởi sắc.
Ngày 29/11/2012, khóm Duy Tân và bản Phường (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) đã kết nghĩa bản - bản, thống nhất thông qua quy chế hoạt động kết nghĩa với 12 nội dung, đúng Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam - Lào, pháp luật của mỗi nước và phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc hai bên biên giới.
Cán bộ khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo và cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hướng dẫn người dân bản Phường kỹ thuật trồng cây ăn quả (Ảnh: Thành Phú). |
Trong mười năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Khu Kinh tế Densavan, người dân hai bên đã phối hợp phát triển thêm các dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ, thường xuyên qua lại giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân khóm Duy Tân và bản Phường ngày càng được nâng lên.
Chia sẻ tại lễ sơ kết mười năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa khóm Duy Tân và bản Phường, già làng bản Phường Khăm Khóng cho biết: Thông qua quy chế kết nghĩa bản - bản, mối quan hệ tương thân tương ái giữa hai bên được tăng cường hơn. Khi người dân bản Phường gặp thiên tai, chính quyền, người dân, lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện Hướng Hóa kịp thời giúp đỡ hàng chục tấn gạo, quần áo, chăn màn; huy động hàng trăm nhân công sang làm nhà, gửi tấm lợp, giúp các gia đình trong bản dựng lại nhà. Khi bà con khóm Duy Tân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người dân bản Phường cũng kịp thời hỗ trợ vật chất, nhân công.
Việc kết nghĩa bản - bản cũng giúp công tác tuyên truyền, vận động người dân hai bên, nhất là lớp trẻ hiểu được truyền thống văn hóa, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào; mối quan hệ thân tộc giữa các bản làng dọc tuyến biên giới, qua đó xây đắp ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ hôm nay trong bảo vệ, xây dựng tuyến biên giới bình yên, hữu nghị.
Chia sẻ với báo chí về kỷ niệm những lần dự họp giao ban hoạt động kết nghĩa giữa bản Phường và khóm Duy Tân, ông Thuong Khong Khay Nhạ Khăm - nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng bản Phường kể:
“Cứ ba tháng một lần, chúng tôi gặp nhau khi ở bản Phường, khi ở khóm Duy Tân đánh giá kết quả đạt được, triển khai các hoạt động kết nghĩa. Khó có thể kể hết sự gắn kết tình cảm, sẻ chia giữa người dân hai bản trong sản xuất, sinh hoạt cũng như tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới. Phấn khởi nhất là thông qua hoạt động kết nghĩa, nhiều người dân bản Phường đã có ý thức hơn trong chấp hành quy định pháp luật cũng có cách thức sản xuất, kinh doanh phù hợp để nâng cao thu nhập”.
Nhân rộng mô hình kết nghĩa bản – bản
Tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) có chung đường biên giới với hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) với chiều dài 179,345 km. Từ mô hình kết nghĩa bản - bản đầu tiên giữa khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với bản Densavan (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet) vào ngày 28/4/2005, đến tháng 11/2012, đã có 24 cặp bản đối diện hai bên biên giới được tổ chức kết nghĩa.
Hàng năm, tỉnh Quảng Trị sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng một số dự án như: trường học; trạm xá; công trình điện nước; cung cấp cây con giống; khảo sát các dự án trồng rừng, cây công nghiệp như cà phê, sắn nguyên liệu, cao su, hồ tiêu và một số dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin; tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho phụ nữ Lào các bản giáp biên giới.
Các cặp bản kết nghĩa, các ban, ngành, đoàn thể hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường…
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, việc tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự thống nhất cao của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savanakhet và Salavan. Qua đó khẳng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của hai nước Việt Nam - Lào.
Kết quả mô hình kết nghĩa đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước, nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới, phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân hai bên biên giới. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết được nhiều việc xảy ra trên biên giới…
Trong thời gian tới, mô hình kết nghĩa bản - bản sẽ tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả; đặc biệt đẩy mạnh công tác hỗ trợ nhân dân các bản kết nghĩa của nước bạn Lào trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân hai bên biên giới chấp hành tốt pháp luật an ninh – biên giới cũng như nâng cao ý thức trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.