Liên hợp quốc và Mỹ vẫn xem Đặc phái viên phản đối đảo chính là đại diện chính thức của Myanmar
Vừa qua, đại sứ Liên hợp quốc của Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết, bà vẫn coi ông Kyaw Moe Tun là đại diện cho Myanmar tại Liên hợp quốc. Dù hai ngày trước đó, cơ quan truyền thông của Myanmar đã thông báo sa thải ông Moe Tun.
“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ tuyên bố dũng cảm của ông Kyaw Moe Tun. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng chính thức hoặc yêu cầu nào về việc ông ấy bị sa thải, hiện tại ông ấy vẫn là đại diện của chính phủ Myanmar”, bà Thomas-Greenfield cho biết hôm 1/3.
Stephane Dujarric - phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, cho biết các vấn đề liên quan đến ông Kyaw Moe Tun sẽ được giải quyết tại ủy ban thông tin của Liên hợp quốc. Ủy ban này đã không xử lý việc sa thải ông Moe Tun.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun. Ảnh: MOFA |
Được biết, Đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV ngày 27-2 tuyên bố ông Kyaw Moe Tun đã bị sa thải vì phản bội quốc gia.
Thông tin trên được công bố khoảng một ngày sau khi đại sứ Kyaw Moe Tun thúc giục LHQ sử dụng "bất cứ phương tiện nào cần thiết" để đảo ngược cuộc đảo chính của quân đội Myanmar hôm 1-2. Đại sứ Kyaw Moe Tun thời điểm đó tuyên bố ông đang phát biểu thay mặt cho chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Nữ lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều lãnh đạo thuộc chính quyền dân sự của Myanmar đã bị bắt trong cuộc chính biến hôm 1-2. Trong khi quân đội Myanmar tuyên bố đây là phản ứng của họ sau nhiều nghi vấn về gian lận bầu cử, các nước phương Tây gọi đây là cuộc đảo chính và liên tiếp phản đối chính quyền quân sự mới.
Một quan chức tại LHQ cho biết tổ chức này chưa chính thức công nhận chính quyền quân sự là chính phủ mới của Myanmar, vì vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào về sự thay đổi.