Lầu Năm Góc thúc giục Nga "minh bạch hơn" về các hoạt động gần Ukraine
TASS đưa tin, trong cuộc họp báo ngày 9-4, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết rằng Lầu Năm Góc đã theo dõi các động thái quân sự của Nga ở Crimea và biên giới Nga-Ukraine. Mỹ cho rằng việc làm của Nga không phải hành động "có lợi cho sự ổn định và an ninh" ở khu vực.
Mỹ muốn "sự rõ ràng hơn" và đòi hỏi "người Nga minh bạch hơn về những gì họ đang làm liên quan tới việc tăng cường lực lượng ở bán đảo Crimea và dọc biên giới với phía đông Ukraine".
Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Ông Kirby lưu ý rằng, không chỉ tại các vùng đất của Nga giáp với miền đông Ukraine, Moscow còn tăng cường hoạt động quân sự ở bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ mà Mỹ vẫn công nhận thuộc về Ukraine, và điều này khiến Lầu Năm Góc quan ngại.
Được biết, Crimea đã được sáp nhập vào Nga hồi năm 2014 nhưng quốc tế (bao gồm Mỹ) không công nhận sự sáp nhập này.
Vấn đề ở miền đông Ukraine đã ngày càng nóng khi cả Nga và Ukraine cáo buộc nhau gây leo thang căng thẳng. Nga tăng cường quân số gần biên giới với Ukraine, song lưu ý rằng hành động này được thực hiện bên trong lãnh thổ Nga.
Quân đội chính phủ và lực lượng ly khai (được Nga hậu thuẫn) ở miền đông Ukraine cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn. Kiev cho biết số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đã tăng cao nhất kể từ khi xung đột bùng phát vào năm 2014.
Phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga gây leo thang căng thẳng, trong khi Moscow cáo buộc phương Tây muốn lôi kéo Nga vào một cuộc chiến.
Trong một diễn biến khác, khi được giới truyền thông hỏi về thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ về việc hai tàu chiến Mỹ sắp tiến vào ở Biển Đen, đại diện Lầu Năm Góc từ chối xác nhận, song lưu ý rằng việc tàu chiến Mỹ hiện diện trong khu vực này không phải động thái bất thường.
"Chúng tôi thường xuyên tiến hành các hoạt động ở Biển Đen và trên toàn bộ khu vực do Bộ Tư lệnh châu Âu chịu trách nhiệm" - ông Kirby giải thích, đồng thời nhắc lại rằng Mỹ có thể điều máy bay, tàu chiến hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà pháp luật quốc tế cho phép.