Lào mong muốn học hỏi kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm của Yên Bái
Tại buổi tiếp đoàn, ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã giới thiệu về về điều kiện tự nhiên - xã hội và những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay.
Ông Trần Huy Tuấn cũng thông tin về quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Yên Bái và các địa phương của Lào, đặc biệt với tỉnh Vientiane (từ năm 2008) và tỉnh Xayabury (từ năm 2012). Trong giai đoạn này, hai bên đã tổ chức trao đổi 114 đoàn công tác, bao gồm 30 đoàn lãnh đạo cấp cao, nhằm tăng cường hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ Vientiane và Xayabury với khoản kinh phí 55 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng thiết yếu, mua sắm thiết bị y tế, tổ chức tập huấn; tiếp nhận 450 học sinh từ Lào đến học tập... Các hoạt động này góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Đoàn công tác do ông Khamphan Pheuyavong (thứ hai từ phải sang) dẫn đầu tham quan mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: yenbai.gov.vn) |
Ông Khamphan Pheuyavong bày tỏ sự ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái, đặc biệt là mô hình trồng dâu nuôi tằm tại Trấn Yên. Ông hy vọng sẽ áp dụng những kinh nghiệm quý báu này để thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương của Lào, đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác giữa Yên Bái và các địa phương của Lào trong lĩnh vực giáo dục, y tế, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác.
Cùng ngày, đoàn công tác đã đến khảo sát một số mô hình nông nghiệp tại huyện Trấn Yên. Tại đây, đoàn thăm cánh đồng dâu tại thôn Lan Đình, Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê và Hợp tác xã Dâu tằm Việt Thành. Xã Việt Thành hiện có 230 ha dâu, trong đó 200 ha là vùng sản xuất tập trung, với 252 hộ trồng dâu, 3 hợp tác xã và 3 chuỗi liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái. Sản lượng kén tằm của xã đạt gần 500 tấn/năm, doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm.
Đoàn cũng tham quan mô hình dệt thủ công và các sản phẩm OCOP tại Lan Đình, xã Việt Thành, cũng như Nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái tại xã Báo Đáp. Huyện Trấn Yên hiện có gần 1.000 ha dâu, đạt sản lượng kén tằm 1.500 tấn/năm, với giá trị kinh tế trên 300 tỷ đồng. Địa phương này có 15 hợp tác xã và 12 chuỗi liên kết sản xuất tằm tơ với công suất 150 tấn sản phẩm/năm. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng dâu lên 1.200 ha, sản lượng kén tằm trên 2.000 tấn, đạt giá trị thu nhập khoảng 360 tỷ đồng/năm, đồng thời phát triển mô hình du lịch trải nghiệm trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa.
Ông Khamphan Pheuyavong đánh giá cao sự năng động và chủ động trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết chuỗi sản xuất tại huyện Trấn Yên. Những kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để các địa phương của Lào áp dụng vào thực tế nhằm phát triển bền vững và nâng cao đời sống cho người dân.