Việt Nam sẽ giúp Lào kết nối ra biển
Theo ông Phương, Việt Nam sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các công trình kết nối quan trọng (Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1,2,3 của cảng Vũng Áng, các dự án kết nối giao thông đường bộ Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vientiane - Vũng Áng…); xử lý dứt điểm các dự án đang còn vướng mắc.
Tại Hội nghị, hai bên đã đánh giá kết quả việc thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2024, cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho kế hoạch hợp tác trong năm 2025 tới.
Hội nghị chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục quán triệt nội dung Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai Chính phủ; phối hợp thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan của hai bên phấn đấu hoàn thành tốt Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2024 và 2025.
Hai bên cũng thống nhất tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường thuận lợi; có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm về an ninh-quốc phòng. Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại (tăng 10-15%); tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.
Về hợp tác mua bán điện, hai bên tiếp tục phối hợp để rà soát, nghiên cứu chi tiết giá mua bán điện đối với các dự án điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2025. Nghiên cứu kết nối hệ thống đường dây truyền tải của hai nước nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán điện từ các dự án điện tại Lào trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thực hiện các dự án điện gió tại khu vực biên giới để bán điện về Việt Nam.
Các phương hướng hợp tác khác được đề xuất tại Hội nghị là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ, chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng, đặc biệt là phải đưa vào sử dụng Bệnh viện Hữu nghị Lào - Việt Nam tại tỉnh Hủa Phăn trong năm 2025. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào.
Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên hợp tác giáo dục, đào tạo theo hướng chú trọng chất lượng cao; tăng cường hỗ trợ Lào kinh nghiệm về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường tham vấn, ủng hộ lẫn nhau, tăng cường vai trò của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng, gắn kết hợp tác Tiểu vùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và hội nhập khu vực của ASEAN…
Kết thúc Hội nghị, hai bên đã thống nhất nội dung hai dự thảo văn kiện gồm: Biên bản Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam năm 2025. Về thời gian, địa điểm tổ chức Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, hai bên thống nhất trình lãnh đạo Ủy ban hợp tác hai nước cho ý kiến về việc tổ chức tại Lào (dự kiến tháng 1/2025).
Theo thông tin tại Hội nghị, trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đăng ký đầu tư 74,6 triệu USD vào Lào, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2023. Hợp tác thương mại song phương đạt 1,7 tỷ USD, tăng 28% so với năm trước. Trong lĩnh vực viện trợ không hoàn lại, Việt Nam đã hoàn thành và bàn giao bốn dự án lớn cho Lào, bao gồm việc nâng cấp Đài phát thanh Quốc gia Lào và xây dựng 4 hệ thống thủy lợi quy mô nhỏ tại 2 huyện A-nu-vông và Thà-thôm tỉnh Xay-xổm-bun… |