Lần đầu tiên Đại sứ Sri Lanka gói bánh chưng Tết
“Tôi vui mừng tham gia sự kiện ý nghĩa này, lễ hội ẩm thực chính là cầu nối ngắn nhất để đưa người dân 2 nước lại gần nhau hơn.Trong sự kiện, người dân Sri Lanka sẽ làm món ăn Việt Nam và người dân Việt Nam sẽ làm món ăn của Sri Lanka. Đây chính là sự giao thoa văn hóa và mang đến sự thú vị về ẩm thực giữa 2 quốc gia”, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam Prasanna Gamage chia sẻ.
Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam lần đầu tiên tự gói bánh chưng |
Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam lần đầu tiên tự gói bánh chưng
Cũng theo Đại sứ, từ Tết năm 2020, vì trải qua đại dịch nên không có nhiều hoạt động ở Đại sứ quán, ông đã được hưởng đậm đà không khí Tết người Việt Nam. “Tôi thấy Tết người Việt có nhiều nét tương đồng so với Tết của người dân Sri Lanka, Tết của chúng tôi vào tháng 4 và các thành viên trong gia đình từ các nơi sẽ quay trở lại ngôi nhà của ông cha cùng trò chuyện và trao đổi, tặng cả tiền lì xì. Tôi đã được tham dự nhiều hoạt động do Chính phủ Việt Nam tổ chức nên hiểu được các hoạt động, nghi lễ đón Tết của người Việt, được đến thăm nhà của bạn bè Việt Nam và thưởng thức không khí đầm ấm của người dân bản địa”, ông Prasanna Gamage.
Ông Prasanna Gamage tỏ ra thích thú khi chiếc bánh chưng mình gói đẹp không kém người Việt Nam |
Tết Sri Lanka có món đặc trưng là những món ăn lâu đời được làm từ gạo nếp, thịt nên dù đón Tết tại Việt Nam nhưng ông vẫn cảm thấy rất gần gũi như đang ở nhà. Tại lễ hội, Đại sứ Sri Lanka đã tự tay cho gạo, đỗ, thịt và gói bánh chưng bằng lạt từ khuôn lá dong được xếp sẵn. Đây là chiếc bánh chưng đầu tiên ông gói và tỏ ra thích thú khi hình thù chiếc bánh đẹp không kém bánh của người dân Việt Nam gói. “Nhân dịp Tết tôi gửi lời chúc tới người dân Việt Nam một năm mới sức khỏe, may mắn, thịnh vượng”, Đại sứ nói.
Bí thư thứ hai về thương mại Prasadi Boomawalage cũng lần đầu trải nghiệm gói nem |
Ngoài bánh chưng, món nem truyền thống cũng được giới thiệu tại đây. Bà Prasadi Boomawalage, Bí thư thứ hai về thương mại cho biết thích ăn nhiều món ăn Việt Nam, trong đó có món nem rán. Bà cũng đã ăn nem rán nhiều lần nhưng đây cũng là lần đầu tiên bà thực hiện gói nem này.
Người dân Việt Nam khéo léo làm bánh hopper dưới sự hỗ trợ của đầu bếp |
Trong khi đó, người dân Việt Nam tham dự sự kiện được các đầu bếp Sri Lanka hướng dẫn làm bánh hopper truyền thống. Đây là loại bánh làm bằng từ bột gạo, men và có nhiều cách để thưởng thức như ăn kèm với mật ong, sữa, trứng và mứt, bơ… Món ăn này được dùng hằng ngày như ăn sáng hoặc ăn tối. “Ở các khách sạn, đều giới thiệu món ăn này để quảng bá ẩm thực của người Sri Lanka. Bột được quết khéo léo 1 lớp thật mỏng trong chảo, đập trứng vào, đậy vung cho tới lúc chín tái để có thể sử dụng và ăn được”, Bí thư thứ hai về thương mại của Đại sứ quán Sri Lanka chia sẻ.
Đại sứ Prasanna Gamage quảng bá, giới thiệu món bánh hopper truyền thống của người Sri Lanka |