Là con gái để tỏa sáng
Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại tọa đàm (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động - thương binh xã hội). |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, đảm bảo bình đẳng giới là chủ trương xuyên suốt, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xây dựng quốc gia ổn định, đồng thuận và bền vững. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, thể hiện được vị trí, vai trò và khả năng của bản thân trong tất cả các lĩnh vực như chính trị, văn hóa, thể thao, quân sự, thậm chí là trong việc thực thi các nhiệm vụ quốc tế.
“Thay mặt lãnh đạo Bộ LĐTBXH, tôi hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm được phối hợp thực hiện giữa các đơn vị thuộc Bộ và UNFPA, trong khuôn khổ tuần lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận.
Thứ trưởng cũng kỳ vọng, thông qua Tọa đàm, nhiều ý kiến, câu chuyện được chia sẻ, thảo luận sẽ giúp cho mỗi người nâng cao nhận thức về bình đẳng giới của bản thân. Đặc biệt, mỗi người phụ nữ sẽ có những giải pháp để bản thân được tỏa sáng trong học tập, rèn luyện và trong các hoạt động xã hội.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định: “UNFPA Việt Nam luôn cảm thấy hân hạnh khi được hợp tác rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là với Bộ LĐTBXH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bên liên quan trong việc giải quyết bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới nhằm thúc đẩy bình đẳng giới”.
Theo bà Naomi Kitahara, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ qua. Để tôn vinh vai trò và giá trị của phụ nữ cũng như trẻ em gái trong gia đình và xã hội, Việt Nam cần thay đổi thái độ và hành vi của tất cả mọi người đối với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, sự thay đổi này không thể dễ dàng đạt được, thanh niên đóng vai trò duy nhất và có trách nhiệm chấm dứt tình trạng chọn lọc giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Trao đổi về chiến lược của Việt Nam để giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý liên quan tới bình đẳng giới. Đồng thời, nhằm thể chế hóa nội dung của Hiến pháp về bình đẳng giới, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; … Đặc biệt, ngày 23/10/2021, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Chương trình truyền thông về bình đẳng giới tới năm 2030, khẳng định sự quan tâm, ưu tiên của cả hệ thống chính trị tới công tác truyền thông trong công tác đảm bảo bình đẳng giới