e magazine
Kỳ 2: Đối ngoại nhân dân thời kỳ đầu Đổi mới

10:05 | 26/06/2023

Những năm đầu đổi mới, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách từ việc xóa thế bao vây cấm vận, phục hồi, xây dựng đất nước cho đến thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm củng cố môi trường hòa bình, phát triển, đối ngoại nhân dân đã có những bước chuyển mình quan trọng, góp phần thúc đẩy bình thường hòa quan hệ, vận động bạn bè quốc tế hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội.
avc

Những năm đầu Đổi mới, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách từ việc xóa thế bao vây cấm vận, phục hồi, xây dựng đất nước cho đến thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định, đối ngoại nhân dân đã có những bước chuyển mình quan trọng, góp phần thúc đẩy bình thường hòa quan hệ, vận động bạn bè quốc tế hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 1975, Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước. Hậu quả của hai cuộc chiến tranh trường kỳ đã để lại nhiều tàn dư đối với nền kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam, đặt nhân dân Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thử thách trong công cuộc khôi phục, đổi mới và dựng xây Tổ quốc. Lúc bấy giờ, tình hình thế giới và khu vực cũng có nhiều biến động. Sau thắng lợi của Việt Nam (năm 1975), hệ thống xã hội chủ nghĩa mở rộng, phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong những năm cuối thập kỷ 1970, tình hình kinh tế ở các nước xã hội chủ nghĩa đã có dấu hiệu trì trệ và mất ổn định. Sang đến thập kỷ 80, chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Bối cảnh đó đặt Đảng và Nhà nước Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp bách phải tiến hành đổi mới. Đây vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vừa là vấn đề phù hợp với xu thế chung của thời đại.

Kỳ 2: Đối ngoại nhân dân thời kỳ đầu Đổi mới

Với tinh thần đổi mới toàn diện trên tất cả các ngành và lĩnh vực, công tác đối ngoại của Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu phải đổi mới. Có thể nói, đổi mới tư duy đối ngoại xuất phát căn bản từ lợi ích quốc gia - dân tộc, nhằm đưa đất nước vào vị trí có lợi nhất trong dòng chảy chung của thời đại. Bên cạnh đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, những tư duy mới về đối ngoại Nhân dân cũng được thể hiện rõ nét thông qua các kỳ Văn kiện Đại hội Đảng bởi lẽ “đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mỗi đảng viên và người dân”(1). Theo đó, trong Văn kiện Đại hội VI (1986), Đảng ta đã bước đầu làm rõ chủ thể và cách thức phối hợp giữa các chủ thể của hoạt động đối ngoại bao gồm Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở đường lối đổi mới từ năm 1986, lĩnh vực đối ngoại Nhân dân cũng có những điều chỉnh phù hợp với mục tiêu đối ngoại trong tình hình mới. Trước hết là thay đổi cơ quan quản lý công tác đối ngoại nhân dân và sau đó là đổi tên tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân từ “Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước” thành “Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam”(2). Cũng từ năm 1989, tổ chức đã được giao thêm nhiệm vụ vận động và điều phối viện trợ nhân dân, quản lý các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đây là quyết định đúng đắn và kịp thời của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại Nhân dân, giúp tăng cường vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, từ đó tạo nền tảng cho việc phá thế bao vây, cấm vận sau này.

Dấu mốc quan trọng trong đổi mới tư duy đối ngoại nhân dân được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương VII năm 1992: “Mở rộng và đổi mới ngoại giao nhân dân nhằm giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, theo tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Với tinh thần đó, ngày 10/01/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 22-QĐ/TW tách Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam khỏi Ban Đối ngoại Trung ương thành một tổ chức chính trị - xã hội độc lập, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của hoạt động đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hoà bình, đoàn kết, hữu nghị và quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đó là tiền thân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bây giờ - cơ quan nòng cốt trong triển khai công tác đối ngoại nhân dân. Đến Đại hội VIII năm 1996, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng, nhiệm vụ đối ngoại nhân dân được xác định rõ ràng, tư duy làm đối ngoại nhân dân được định hình rõ nét, giúp mở ra một kỷ nguyên mới cho công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn kiến thiết, xây dựng Tổ quốc: “Mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước, góp phần thúc đẩy xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển”.

Kỳ 2: Đối ngoại nhân dân thời kỳ đầu Đổi mới

Thực tiễn cho thấy, đối ngoại nhân dân đã có những hoạt động thiết thực, góp phần khôi phục đất nước sau chiến tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đầu Đổi mới.

Trong giai đoạn 1975-1992, các tổ chức được thành lập và trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và một số tổ chức mới ra đời sau năm 1975 chính là lực lượng trực tiếp triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam. Có thể kể đến một số tổ chức nổi bật như: Uỷ ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước; Uỷ ban Hoà bình Việt Nam; Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hoà bình của Việt Nam; Uỷ ban Đoàn kết nhân dân Á-Phi; Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô; Hội Hữu nghị Việt - Trung; Hội Hữu nghị Việt - Pháp; Uỷ ban Đoàn kết với nhân dân Mỹ;…(3) Sau thời kỳ kháng chiến, đối tác của các tổ chức này bước đầu được đa dạng hoá, nhưng chủ yếu vẫn thuộc nhóm các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đang phát triển.

Kỳ 2: Đối ngoại nhân dân thời kỳ đầu Đổi mới

Đoàn Uỷ ban bảo vệ Hoà bình thế giới của Việt Nam dự Hội nghị tư vấn các nước xã hội chủ nghĩa tại Nakhodka (Liên xô cũ), tháng 10/1981

Song, với nền tảng quan hệ đó, đối ngoại Nhân dân Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội để tranh thủ thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước và bạn bè trên thế giới. Đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, ta có quan hệ rất chặt chẽ. Các nước này luôn tận tình giúp đỡ các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam và hằng năm đều tổ chức các hội nghị tư vấn các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và Quốc tế ngữ các nước xã hội chủ nghĩa để thống nhất chủ trương hoạt động và trao đổi kinh nghiệm. Đối với các nước láng giềng như Lào(4), Trung Quốc,..., quan hệ về mặt nhà nước cũng như về mặt nhân dân ngày càng gắn bó. Đặc biệt sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, các hoạt động đi thăm mộ các liệt sĩ Trung Quốc hy sinh ở Việt Nam trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ luôn được duy trì hằng năm. Với Tây Âu, quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức ở Cộng hoà Liên bang Đức, Anh, Pháp, Thuỵ Điển, Italia(5) vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển, nổi bật trên các lĩnh vực hỗ trợ y tế, xóa đói giảm nghèo,... Với Mỹ và các nước phương Tây khác, ta vẫn duy trì tốt quan hệ với các tổ chức và phong trào hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, đặc biệt trong công tác tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ và triển khai các dự án viện trợ(6).

Đặc biệt, khi Việt Nam và Mỹ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức thì quan hệ giữa Hội Việt - Mỹ với các cựu chiến binh Mỹ chính là cầu nối để trao đổi, tiếp xúc giữa nhân dân hai nước. Có thể nói, kênh đối ngoại nhân dân này có vai trò rất quan trọng trong việc mở đường, tạo nền tảng thuận lợi, góp phần tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Xuất phát từ mong muốn hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam và hàn gắn vết thương chiến tranh, các cựu chiến binh Mỹ đã trở thành những người tiên phong trong các hoạt động đối ngoại nhân dân Mỹ - Việt Nam. Có thể kể đến hoạt động của Trung tâm William Joiner (WJC), Trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh và xã hội của Đại học Massachusetts. Họ đã có những việc làm thiết thực như sưu tầm những tài liệu của Việt Nam mà phía Mỹ đã thu giữ được trong chiến tranh, trong số này có rất nhiều những bài thơ, bài hát, những bức thư chứa đầy tình cảm sâu sắc của các chiến sĩ Việt Nam. Vào năm 1986, hơn 20 người của WJC đã sang thăm Việt Nam và nhận ra tình trạng cực kỳ khó khăn của Việt Nam sau chiến tranh. Do vậy, người dẫn đầu phái đoàn đồng thời là giám đốc lúc đó là Kevin Bowen đã nghĩ ra cách để hàn gắn vết thương chiến tranh Việt - Mỹ bằng cách tích cực tổ chức các cuộc giao lưu với các văn nghệ sĩ Việt Nam, chủ yếu qua con đường văn chương. Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chính sách cũng như văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với nhân dân Mỹ thông qua kênh đối ngoại nhân dân(7).

Kỳ 2: Đối ngoại nhân dân thời kỳ đầu Đổi mới

Ngày 09/4/1991, Chính phủ Mỹ đề xuất với Chính phủ Việt Nam Lộ trình 4 bước bình thường hóa quan hệ. Đến năm 1992, Mỹ tuyên bố nới lỏng cấm vận đối với Việt Nam. Cũng trong năm này, Hội Việt – Mỹ đã xác định cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi các đoàn của tầng lớp nhân dân, nghiên cứu và khuyến nghị giải pháp, chính sách về quan hệ Việt - Mỹ. Đồng thời, phía Mỹ chính thức thực hiện Chương trình học bổng Fulbright dành cho sinh viên Việt Nam với mục tiêu là “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam”. Theo đó, 18 sinh viên Việt Nam đầu tiên đã được cấp học bổng của Chương trình để sang học ở các trường đại học của Mỹ. Đây cũng là chương trình trao đổi giáo dục đầu tiên của chính phủ Mỹ với Việt Nam khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Có thể thấy, đối ngoại nhân dân đóng góp quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, phá thế bao vây, cấm vận, là tiền đề để thực hiện công cuộc đổi mới trong giai đoạn đất nước đang hết sức khó khăn.

Từ năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, quan hệ và hoạt động đối ngoại nhân dân đất nước ta đã bắt đầu bước vào một thời kỳ phát triển mới. Ngay trong năm 1995, lần đầu tiên sau nhiều năm tạm dừng, Trung ương Đoàn đã tổ chức lại được các hoạt động giao lưu thanh niên quy mô lớn như cử đoàn 30 người đi dự Chương trình giao lưu thanh niên “Kirap Ramaja” do Chính phủ Indonesia bảo trợ nhân dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Indonesia; hoàn tất thỏa thuận với Nhật Bản về việc cử đoàn 100 thanh niên thăm Nhật Bản hằng năm trong thời gian 1 tháng theo chương trình “Lãnh đạo trẻ cho thế kỷ XXI” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tăng được gần gấp 3 lần quy mô các đoàn ra, nâng từ 36 đoàn ra với 134 lượt người (năm 1996) đến 108 đoàn ra với 383 lượt người (năm 2001)(8).

Tương tự như vậy, các đoàn thể nhân dân của ta đã vừa khôi phục, củng cố được quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, vừa nhanh chóng mở rộng được quan hệ đối tác theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá, mở rộng các hoạt động đối ngoại cả về địa bàn lẫn nội dung, hình thức, theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Bên cạnh công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước, đối ngoại nhân dân Việt Nam còn đảm trách một nhiệm vụ rất quan trọng là “làm đầu mối vận động, điều phối viện trợ của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân ở các nước trên thế giới nhằm góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”(9). Trong giai đoạn này, công tác về các tổ chức phi chính phủ đã đạt được một số thành tựu nhất định. Số tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở nước ta từ 70 tổ chức năm 1989 tăng lên 450 tổ chức vào cuối năm 1996. Tổng trị giá tiền viện trợ phi chính phủ tăng từ 13 triệu USD năm 1991 lên đến 80 triệu USD năm 1997. Giai đoạn 1993-1997, tổng giá trị viện trợ là 330 triệu USD. Lĩnh vực hoạt động của các tổ chức này rất rộng trong các ngành như y tế, giáo dục, nông nghiệp, cứu trợ nhân đạo,... và được triển khai ở hàng chục tỉnh thành của Việt Nam. Đây là những nguồn lực có vai trò quan trọng góp phần hỗ trợ Việt Nam xây dựng, kiến thiết đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói, giảm nghèo và thực thi các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này.

Thời kỳ đầu Đổi mới, đối ngoại nhân dân đã vận dụng khéo léo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về: “Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa”, góp phần tạo nên mối quan hệ hoà hảo, hữu nghị giữa Việt Nam và nhân dân các nước ngay cả đối với nước mà chúng ta chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao chính thức. Đó cũng là thế mạnh và bản sắc rất riêng của đối ngoại nhân dân, luôn tìm đường để kết hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc với sự ủng hộ của quốc tế tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước về sau.

----------------------------------------

(1) Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu qủa đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
(2) Với mục đích thống nhất và tăng cường hoạt động đối ngoại Nhân dân, tháng 10/1987, Bộ Chính trị khóa VI đã ra Quyết định số 34/QĐ-TW về đổi mới tổ chức, tăng cường chỉ đạo công tác quốc tế nhân dân cho phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở đó, tháng 8/1989, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã ra Quyết định đổi tên Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam.
(3) Sách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển.

(4) Với Lào, sau thắng lợi của cách mạng Lào (1975), quan hệ Việt Nam – Lào về mặt nhà nước cũng như về mặt nhân dân ngày càng gắn bó. Ta giúp Lào thành lập Uỷ ban Hoà bình Lào. Tại nhiều hội nghị quốc tế về hoà bình và đoàn kết được tổ chức tại Lào, ta đã tích cực phối hợp và giúp bạn về thông tin, kinh nghiệm tổ chức và cả chuyên gia.
(5) Hội hữu nghị Cộng hoà Liên bang Đức - Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyên đề và tổ chức hai hội thảo tại Dusseldorf, Đức (1987-1989). Hội hữu nghị Pháp - Việt và Hội hữu nghị Việt – Pháp thỏa thuận tổ chức du lịch chuyên đề. Uỷ ban Đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia của Thuỵ Điển, các hội hữu nghị vùng của Italia tiếp tục quyên góp dụng cụ y tế và các dự án nhỏ xoá đói giảm nghèo.
(6) Nhiều đoàn quan trọng của các tổ chức nhân dân và phi chính phủ Mỹ đã đến thăm Việt Nam, là khách của Hội Việt - Mỹ. Ví dụ các đoàn tìm hiểu Việt Nam của các học giả Mỹ do Tổ chức Hòa giải Đông Dương (John Mc Auliff làm Chủ tịch), Uỷ ban Hợp tác khoa học Mỹ - Việt (Edward Cooperman rồi Judith Ladinsky làm Chủ tịch) đã tổ chức cho các nghị sĩ - cựu chiến binh John Kerry, Bob Smith quay lại Việt Nam tìm hiểu tình hình lính Mỹ mất tích và “thăm chiến trường xưa”. Một số tổ chức phi chính phủ Mỹ thời kỳ này cũng bắt đầu đến Việt Nam để thực hiện các dự án viện trợ nhỏ.
(7) Sách “Ngoại giao nhân dân trong quan hệ Việt-Mỹ” - TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
(8) Sách Công tác đối ngoại nhân dân ở nước ta - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - Trần Đắc Lợi, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

(9) Chỉ thị số 27-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng ngày 27/2/1993 về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Trước đó tại Quyết định số 51/HĐBT, ngày 25/5/2989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã giao cho Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam làm cơ quan đầu mối trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Hải Long - Mỹ Lệ

Hải Long - Mỹ Lệ

Tin bài liên quan

[INFOGRAPHIC] Kỳ 4: Tình cảm của nhân dân thế giới dành cho Việt Nam

[INFOGRAPHIC] Kỳ 4: Tình cảm của nhân dân thế giới dành cho Việt Nam

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đối ngoại nhân dân cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước đã "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả" và phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Kỳ 3: Đối ngoại nhân dân vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong bối cảnh hiện nay

Kỳ 3: Đối ngoại nhân dân vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong bối cảnh hiện nay

Trên con đường hướng tới đất nước giàu mạnh, có quan hệ hữu nghị và hợp tác sâu rộng với các nước trên thế giới, đối ngoại nhân dân đã minh chứng được tiềm năng, nội lực mạnh mẽ, là một trong 3 trụ cột vững chắc của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện hiện đại, phụng sự cho sự nghiệp hòa bình, phát triển của đất nước và nhân loại
Kỳ 1: Đối ngoại nhân dân trong lịch sử Việt Nam

Kỳ 1: Đối ngoại nhân dân trong lịch sử Việt Nam

Đối ngoại nhân dân đã được hình thành từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, và thực sự đã được phát huy hiệu quả trong các thời đại sau này, với đỉnh cao là đối ngoại nhân dân thời đại Hồ Chí Minh ngay từ khi Người bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước.
TP.HCM: hình thành thế trận đối ngoại nhân dân tổng hợp, toàn diện

TP.HCM: hình thành thế trận đối ngoại nhân dân tổng hợp, toàn diện

Sáng 31/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2024-2029.
Tập huấn công tác đối ngoại cho cán bộ công đoàn

Tập huấn công tác đối ngoại cho cán bộ công đoàn

Ngày 25/10, tại tỉnh Lâm Đồng, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ )Việt Nam đã tổ chức "Hội nghị tập huấn về Công tác đối ngoại Công đoàn Việt Nam năm 2024".
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập huấn công tác đối ngoại cho đội ngũ cán bộ chuyên trách

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập huấn công tác đối ngoại cho đội ngũ cán bộ chuyên trách

Trong 2 ngày 25, 26/10 tại Đà Lạt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đối ngoại Công đoàn Việt Nam 2024.

Tin mới

Hợp tác xây dựng thế giới tốt đẹp hơn

Hợp tác xây dựng thế giới tốt đẹp hơn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch BRICS năm 2024.
Shaman giáo Siberia: Vũ điệu của các pháp sư

Shaman giáo Siberia: Vũ điệu của các pháp sư

Tại vùng Siberia nguyên sơ và hùng vĩ, Shaman giáo đang hồi sinh đầy mạnh mẽ, gợi nhớ về những truyền thống cổ xưa. Shaman giáo tại Siberia - nơi con người kết nối với năng lượng thiên nhiên và thế giới linh hồn kỳ bí.

Tin khác

Bạch dương: Cây kỳ diệu của nước Nga

Bạch dương: Cây kỳ diệu của nước Nga

Nếu cây tre là biểu tượng trong đời sống Việt Nam, cây bạch dương được người dân coi là biểu tượng của nước Nga. Bạch dương được yêu mến và tôn vinh nhờ vẻ đẹp thanh tao, sức sống mãnh liệt cùng những giá trị đặc biệt khác.
Yakutia: Lửa sống trên vùng băng tuyết

Yakutia: Lửa sống trên vùng băng tuyết

Yakutia hay Cộng hòa Sakha, là vùng lãnh thổ lớn nhất của Nga (hơn 3 triệu km2). Đây là vùng lạnh nhất trên thế giới có người sinh sống. Dù thế giới xung quanh bao phủ bởi băng và tuyết nhưng ngọn lửa tình yêu cuộc sống luôn rực cháy và tỏa sáng lung linh trong mỗi con người và gia đình họ.
Lễ tiễn mùa đông ở Nga: Nơi băng tuyết tan chảy bởi nụ cười và tiếng hát

Lễ tiễn mùa đông ở Nga: Nơi băng tuyết tan chảy bởi nụ cười và tiếng hát

Tiễn mùa đông (Maslenitsa) là một lễ hội truyền thống của người Slavo, đánh dấu sự chuyển giao từ mùa đông sang mùa xuân, thể hiện sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Thưởng thức các món ăn truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian và giao lưu với người dân địa phương tại khu rừng gần bến tàu Kalistovo, ngoại ô Moscow đã trở thành ký ức khó quên của sinh viên Việt Nam từng học tại Liên bang Nga.
Nhà thờ Thánh Basil: sự kết hợp tuyệt đỉnh của kiến trúc tôn giáo và thế tục

Nhà thờ Thánh Basil: sự kết hợp tuyệt đỉnh của kiến trúc tôn giáo và thế tục

Tọa lạc tại trung tâm Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nhà thờ Thánh Basil nổi bật như một tòa lâu đài huyền bí và rực rỡ. Nguyên nhân hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm có lẽ là sự kết hợp tuyệt đỉnh của kiến trúc tôn giáo và nghệ thuật đời sống cực kỳ hài hòa và sâu sắc.
Phiên bản di động