Kiên Giang: Liên kết vùng du lịch để thúc đẩy phát triển
Nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế đầu tư và phát triển du lịch 3 vùng: Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng”. Qua đó, “đánh thức” ngành Du lịch vùng phát triển, giúp tỉnh Kiên Giang định hướng và có kế hoạch phát triển 3 vùng du lịch trọng điểm, nhất là việc đầu tư khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù của từng vùng, từng địa phương, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh và bền vững.
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Phạm Vũ Hồng cho biết, Kiên Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng tài nguyên phong phú và đa dạng: có đồng bằng, rừng, núi, biển và hải đảo với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử tạo ra lợi thế cho Kiên Giang phát triển kinh tế và du lịch. Tỉnh có nhiều tiềm năng tài nguyên biển, đảo với diện tích hơn 63.000 km2 và qua cả đường bộ và đường biển hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 43 đảo có dân sinh sống. Hệ sinh thái biển đa dạng phong phú, bãi biển đẹp, cát trắng, bờ biển dài…
Hang Mo So (Kiên Lương) với nhiều thạch nhủ đẹp. |
Trong những năm qua, Kiên Giang đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, qua đó lượt khách và doanh thu du lịch hàng năm tăng trưởng cao. Giai đoạn 2016 - 9/2019 có khoảng 26,29 triệu lượt khách; trong đó: khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 12,27 triệu lượt khách, khách quốc tế 1,83 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 20.910 tỷ đồng.
Hồ Hoa mai, Vườn Quốc gia U Minh Thượng. |
“Trong những năm tới, Kiên Giang tiếp tục hợp tác liên kết du lịch với các tỉnh trong khu vực và cả nước, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng lĩnh vực du lịch với các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Lào, các nước ASEAN và các quốc gia tiềm năng có điều kiện kết nối như: vùng lãnh thổ Bắc Úc, Cộng hòa Tartastan, Ấn Độ, Cu Ba…” - ông Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh.
Liên kết để “đánh thức” tiềm năng 3 vùng du lịch
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Kiên Giang cần nắm bắt xu hướng phát triển của du lịch thế giới và Việt Nam, với tài nguyên du lịch khá phong phú và đa dạng, 3 vùng du lịch: Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng khai thác có hiệu quả tiềm năng, đa dạng các loại hình du lịch phù hợp như: du lịch tham quan hệ sinh thái núi đá vôi (karst); du lịch cửa khẩu Hà Tiên; du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, tham quan các di tích, danh thắng; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề; du lịch biển…, góp phần đưa du lịch Kiên Giang nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khu du lịch Ba Hòn Đầm (Kiên Lương) với phong cảnh còn hoang sơ, bãi cát trắng, nước xanh...được mệnh danh là Vịnh Hạ Long phương Nam. |
Cũng tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến để phát triển 3 vùng du lịch. Các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều bài tham luận về tiềm năng và định hướng phát triển 3 vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng trong tổng thể phát triển tỉnh Kiên Giang; một số giải pháp nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; hợp tác liên kết xúc tiến du lịch 3 vùng với Phú Quốc và các tỉnh vùng ĐBSCL; phát triển loại hình du lịch city tour theo hướng liên kết điểm Rạch Giá và vùng phụ cận; khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong phát triển kinh tế du lịch ở Kiên Giang…
Cánh đồng lúa ở Hòn Me, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất. |
Còn theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của 3 vùng du lịch chưa phát huy hết được các tiềm năng, lợi thế như kỳ vọng như: chưa có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng kết nối, các sản phẩm du lịch; hoạt động xúc tiến quảng bá đến thị trường quốc tế, khu vực ASEAN còn ít; đội ngũ lao động du lịch còn thiếu…thông qua hội thảo PGS.TS Phạm Trung Lương cũng đưa ra những định hướng chính cho du lịch khu vực này như: du lịch xanh thân thiện với môi trường mà trọng tâm là du lịch sinh thái. Du lịch văn hóa, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh… và các giải pháp trong thời gian tới Kiên Giang cần có chính sách cụ thể của địa phương để thu hút đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch; đổi mới và tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh liên kết 3 vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng phải được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của du lịch Kiên Giang để góp phần có được sự phát triển “bứt phá” trong giai đoạn mới.
Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết thêm, trong giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn đầu tư cho 3 vùng du lịch là 369 tỷ đồng với 5 dự án. Ngoài ra tỉnh Kiên Giang còn đầu tư vào các dự án hạ tầng khác cũng nhằm phục vụ ngành du lịch với tổng vốn 5.675 tỷ đồng. Với nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, góp phần phát triển du lịch như: đưa điện lưới quốc gia ra đảo Hòn Tre (Kiên Hải), đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên); các dự án tiến đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch Mũi Nai, Thạch Động, Hòn Trẹm - Chùa Hang, đường vào núi Mo So, đường quanh núi Hòn Me - Hòn Đất…các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo, kết hợp bảo tồn với phục vụ phát triển du lịch như: di tích Ba Hòn, di tích Núi Bình San, di tích lịch sử đình Nguyễn Trung Trực… mục tiêu ngành du lịch Kiên Giang đến năm 2020 là hoàn thành công tác quy hoạch duy lịch trên địa bàn tỉnh, cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông đến các điểm du lịch. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các điểm, khu du lịch. Qua đó, thu hút được 650-700 ngàn lượt khách quốc tế và 8,4 triệu lượt khách nội địa; khách quốc tế tăng 20%/năm, nội địa 12%/năm. Đóng góp từ 9,75% GRDP của tỉnh, đạt 808 triệu USD, tương đương 19.400 tỷ đồng, tăng trưởng doanh thu 31,53%/năm. Đến năm 2030, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, thu hút được 1,667 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 17,5% GRDP của tỉnh, đạt 4.900 triệu USD. |