Không có chuyện báo chí “nhường sân” cho Facebook đâu!
Báo chí hiện đại trên nền tảng công nghệ số Mời được độc giả đến chơi đã khó, làm sao “rủ” họ quay lại? Mặt trái của mạng xã hội, chính là mặt phải của báo chính thống |
Ngoài viết báo, anh còn tham gia nhiều chương trình bình luận bóng đá trên truyền hình, viết nhiều cuốn sách về nước Ý và thú vui ham xê dịch. Anh cũng là một hot facebooker với những status truyền nhiều cảm hứng tích cực trên mạng về du lịch, văn hóa cũng như lối sống. Phóng viên Thời Ðại có cuộc trò chuyện với anh về báo chí trong bối cảnh mạng xã hội (MXH) bùng nổ.
Anh nghĩ thế nào về vai trò của báo chí trong giai đoạn mạng xã hội (Facebook, Twitter) phát triển mạnh như hiện nay?
Báo chí truyền thống đã bị tác động rất mạnh mẽ và bị cạnh tranh khốc liệt trước hết bởi internet và trong những năm qua là MXH trên nhiều phương diện, từ tính cập nhật, khả năng lan tỏa trong cộng đồng cho đến các phương thức thu thập và thực hiện thông tin. Ðiều này đặt ra những thách thức rất lớn cho báo chí truyền thống, vốn thường là luôn cồng kềnh, đầy đủ “ban bệ” và luôn ngốn một khoản tài chính không nhỏ để duy trì sự hoạt động của nó.
Nhà báo Trương Anh Ngọc |
Cách duy nhất có thể chính là cộng sinh. Sự cạnh tranh mạnh mẽ ấy đã khiến nhiều tờ báo giảm số lượng phát hành, và tập trung vào việc phát triển nội dung trên website của họ, trong khi truyền hình truyền thống buộc phải sống chung với MXH, sử dụng MXH như là một công cụ để phát tán các chương trình hấp dẫn của họ để có thêm người xem. Nhiều cơ quan báo chí đã trở thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện, tận dụng tốt nhất lượng nhân viên của mình khi họ phải sản xuất hoặc biên tập nhiều loại hình thông tin.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, theo cách nào đi nữa, và trong bất cứ xã hội và hệ thống chính trị nào, thì báo chí truyền thống vẫn phải giữ vững vai trò là lá cờ đầu thông tin của mình trong xã hội, nhất là về sự tin cậy.
Một trong những đặc trưng của báo chí là tính phát hiện. Tuy nhiên, hiện tại đang có tình trạng nhiều sự việc vụ việc được phát hiện trên MXH bởi cộng đồng mạng, báo chí bị động chạy theo sau? Có người cho rằng vì thế báo chí đã thoái trào và sắp tới phải nhường “sân khấu” cho facebook?.
Tôi không nghĩ như vậy. Xung quanh vấn đề này, cũng đã nổ ra không ít những cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh “trận địa” và thị phần thông tin của báo chí truyền thống. Tuy nhiên, trong thời đại của fake news, thì các trend có hay đến mấy, nóng bỏng đến mấy cũng không thể kéo dài và chiếm lĩnh sự quan tâm của đông đảo dư luận, bởi vấn đề lớn luôn là sự tin cậy, tính xác thực và có thể kiểm chứng được.
Trên thực tế, điểm mạnh của MXH là tính phát hiện, bởi trong thời đại thông tin này, thì mỗi một người dùng MXH hoàn toàn có thể trở thành một nguồn tin, bởi họ có mặt ở khắp mọi nơi, có thể tiếp cận các sự kiện, nhân vật ở nơi xảy ra sự kiện nhanh hơn bất cứ ai và phóng viên nào. Và do đó, họ sẽ là một nguồn tin về sự kiện, nhưng họ cũng có thể sẽ tạo ra rắc rối một khi họ đưa thông tin sai. Tôi thấy đó không khác gì một cái bẫy. Một người làm báo thiếu kinh nghiệm rất có thể sẽ bị mắc cái bẫy ấy nếu không có các nguồn kiểm chứng.
Không thể có chuyện báo chí “nhường sân” cho Facebook đâu. Nó vẫn có những lợi thế mạnh mẽ không thể phủ nhận được của nó, và nếu nó tận dụng tốt thế mạnh là sự lan tỏa của Facebook, đồng thời có cách biến những người sử dụng MXH làm nguồn tin cho nó-theo cách cả 2 bên tin cậy nhau, thì báo chí truyền thống sẽ sống rất khỏe.
Quan điểm của anh về việc Hội nhà báo mới đây ra quy tắc ứng xử của các hội viên trên MXH?
Tôi nghĩ là cần thiết và hợp lý. Rất nhiều hội viên Hội nhà báo Việt Nam đều có Facebook cá nhân. Họ là người dùng MXH, nhưng cũng là công dân trong xã hội, và là một nhà báo, do đó, họ không thể sử dụng MXH để phát tán các thông tin không được kiểm chứng, sai trái hoặc có tác động không tốt đối với xã hội. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng các quy tắc này.
MXH là con dao hai lưỡi. Tình trạng tin giả (fake news) không chỉ xuất hiện trên thế giới mà còn đầy rẫy trên MXH Việt Nam. Là một nhà báo, anh sẽ làm gì để đối phó với tình trạng này?
Một trong những cách đầu tiên là không share nó trên Facebook của cá nhân mình, tiếp theo là tìm kiếm các nguồn thông tin chính thống liên quan đến vấn đề này và kiểm tra chéo với các đồng nghiệp, các nguồn tin mà mình tin cậy được. Fake news thường chỉ dễ lợi dụng được những người có vấn đề về tư tưởng, thiếu bản lĩnh hoặc quá tò mò, thích tin tức giật gân. Một người làm báo có kinh nghiệm không bao giờ để những tin tức nhạy cảm post trên Facebook, đặc biệt là từ đường link của những trang web mà địa chỉ rất mập mờ.
Anh vừa là nhà báo vừa là một hot facebooker, 2 vai trò này có giống và khác nhau như thế nào? Ðã bao giờ anh bị lầm lẫn giữa hai vai trò này khi tác nghiệp hoặc khi “pốt phây”?
Khác nhau rất nhiều chứ. Viết trên Facebook thì thoải mái hơn rất nhiều về câu từ, về cảm xúc, viết dài hay ngắn, đưa ảnh nào hay video nào lên là mình tùy chọn và quyết định hết. Viết báo thì khác, phải nghiêm túc hơn (cười). Tôi chưa từng lẫn lộn 2 vai trò này bao giờ cả.
Tuy nhiên, một nhà báo làm Facebook (và trước đó, từng viết và cũng có hàng triệu lượt đọc trên Blog Yahoo 360) cũng phải đóng một vai trò kép, khi mình vừa là người viết, nhưng cũng là một tổng biên tập, khi dù “bay” đến mấy, mình cũng phải biết viết cái gì, đưa thông tin gì lên, khi nào thi đưa lên… Tóm lại, Facebook cá nhân tôi cũng giống như một tờ báo, và tôi phải có cách để nó có nhiều người đọc mà lại không hề có vấn đề gì về đạo đức, chính trị. Ðấy, thực ra 2 vai trò này tác động tương hỗ nhau tích cực đấy chứ.
Anh có nhiều người hâm mộ nhưng cũng có không ít người dị ứng với những chia sẻ của anh. Có người nói "với Anh Ngọc, cái gì ở Tây cũng là nhất, "bài nội" là thái độ không đáng có", anh nói gì về điều này?
Tôi nói thật là góp ý với người Việt luôn khó, vì nhiều người luôn xù lông nhím ra. Họ dị ứng với những chia sẻ hay phát ngôn của tôi vì không hiểu những thông điệp ngầm mà tôi đang hướng tới: Có quá nhiều điều tiêu cực, những hành xử chưa đẹp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta vì ta đã chấp nhận chúng như là một phần của cuộc sống. Nhiều người đã thoả hiệp với chúng, đã sống một cách tuỳ tiện, thiếu văn minh, thiếu ý thức. Từ đi ngược chiều cho đến vượt đèn đỏ, vứt rác ra hè, cư xử thiếu lịch sự và văn hoá…
Tôi không chê Việt Nam và cũng không nói Tây cái gì cũng nhất. Bằng chứng là tôi viết rất nhiều bài báo về các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị và xã hội Phương Tây mà chưa từng né tránh điều đó. Tôi chỉ nói đến những vấn đề tiêu cực tưởng như rất nhỏ trong cuộc sống của chúng ta mà nếu chúng ta chấp nhận nó sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta thêm xấu xí.
Anh đã từng rơi vào thế “đối đầu” với cộng đồng mạng? Anh làm cách nào để thể hiện được quan điểm của mình trước làn sóng hung hăng của cư dân mạng hay thậm chí “giang hồ mạng”?
Chuyện đó tôi gặp rất nhiều rồi, khi đưa ra những góc nhìn không theo số đông, hoặc lật lại một vấn đề gì đó, theo một quan điểm khác. Rất nhiều người hoặc sẽ phải xóa post, hoặc phải sửa lại những gì mình đã viết, cho ẩn đi, thậm chí khóa lại Facebook của mình một thời gian để tránh bị những làn sóng tấn công bằng ngôn từ hoặc bị hack. Tôi chưa phải làm thế bao giờ cả.
Khi đăng cái gì lên mạng, tôi cũng đã suy nghĩ rất kĩ và tính toán mọi đường rồi. Tôi bảo vệ các quan điểm của tôi đến cùng và sẵn sàng tranh luận với bất cứ ai nếu như có thiện chí. Ðương nhiên, các cuộc tranh luận cần có giới hạn về không gian và chủ đề bàn luận. Thường thì rất ít các cuộc tranh luận có những người có đủ khả năng văn hóa và trình độ để cùng trao đổi một cách văn minh với nhau, vì cư dân mạng rất nhiều người hung hăng. Với các thành phần như thế, tôi thường tìm cách hiểu tại sao họ phản ứng như vậy để dành thời gian trao đổi. Có thể cuộc trao đổi sẽ không diễn ra lúc ấy, khi họ đang rất “nóng”, mà vào lúc khác.
Nhưng đúng chuyện bất đồng quan điểm là điều không thể tránh được trong giao tiếp trên MXH. Quan trọng là mình luôn bình tĩnh, sử dụng câu từ lịch sự, văn minh. Chuyện đó thì chắc các bạn hung hăng không làm được, nhưng tôi thì làm được. Và thỉnh thoảng lại thích chọc ghẹo họ cho vui (cười).
Xin cảm ơn anh!
Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài viết ... |
Cư dân mạng sắp vừa dùng Facebook vừa được trả tiền Facebook vừa cho biết sẽ ra mắt ứng dụng Study có tính năng phân tích, tính toán rồi sau đó trả tiền cho người sử ... |
Facebook sao Việt hôm nay (12/6): Ngọc Trinh bức xúc vì bị lợi dụng hình ảnh, Đào Bá Lộc gây sốc Facebook sao Việt hôm nay (12/6): Ngọc Trinh đã đăng tải dòng trạng thái bày tỏ cảm xúc trước việc hình ảnh của mình bị sử ... |