Mặt trái của mạng xã hội, chính là mặt phải của báo chính thống
Vì sao mạng xã hội thống trị?
Vào một ngày của tháng 2 năm 2004 tại một căn phòng ký túc xá của đại học Harvard nổi tiếng, một cậu sinh viên năm hai đã lập ra trang mạng có tên TheFacebook.com. Tên của chàng sinh viên ấy là Mark Zuchkerberg. Đó chính là điểm khởi đầu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh về sau. Ngày đó Mark lập ra mạng xã hội cho nhu cầu giao lưu với các sinh viên trong trường. Nhưng ngay lập tức mạng xã hội nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng khi chỉ trong vòng một tháng, nửa số sinh viên Harvard đã đăng ký thành viên của TheFacebook.
Mark Zuchkerberg đồng sáng lập facebook, mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất ở thời điểm hiện tại |
Và đến tháng thứ ba thì website mở rộng sang các trường đại học khác như Yale, Columbia và Standford. Nhận thấy tiềm năng của TheFacebook.com, Mark đã cùng với những người bạn học của mình quyết định phát triển trang mạng xã hội theo hướng kinh doanh. Tính từ lúc đó, facebook là không thể ngăn chặn. Năm 2014, tròn 10 năm sau khi ra đời, facebook có đến 1,23 tỷ lượt truy cập mỗi tháng. Và trong thống kê gần nhất vào tháng 04/2019, con số ấy đã là 2,3 tỷ - có nghĩa là 1/4 thế giới dùng facebook. Riêng Việt Nam là gần 60 triệu người dùng. Nếu ta xem facebook là một quốc gia, thì dân số của quốc gia ấy là lớn nhất thế giới.
Tại sao facebook có thể thống trị đến mức độ đó? Bởi vì facebook có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tạo nên chiến thắng.
“Thiên thời” đó là khi ra đời trang mạng xã hội của mình thì Mark Zuchkerberg là kẻ đi trước và không gặp vấn đề cạnh tranh. Cùng với đó lại là sự nổi lên của công nghệ thông tin, của toàn cầu hóa và Internet. Trên Internet thì dù bạn là ai, và dù bạn ở đâu, chỉ cần một cú click chuột và bạn sẽ đến với nhau. Facebook ra đời, đẩy mạnh sự kết nối, tạo ra một giao diện dễ gần, dễ dùng. “Địa lợi” ở đâu? Chúng ở trong những chiếc điện thoại. Sự bùng nổ của facebook trùng với thời điểm smartphone nở rộ. Nhờ những chiếc điện thoại thông minh này mà facebook có thêm được nhiều người dùng bởi tính tiện lợi của chúng. Thống kê cho thấy trong 1,23 tỷ lượt truy cập mỗi tháng đến với facebook năm 2014, thì 1 tỷ trong số đó đến từ thiết bị di động.
Và cuối cùng là “nhân hòa”, đây cũng là lý do mà mạng xã hội này đang trên đường đánh bại các tờ báo truyền thống, từ báo giấy đến báo điện tử. Facebook cho chúng ta thõa mãn cái tôi của bản thân bằng news feed (dòng thời gian) và status (trạng thái chia sẻ). Khi bạn chia sẻ cảm nghĩ của mình về một vấn đề xã hội thì bạn đã chính là một nhà báo, và trang cá nhân của bạn chính là một tờ báo thu nhỏ. Đấy chính là điểm lợi hại của facebook.
Tờ báo ấy vốn dĩ chưa chắc đã nuôi sống được bạn, nhưng nó có thể cho bạn một thứ doping tinh thần, một sự thỏa mãn trong thoáng chốc liên quan đến quyền cơ bản của con người, đó là quyền được tôn trọng, được lắng nghe. Bây giờ, nếu như có một vụ án gây xôn xao dư luận xảy ra, hay một phát ngôn không chuẩn mực của người nổi tiếng, hay một trận bóng đá có hàng tỷ người xem ..v.v... thường thì chúng ta sẽ đọc báo xem báo viết gì. Nhưng giờ với mạng xã hội trong tay, chúng ta sẽ được quyền nêu ý kiến về những chủ đề ấy. Và nếu may mắn khi đó là một góc nhìn hay, thì bạn sẽ được nhiều likes, được nhiều chia sẻ (share), và được biết tới. Cuộc sống luôn luôn vận động, và facebook cho chúng ta những cái “trend” (trào lưu) để ta không thể rời bỏ được nó.
Quy mô khổng lồ, sức hấp dẫn của facebook đã chỉ ra cho người làm báo biết rằng phải sống chung với lũ, chứ không thể đứng biệt lập. Vấn đề là, sống như thế nào cho tốt?
‘Gương mặt” trắng đen
Facebook như đã nói ở phần trên, cái lợi hại của nó là quá dễ dàng nêu ý kiến, và đó cũng chính là cái điểm bất cập chết người khiến nó mất uy tín. Từ dễ dàng mà đi đến dễ dãi, cuối cùng mà sinh ra tin giả, fake news. Một người phụ nữ đăng tin dịch Ebola đến Việt Nam, một người đàn ông nói máy bay rơi ở Nội Bài. Hay chiều 5/6/2019, Công an TP Quy Nhơn đã cho điều tra 2 chủ tài khoản Facebook trong việc tung tin về các vụ bắt cóc không có thật ở khu vực Vườn Bông (P.Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Chưa kể song song với tin giả là những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân một người khác. Đấy rõ ràng là những việc làm có tính nguy hại đến cộng đồng.
Nếu ta xem facebook là một quốc gia, thì dân số của quốc gia ấy là lớn nhất thế giới. |
Người làm báo chính thống thì tránh xa được điều ấy, do luôn phải đi qua từng lớp kiểm thông tin và đòi hỏi sự kỹ càng, chuyên sâu. Điều đó có nghĩa là, làm báo bây giờ để nhanh thì không thể theo kịp mạng xã hội, thì cái ta cần đó phải là thông tin đúng, và thông tin sâu. Một sự kiên xảy ra, mạng xã hội sẽ báo cho chúng ta biết đó là chuyện gì, có ai tham gia. Báo giấy xuất hiện sau một ngày phải biết lùi lại, nghiền ngẫm để đưa những tin chuyên sâu và lắng đọng. Tạo ra những góc nhìn có tính nhân văn, tính cảnh báo mà mạng xã hội không có được. Viết cái mà mạng xã hội không có, chính là cách sống chung cùng mạng xã hội. Tốc độ là của người, còn chất lượng là của tôi.
Để có thể đưa được thông tin đúng cho mọi người, nhưng lại phải sống với mạng xã hội để lấy thông tin mà người đọc quan tâm là điều không hề đơn giản. Tuy vậy không phải là không thể. Chúng ta chỉ có thể làm được điều đó khi có một trái tim nóng và một bộ não lạnh. Ta cần một trái tim đẹp để biết đưa thông tin hướng thiện, điều tốt cho cộng đồng, chứ không phải chạy theo “trend” bất chấp tốt xấu. Nhưng ta cần một bộ não lí trí để phân tích, để tư duy thẩm định hòng lọc ra thông tin đúng hay sai, để quyết định phải viết về chuyện đó, hay quyết định đợi thêm một thời gian cho có nhiều thông tin.
Xã hội luôn đổi thay, và con người phải thay đổi để tồn tại. Hãy học từ chính Facebook, điều đã giúp mạng xã hội này bành trướng đó chính là việc thay đổi, thay đổi liên tục.